Vĩnh biệt nhà nghiên cứu văn hóa, PGS. Vũ Ngọc Khánh
(Dân trí) - Vào hồi 19h ngày 26/6/2012, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS Vũ Ngọc Khánh, người sáng tác “Nghìn năm Thăng Long đại cáo” đã từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.
Nghe tin dữ, bạn bè, người thân, học trò, đồng nghiệp và tất cả những ai quan tâm đến văn hoá nước nhà đều không khỏi bàng hoàng, thảng thốt trong niềm tiếc thương vô hạn.
PGS Vũ Ngọc Khánh sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Hội Thống, nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, ông học tiểu học tại quê, lớn lên sang Vinh (Nghệ An) học bậc Thành chung, sau đó ra Hà Nội học trường Trung học Thăng Long. Tại đây, ông được thọ giáo với những bậc thầy danh tiếng như Bùi Kỷ, Đặng Thai Mai, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp...
Năm 1943, ông hoạt động bí mật trong một tiểu tổ Việt Minh tại Hà Nội. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông về quê hăng hái tham gia cướp chính quyền và trở thành Huyện uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nghi Xuân lúc mới 19 tuổi.
Khi tiền đồ của một cán bộ chính trị đang hết sức thuận lợi, rộng mở thì người thanh niên trí thức giàu ý chí, nghị lực ấy lại chuyển sang xây dựng ngành giáo dục rồi tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học. Năm 1956, đang dạy cấp III Huỳnh Thúc Kháng (Vinh), ông được điều ra dạy cấp III Lam Sơn (Thanh Hóa). Đối với sự nghiệp giáo dục xứ Nghệ và xứ Thanh, trong 22 năm dạy học, ông có nhiều cống hiến. Ông đã đào tạo cho đất nước nhiều thế hệ học trò ưu tú, không ít người trong đó nay đã trở thành những nhà nghiên cứu có uy tín cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
Từ một nhà giáo say mê sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian, năm 1970, Vũ Ngọc Khánh được chuyển hẳn sang Ty văn hoá Thanh Hoá, phụ trách Tiểu ban Văn nghệ dân gian. Năm 1980, ông chuyển ra làm việc tại Ban Văn hoá dân gian, tổ chức tiền thân của Viện Văn hoá dân gian thuộc Uỷ ban KHXH Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu văn hoá, thuộc viện KHXH Việt Nam).
Có thể nói, ngoài việc tìm đọc trên sách vở, Vũ Ngọc Khánh là một trong số ít nhà hoạt động văn hoá đi điền dã, đi thực tế rất nhiều. Về sức viết của ông thì lại càng rất ít người bì kịp, đến nay, ông có khoảng 230 đầu sách dày dặn, bao gồm sách viết riêng và viết chung, chưa tính các bài báo. Ở Việt Nam hiện nay, nếu xét về số lượng đầu sách, công trình, có lẽ, ông là người chiếm kỷ lục. Công trình nghiên cứu của ông chủ yếu là về văn hoá dân gian.
Để trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu về văn hoá, Vũ Ngọc Khánh đã phấn đấu học tập suốt đời để có được tri thức bách khoa về văn hoá cổ truyền dân tộc. Và quan trọng hơn, không chỉ có tri thức uyên bác mà ông còn sống rất sâu, trải nghiệm rất rộng tâm thức văn hoá dân tộc, xuyên suốt bề dày lịch sử các phương diện sinh hoạt văn hoá của các cộng đồng. Tuy phổ nghiên cứu của ông bao quát nhiều miền, xứ của đất nước nhưng có hai vùng văn hoá ông thâm nhập sâu nhất là Thăng Long - Hà Nội và Thanh - Nghệ. Xứ Nghệ là quê hương, bản quán; xứ Thanh cũng xem như là quê hương thứ hai với 24 năm dạy học và làm văn hoá. Ở hai xứ sở này, ông đã thâu thái được những tinh tuý, hồn cốt văn hoá truyền thống.
Từ đất thang mộc, anh đồ Nghệ tân thời Vũ Ngọc Khánh tiến ra Thăng Long. 32 năm ở đất kinh kỳ văn hiến, Vũ Ngọc Khánh như rồng gặp mây, thả sức tung hoành trong nghiên cứu, trước thuật.
Xung quanh đề tài văn hiến Thăng Long, Vũ Ngọc Khánh đã có hàng chục đầu sách giá trị. Với vùng văn hoá Thăng Long - Hà Nội, ông cũng có những phát hiện và khái quát độc đáo: Thăng Long tứ khí (linh khí, vượng khí, chính khí và hùng khí). Đặc biệt, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, tập đại thành “Niên giám văn hiến nghìn năm Thăng Long” và bài “Nghìn năm Thăng Long đại cáo” của ông đã trở thành những sự kiện truyền thông nổi bật của Thủ đô và cả nước. Riêng bài đại cáo “Nghìn năm Thăng Long” được phát liên tục suốt 10 ngày diễn ra đại lễ trên sóng phát thanh Thủ đô Hà Nội.
Xưa nay, cũng không mấy người giành được vinh dự như ông!
Trong 32 năm thành danh ở Thủ đô, Vũ Ngọc Khánh lúc nào cũng nhớ về núi Hồng sông La. Để chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dẫu bận bịu với hàng chục công trình nghiên cứu, ông vẫn tranh thủ về quê, cộng tác với hai nhà nghiên cứu văn hoá địa phương là Võ Hồng Huy và Thái Kim Đỉnh biên soạn công trình “Tiếng Kiều đồng vọng đất non Hồng” (NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2010), tạo nên một tiếng đồng vọng nổi trội của quê hương xứ Nghệ trong âm hưởng nghìn năm Thăng Long.
Ngạn ngữ châu Phi có câu “Một người già chết đi là mất đi một thư viện lớn”. Một người già như PGS Vũ Ngọc Khánh mất đi thì sự mất mát của chúng ta lớn đến nhường nào!
Ông từ giã chúng ta, “chuyển cõi” về chốn vĩnh hằng, nhưng những trăn trở, sở đắc, nỗi niềm, mong ước trong các diễn ngôn văn hoá của ông thì vẫn mãi mãi đồng vọng cùng quê hương, đất nước.