Bảng xếp hạng của OECD:
Việt Nam xếp thứ 12: Kết quả ‘đẹp’ đến… khó tin
Có lẽ kết quả PISA cho thấy các em học sinh Việt Nam tham gia đã thuộc bài tốt, và ngoài cái đó thì chúng ta không biết các em còn tốt/dở khía cạnh nào khác.
Tuần vừa qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố một bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đứng thứ hạng 12, trên cả các nước tiên tiến như Mĩ, Úc, và nhiều quốc gia Âu châu. Kết quả này làm cho giới quản lí giáo dục có lí do tốt đề hài lòng.
Nhưng chính kết quả đó cũng làm cho rất nhiều người ngạc nhiên, vì… khó tin. Cũng như trong nghiên cứu khoa học, bất cứ một kết quả nào quá đẹp, thì thái độ đầu tiên phải là nghi ngờ, và đòi hỏi bằng chứng thuyết phục hơn nữa, kết quả xếp hạng của OECD cũng thế. Trong bài viết này tôi muốn diễn giải kết quả đó theo một cách nhìn khác.
Không phản ánh chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục là một vấn đề rất khó định lượng, càng khó so sánh. Các chuyên gia giáo dục thường đánh giá chất lượng của một nền giáo dục qua 3 nhóm chỉ tiêu liên quan đến đầu vào (input), qui trình (process), và đầu ra (output).
Đầu vào có thể là nguồn lực và tài chính đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất của hệ thống trường học, trình độ chuyên môn của thầy cô, v.v. Các chỉ tiêu liên quan đến qui trình thường tính đến sự bình đẳng trong giáo dục giữa các thành phần xã hội, sự chuyển tiếp từ trường học sang lao động, môi trường học tập, và tổ chức.
Các chỉ tiêu phản ánh đầu ra bao gồm điểm thi các môn học (văn, toán, khoa học, ngoại ngữ, v.v.), tỉ lệ bỏ học, tỉ lệ vào đại học, tỉ lệ ở lại lớp, v.v. Nói chung, để đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan và đầy đủ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực nghiên cứu và phân tích các chỉ tiêu trên. Nên nhớ rằng các chỉ tiêu trên thường mang tính địa phương và phụ thuộc vào văn hoá, nên việc so sánh chất lượng giữa các quốc gia là một việc làm rất khó khăn.
Kết quả xếp hạng của OECD không có tính tổng hợp như tôi vừa mô tả. Thật ra, cách xếp hạng của OECD rất đơn giản: họ dựa vào điểm kiểm tra môn toán và khoa học của một nhóm học sinh 15 tuổi tham gia vào chương trình kiểm định PISA năm 2012. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chương trình kiểm định PISA năm 2012 tập trung vào môn toán, nhưng cũng có đánh giá môn khoa học, và đọc và hiểu.
Kết quả chương trình PISA 2012 cho thấy điểm toán của học sinh Việt Nam là 511 điểm, cao hơn 17 điểm so với trung bình các nước OECD (494 điểm). Điểm môn khoa học của học sinh Việt Nam là 528 điểm, cao hơn trung bình OECD đến 27 điểm. Dựa vào kết quả hai môn này, năm nay OECD xếp Việt Nam đứng hạng 12 toàn cầu. Với hạng này, Việt Nam cao hơn Úc, Mĩ, Pháp, Anh, nhưng thấp hơn Singapore (hạng 1), Hồng Kông (hạng 2), Hàn Quốc (hạng 3), Nhật và Đài Loan (hạng 4), Phần Lan, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Canada, và Ba Lan.
Do đó, cách xếp hạng của OECD như mô tả trên không phản ánh chất lượng giáo dục. Không cần nói ra, chúng ta cũng thấy chương trình kiểm định như thế không phản ảnh toàn bộ khả năng học tập của học sinh. Nó càng không phản ảnh được môi trường học tập vốn được xem là quan trọng hơn 3 môn học đó.
Có lẽ kết quả PISA cho thấy các em học sinh Việt Nam tham gia đã thuộc bài tốt, và ngoài cái đó thì chúng ta không biết các em còn tốt/dở khía cạnh nào khác.Không thể nào chỉ dựa vào hai môn học của một nhóm học sinh 15 tuổi để nói về chất lượng giáo dục của một quốc gia. Nếu làm như thế thì quả thật đó là cách làm quá phiến diện.
Điều quan trọng cần phải hiểu đúng là kết quả của PISA do đó chỉ là một “bức tranh” ở một thời điểm nhất định, chứ không phản ảnh điểm lâu dài của học sinh. Ngoài ra, còn có nghiên cứu cho thấy những em học sinh có điểm cao trong PISA không phải là những em có thành tích học tập tốt sau đó. Nói cách khác, điểm PISA không phản ảnh đúng trình độ học tập của học sinh. Vì thế, điểm PISA không phản ánh được chất lượng của một nền giáo dục.
Cách xếp hạng của OECD dựa vào điểm kiểm tra môn toán và khoa học của một nhóm học sinh 15 tuổi tham gia vào chương trình kiểm định PISA năm 2012. Ảnh minh họa |
Tính đại diện của kết quả?
Có bằng chứng cho thấy những em học sinh ở Việt Nam tham gia vào chương trình kiểm định của PISA không mang tính đại diện cho cả nước. Một bài báo trên Vietnamnet năm 2013 cho chúng ta biết rằng "Để giới thiệu về các lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu, VN đã nghiên cứu kỹ tất cả các dạng bài thi PISA đã công bố, tóm tắt và khái quát các dạng bài thi với các yêu cầu kỹ thuật làm từng dạng bài thi, từng loại câu hỏi để giáo viên nắm được kỹ thuật về giới thiệu cho học sinh. Tiếp đó, ngành GD-ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán từ trung ương đến địa phương.
Để đưa PISA vào trường phổ thông, Bộ chỉ đạo trên toàn quốc các giáo viên đã được tập huấn PISA thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, thảo luận từng dạng bài thi và các dạng câu hỏi thi PISA. Giáo viên giới thiệu cho học sinh một số câu hỏi thi PISA được in trong tài liệu tập huấn. Có trường xây dựng được mạng nội bộ đã đưa lên mạng các dạng bài thi PISA cho học sinh làm, mở cuộc thi nhỏ tìm hiểu về PISA." Như vậy đây Việt Nam đã chuẩn bị các em cho cuộc thi chọi này, chứ các em không được chọn một cách ngẫu nhiên.
Cách huấn luyện "gà chọi" này làm cho kết quả các môn toán, khoa học, và đọc và hiểu của Việt Nam khá khác với các nước khác. Ở các nước như Úc và Mĩ người ta không có những chương trình huấn luyện gà chọi như Việt Nam. Do đó, kết quả của các nước này có độ khác biệt cao hơn so với Việt Nam.
Độ khác biệt giữa các học sinh có thể phản ảnh qua hệ số biến thiên. Tôi đã tải dữ liệu PISA và phân tích hệ số biến thiên giữa các học sinh ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Úc, và Mĩ (Bảng 1). Như có thể thấy, các nước khác, ngay cả Singapore có điểm cao nhất, có hệ số biến thiên cao hơn Việt Nam.
Chẳng hạn như điểm môn toán, độ khác biệt giữa các học sinh Việt Nam chỉ 16%, rất thấp so với Thái Lan (21%), Úc (20%) và Mỹ (19%). Ngay cả điểm môn khoa học cũng là một ngạc nhiên, vì độ khác biệt giữa các học sinh Việt Nam chỉ 14%, so với 19-20% ở các nước khác. Tôi nghĩ rằng hệ số biến thiên của Việt Nam thấp một cách ngạc nhiên là do có sự huấn luyện rất tốt trước khi tham gia chương trình kiểm tra PISA. Điều đó cũng cho thấy điểm thi của học sinh Việt Nam trong chương trình PISA không hề đại diện cho quần thể học sinh của cả nước.
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Bảng 1: Điểm trung bình và phần trăm khác biệt giữa các học sinh (%) |
(Còn tiếp)
Theo Nguyễn Văn Tuấn/Vietnamnet