Viết luận về nghề giáo, cô gái Việt xinh đẹp giành học bổng thạc sĩ ĐH danh tiếng Mỹ

(Dân trí) - Tốt nghiệp ngành Giáo dục Tiểu học tại University of Minnesota (Hoa Kỳ) với thành tích học tập ấn tượng, đam mê giáo dục và tận tâm truyền cảm hứng cho học sinh, cô gái Việt Lê Quỳnh Như (sinh năm 1996) tiếp tục xuất sắc được nhận vào chương trình thạc sĩ của ĐH Columbia (tốp 5 ĐH quốc gia tốt nhất nước Mỹ 2018).

quynhnhu1

Lê Quỳnh Như vừa nhận vào chương trình thạc sĩ của Đại học Columbia (Tốp 5 đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ 2018, theo U.S. News & World Report).

Theo đuổi giáo dục để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt

Cấp 3, Lê Quỳnh Như học ở trường Trung học Thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM. Du học bậc cử nhân tại Đại học Minnesota với chuyên ngành chính là Giáo dục Tiểu học và chuyên ngành phụ là dạy tiếng Anh (TESOL), Quỳnh Như vừa học trên lớp, vừa đi thực tập tại các trường Tiểu học.

Sau 4 năm cử nhân, cô biết mình vẫn muốn theo đuổi ngành giáo dục để giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt với định hướng về giáo dục đa dạng.

Quỳnh Như chia sẻ: "Khi chọn chương trình thạc sĩ, tôi ưu tiên các chương trình có mục tiêu đào tạo giáo viên nhấn mạnh sự đa dạng và tính bao hàm. Sự đa dạng là khả năng dạy học sinh đến từ mọi hoàn cảnh.

Tính bao hàm là không loại bỏ bất kỳ học sinh nào. Đó có thể là học sinh vô gia cư. Đó có thể học sinh bị khuyết tật về mặt thể chất hay tinh thần. Đó có thể học sinh nhập cư không thể nói tiếng Anh”.

Mục tiêu giáo dục Quỳnh Như theo đuổi là muốn tạo ra một môi trường học tập sáng tạo, an toàn và đa dạng cho tất cả các học sinh.
Mục tiêu giáo dục Quỳnh Như theo đuổi là muốn tạo ra một môi trường học tập sáng tạo, an toàn và đa dạng cho tất cả các học sinh.

Sau khi tìm hiểu các trường, Quỳnh Như chọn Columbia, Stanford, Vanderbilt và trường cô đang học. Nhưng cuối cùng, cô gái Việt ấn tượng với Columbia bởi chương trình Giáo dục Đặc biệt chú trọng các phương pháp dạy và đánh giá học sinh bị khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần.

Điều này phù hợp với mục tiêu giáo dục của mà Quỳnh Như đặt ra vì cô muốn tạo ra một môi trường học tập sáng tạo, an toàn và đa dạng cho tất cả các học sinh. Đó là một môi trường mà các em đến từ bất kỳ hoàn cảnh nào sẽ cảm thấy mình được trân trọng và hỗ trợ về mặt học tập và tinh thần.

Nói về việc chinh phục tấm vé chương trình thạc sĩ của đại học hàng đầu Mỹ, Như tâm sự: “Tôi biết thế mạnh của mình là hoạt động ngoại khoá và khả năng suy ngẫm về trải nghiệm của mình. Vì vậy tôi dồn sức lực của mình vào các đợt thực tập trong các trường tiểu học.

Trong từng đợt thực tập, tôi luôn đặt ra các mục tiêu cho bản thân: Tôi muốn học được điều gì từ cơ hội này? tôi có thể giúp đỡ được gì cho học sinh? tôi muốn áp dụng kiến thức nào trong kỳ thực tập này?...”

Sau mỗi đợt thực tập, cô thường suy ngẫm xem mình đã học được gì, và từ những trải nghiệm ấy, đặt ra những mục tiêu kế tiếp cho những đợt thực tập tiếp theo. Khi viết bài luận, 9X đưa những trải nghiệm đó vào để thể hiện quan điểm giáo dục của mình.

Một đôi giày không thể phù hợp cho tất cả mọi người

Đó là bài học mà cô gái Việt rút ra sau quá trình trải nghiệm làm cô giáo tại Mỹ. Đợt thực tập giáo dục đặc biệt ở Minnesota để lại cho Quỳnh Như nhiều điều để suy nghĩ nhất.

Theo Như, khi đi dạy ở một môi trường đa văn hoá như ở Mỹ, giáo viên không thể mong đợi tất cả học sinh của mình sẽ là da trắng, thuộc tầng lớp trung lưu, và có khả năng học tập bình thường. Trong một lớp học sẽ có nhiều học sinh nhập cư, thuộc tầng lớp lao động hay bị khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần.

Vì vậy không thể áp dụng một phương pháp giảng dạy cho tất cả các học sinh bởi sẽ có em cảm thấy mình không được trân trọng trong lớp học. Đối với các em cần sự hỗ trợ đặc biệt, giáo viên cần phải linh hoạt trong việc thay đổi phương pháp để học sinh có thể sử dụng năng lực của mình để học.

Chinh phục tấm vé chương trình thạc sĩ của đại học hàng đầu Mỹ, Quỳnh Như tiếp tục theo đuổi đam mê dạy học vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Chinh phục tấm vé chương trình thạc sĩ của đại học hàng đầu Mỹ, Quỳnh Như tiếp tục theo đuổi đam mê dạy học vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

"Lúc ấy tôi được giao nhiệm vụ hỗ trợ một học sinh tự kỉ viết một câu chuyện sử dụng biện pháp nhân hoá. Đối với các học sinh bình thường, việc viết một bài văn sẽ không quá khó vì các em có khả năng liên tưởng và sắp xếp ý. Nhưng đối với một học sinh tự kỷ, để giao một bài tập yêu cầu suy nghĩ trừu tượng như vậy sẽ rất khó.

Tuy tôi cố gắng sử dụng các công cụ sắp xếp và lên ý tưởng, nhưng nó không giúp ích được gì cho em ấy cả. Cho đến một hôm, khi tôi đến lớp vào buổi sáng sớm thì thấy em ấy đang vẽ truyện tranh. Vì vậy tôi nghĩ nếu em ấy giỏi vẽ, tôi có thể yêu cầu em vẽ một câu chuyện. Và cuối cùng thì cậu bé cũng hoàn thành một cách dễ dàng", nữ du học sinh kể.

Trong tất cả các hoạt động, Quỳnh Như đặt lợi ích của học sinh lên đầu. Mặc dù trong mỗi buổi thực tập, luôn áp dụng nhưng phương pháp dạy học tốt nhất mà tôi được học trên lớp để giúp đỡ học sinh của mình. Nhưng cô nhận ra rằng chả có phương pháp nào là tốt nhất cho tất cả học sinh.

"Một đôi giày không thể phù hợp cho tất cả mọi người. Vì vậy tôi khi tiếp xúc với các em, tôi luôn dành thời gian tìm hiểu kiến thức và kinh nghiệm sống của các em. Sau đó, tôi sử dụng những điều tôi học được từ các em để chuẩn bị bài học sao cho phù hợp với khả năng và liên quan đến văn hoá và cuộc sống các em. Tôi muốn các em sử dụng kinh nghiệm sống của mình để xây dựng kiến thức mới cũng như khiến cho các em cảm thấy câu chuyện của mình được trân trọng", Quỳnh Như bày tỏ.

Giáo viên hiện đại cần trang bị kỹ năng thấu hiểu và tiếp nhận đa dạng

Trong bài luận, cô gái 22 tuổi tập trung miêu tả sự thay đổi trong mục tiêu và quan điểm giáo dục của bản thân qua 3 trải nghiệm dạy học ở Mỹ và Việt Nam.

Câu chuyện bắt đầu từ trải nghiệm năm lớp 11 khi Quỳnh Như đi dạy học đầu tiên tại một mái ấm ở TP. HCM. Qua trải nghiệm này cô biết được mình muốn theo đuổi giáo dục ở bậc đại học để tìm hiểu phương pháp giảng dạy chú trọng phát triển tiềm năng cũng như coi trọng văn hoá và kinh nghiệm sống của học sinh.

Khi viết bài luận, 9X Việt đưa những trải nghiệm làm cô giáo vào để thể hiện quan điểm giáo dục của mình.
Khi viết bài luận, 9X Việt đưa những trải nghiệm làm cô giáo vào để thể hiện quan điểm giáo dục của mình.

Khi tiếp xúc với các em học sinh tự kỷ, tăng động giảm tập trung và rối loạn cảm xúc trong đợt thực tập giáo dục đặc biệt, Quỳnh Như nhận ra nhiệm vụ của mình không chỉ giới hạn ở việc dạy chữ mà cần phải quan tâm đến tinh thần và cảm xúc của các em. Điều này đã truyền cảm hứng cho cô gái Việt đưa thiền và chánh niệm vào chương trình học để cải thiện cảm xúc cũng như dạy các em về sự đồng cảm.

Với mục tiêu như vậy, ở trải nghiệm thứ 3, cô miêu tảđưa chánh niệm và thiền vào chương trình học để dạy văn học, giúp học sinh giảm căng thẳng và dạy các hành vi tích cực như lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ bạn bè.

Đam mê dành cho ngành giáo dục và nhiệt huyết trong mỗi trải nghiệm thể hiện trong bài luận giúp cô gái Việt 22 tuổi thuyết phục hội đồng tuyển sinh Đại học Columbia.

Lý lịch các công việc thực tập và hoạt động ngoại khoá liên quan đến ngành giáo dục, thư giới thiệu tận tâm của các giáo sư và cố vấn cũng như bảng điểm tốt có lẽ là những yếu tố giúp bộ hồ sơ của Quỳnh Như trở nên ấn tượng.

Theo Quỳnh Như, một giáo viên hiện đại cần trang bị kỹ năng thấu hiểu và tiếp nhận đa dạng các đối tượng học sinh.
Theo Quỳnh Như, một giáo viên hiện đại cần trang bị kỹ năng thấu hiểu và tiếp nhận đa dạng các đối tượng học sinh.

Qua những trải nghiệm, Quỳnh Như cho rằng, một người giáo viên hiện đại cần phải trang bị cho mình “các kỹ năng cần thiết để hiểu và tiếp nhận tất cả học sinh khác nhau”.

"Nó quan trọng hơn việc giáo viên có thể sử dụng những thiết bị công nghệ hiện đại hay thuộc nằm lòng các phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất. Vì những điều ấy chả có ý nghĩa gì khi giáo viên không tìm hiểu xem người học của mình là ai.

Tôi nghĩ rằng khi mình hiểu rõ học sinh của mình là ai, các em có những thế mạnh nào, các em đang cần những điều gì, khi ấy tôi sẽ biết mình nên sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện của các em", cô giáo tương lai nhấn mạnh.

Dự định của cô gái Việt sau khi học xong chương trình thạc sỹ là đi dạy ở một trường Tiểu học ở Mỹ hoặc đi dạy tiếng Anh ở các nước khác hoặc về Việt Nam để hiện thực hóa đam mê giúp đỡ các trẻ em, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt.

Lệ Thu

Ảnh: NVCC

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục