Góp ý 3 phương án thi quốc gia:
Việc gì phải bỏ tiền trăm tỷ, nghìn tỷ để thi quốc gia tốt nghiệp THPT
(Dân trí) - Không chọn phương án nào trong 3 phương án thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN cho rằng: “Thi tốt nghiệp nên để cho các Sở GD-ĐT tổ chức còn thi đại học nên để cho các trường đại học tự tuyển sinh”.
Trao đổi với PV Dân trí về 3 phương án thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho biết: “Cả 3 phương án thi quốc gia THPT mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, tôi không chọn phương án nào cả bởi lẽ tôi quan niệm khác với các tác giả của 3 phương án này về thi tốt nghiệp THPT”.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Vậy giáo sư quan niệm như thế nào về kỳ thi quốc gia?
Thi là một hình thức đánh giá cần thiết. Đã dạy học, đã đào tạo thì phải có đánh giá về kết quả giảng dạy, đào tạo sau mỗi khóa.
Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD - ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014? | ||||||||
| ||||||||
Nhiều năm qua, thường các kỳ thi tốt nghiệp THPT đều cho đậu từ 95% đến trên 98%. Trừ những học sinh kém quá mới phải lưu ban, không cấp bằng tốt nghiệp. Vậy thì, đã chủ trương cho tốt nghiệp THPT như thế thì việc gì phải tổ chức thi tốn tiền của dân và của Nhà nước.
Bộ GD-ĐT nên giao cho các Sở GD-ĐT tổ chức thi với một quy chế chặt chẽ. Sở sẽ chỉ đạo các Phòng GD-ĐT ở quận/huyện tổ chức thi nghiêm túc tại mỗi trường. Trường nào đào tạo thì trường đó phải kiểm tra đánh giá (qua thi).
Tôi tin rằng, để giáo viên chấm thi học sinh do chính họ đào tạo sẽ rất chính xác, họ thừa biết học sinh nào xứng đáng được cấp bằng tốt nghiệp, học sinh nào nên xét vớt và học sinh nào quá kém cần lưu ban để bồi dưỡng thêm cho đạt đúng trình độ học vấn THPT.
Qua chỉ đạo, giáo viên trong trường cũng sẽ có một danh sách tốt nghiệp khoảng 95% trở lên số học sinh dự thi. Như vậy thì việc gì phải bỏ tiền trăm tỷ, nghìn tỷ để thi quốc gia tốt nghiệp THPT.
Nếu theo phương thức tổ chức thi của GS như vậy thì không có gì là đổi mới mà thực hiện lại theo phương thức thi ĐH cũ cách đây hơn chục năm khi chưa có thi “3 chung” là các trường ĐH tự tổ chức thi?
Tốt nghiệp THPT là những học sinh có trình độ trung bình về học vấn phổ thông. Với học vấn đó, học sinh có thể theo học hệ thống trung cấp nghề, cao đẳng nghề và những học sinh giỏi có thể thi vào các trường đại học.
Về tuyển sinh đại học, theo tôi, nên để các trường đại học tự đứng ra tuyển sinh. Tùy yêu cầu đào tạo mà trường đại học tự quyết định nên chọn học sinh có trình độ nào. Căn cứ vào đấy họ sẽ soạn đề thi sao cho qua thi tuyển, họ đạt yêu cầu tuyển sinh của khóa học.
Tôi tin rằng, những trường đại học có uy tín như các trường thuộc Đại học Quốc gia, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa… không bao giờ lại tuyển sinh học sinh kém về học vấn phổ thông. Và khi thi tốt nghiệp, họ cũng chẳng vì lí do gì mà phải dễ dãi với sinh viên.
Còn những trường đại học thiếu giáo viên có trình độ cao, thiếu cơ sở vật chất - kỹ thuật, lại tuyển học sinh kém vào học thì trước sau họ sẽ mất uy tín bởi sản phẩm đầu ra của họ không được nơi nào dùng cả.
Vậy vai trò của Bộ GD-ĐT sẽ như thế nào nếu tổ chức thi như trên?
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên quản lý Nhà nước về đào tạo đại học và cần nắm các trường đại học trọng điểm. Các Bộ, ngành, các doanh nghiệp nên có trường do mình xây dựng, tổ chức, quản lý và tự lo đào tạo đáp ứng với yêu cầu nhân lực theo ngành nghề mà xã hội thực sự cần.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh (thực hiện)