Việt Nam sẽ tham gia Công ước công nhận văn bằng giáo dục ĐH Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

(Dân trí) - Hiện Việt Nam đang là một trong các quốc gia được UNESCO hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực để sớm phê chuẩn và thực hiện công nhận văn bằng giáo dục đại học Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Công ước Tokyo 2011).

Hiện nay, ở khắp các quốc gia trên thế giới, người học có nhiều cơ hội được học tập, chủ động lựa chọn chương trình học, phương thức học phù hợp nhất với mình. Đó cũng chính là nội dung của Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (Sustainable Development Goal four – SDG4) cho Giáo dục 2030 được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua tháng 9/2015.

Chính sự đa dạng về phương thức học tập, sự khác biệt giữa các hệ thống giáo dục đại học, khung trình độ quốc gia và khung đảm bảo chất lượng giáo dục ở mỗi quốc gia khác nhau đã dẫn đến nhiều thách thức và khó khăn trong việc công nhận tương đương văn bằng và học thuật giáo dục đại học giữa các quốc gia.


Hằng năm có gần 4.000 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng giáo dục đại học và nhiều công văn của các cơ quan, tổ chức hỏi về công nhận văn bằng của nước ngoài. (Ảnh: minh họa)

Hằng năm có gần 4.000 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng giáo dục đại học và nhiều công văn của các cơ quan, tổ chức hỏi về công nhận văn bằng của nước ngoài. (Ảnh: minh họa)

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 130.000 công dân Việt Nam đang học tập ở nước ngoài (số liệu tháng 10/2016). Từ năm 2000 tới tháng 10/2016, có 485 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đã và đang thực hiện (96,7% số lượng chương trình liên kết đào tạo cấp bằng của nước ngoài).

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0 đã làm gia tăng nhanh chóng các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục xuyên biên giới, đặc biệt là hình thức đào tạo trực tuyến (online education). Vì vậy, số lượng văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam hiện rất lớn và vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Theo số liệu của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong những năm gần đây, hằng năm có gần 4.000 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng giáo dục đại học và nhiều công văn của các cơ quan, tổ chức hỏi về công nhận văn bằng của nước ngoài. Điều đó cho thấy nhu cầu công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục đại học nước ngoài cấp ngày càng được xã hội quan tâm.

Với vai trò là tổ chức tiên phong, hiện UNESCO đang làm đầu mối để hỗ trợ 06 khu vực trên thế giới ban hành các Công ước về công nhận văn bằng giáo dục đại học ở từng khu vực và mong muốn sẽ sớm tiến tới Công ước công nhận văn bằng giáo dục đại học toàn cầu, nhằm đẩy mạnh công nhận học thuật và văn bằng giáo dục đại học giữa các quốc gia.

Việt Nam tham gia ký kết Công ước công nhận văn bằng giáo dục đại học Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Băng Cốc (Công ước Băng Cốc 1983) vào tháng 12/1983 nhưng chưa ký kết, phê chuẩn và thực hiện theo Công ước sửa đổi, bổ sung tại Tokyo năm 2011 (Công ước Tokyo 2011). Hiện Việt Nam đang là một trong các quốc gia được UNESCO hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực để sớm phê chuẩn và thực hiện Công ước Tokyo 2011.

Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia UNESCO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ngày 28/3 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia công nhận văn bằng giáo dục đại học tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế về giáo dục đại học của Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công nhận văn bằng giáo dục đại học với đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội, các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và một số sở nội vụ, sở GD&ĐT,…

Đây là cơ hội để Việt Nam sớm đưa ra kế hoạch phê duyệt và thực hiện Công ước Tokyo 2011. Đồng thời, giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức về công nhận văn bằng giáo dục đại học, về mối liên hệ chặt chẽ giữa công nhận văn bằng, đảm bảo chất lượng và Khung trình độ quốc gia.

Việt An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm