Góp ý về 3 phương án thi quốc gia: Khó lựa chọn để áp dụng!

(Dân trí) - Đồng ý với phương án 1 nhưng nên có thời gian kiểm nghiệm; Thực hiện ngay phương án thứ 3 để tránh cho HS cách học lệch tạo tâm lí phân biệt môn chính và phụ; Cả 3 phương án đều không khả thi nên duy trì thi đại học “3 chung”...

Sau khi mở hộp thư góp ý (tuyensinh@dantri.com.vn) về 3 phương án thi quốc gia mà Bộ GD-ĐT đưa ra trưng cầu ý kiến, Dân trí đã nhận được nhiều ý kiến độc giả góp ý với nhiều chiều khác nhau, có ý kiến chọn phương án 1, ý kiến chọn phương án 3 và cũng nhiều ý kiến cho rằng cả 3 phương án đều không khả thi.
 
Thí sinh vừa hoàn thành buổi thi môn Vật lý chiều nay (4/7) tại Đà Nẵng.
Thí sinh dự thi đại học năm 2014. (Ảnh: Khánh Hiền)

Đồng ý phương án 1!

“Tôi đồng ý như phương án 1 vì thực chất nên để các trường THPT xét hoàn thành chương trình THPT, thí sinh dự thi ĐH, CĐ như mọi năm nhưng thi 4 môn, trong đó có 1 môn do Bộ GD-ĐT chọn trong số 5 môn còn lại để học sinh không học lệch, có thi thì học sinh mới học. Kì thi ĐH nhiều năm nay làm nghiêm túc, không tiêu cực "làm phúc" "làm từ thiện" như kì thi tốt nghiệpN THPT” - độc giả ở địa chỉ chia sẻ: phamthuyluong@haiphong.edu.vn

Độc giả Lương cũng đã đưa ra phân tích ưu điểm khi chọn phương án của mình như đồng ý về địa điểm tổ chức thi, chấm thi, thành phần hội đồng coi thi, chấm thi, thi theo môn trong 4 ngày - 8 buổi cho 8 môn, mỗi buổi thi 1 môn.

Về số môn thi, mỗi thí sinh thi 4 môn - 3 môn thí sinh tự chọn theo đúng quy định các môn thi ở từng khối A, B, C, D1... của trường ĐH, CĐ (vẫn kế thừa đổi mới thi THPT của năm học 2014, đáp ứng yêu cầu ngành đào tạo của trường ĐH,CĐ). Riêng môn thứ tư do Bộ GD&ĐT bắt buộc cho mỗi khối thi và chọn trong số các môn học còn lại, chỉ công bố trước khi thi 2 tháng - để học sinh không học lệch (nếu tự chọn 4 môn như năm 2014 sẽ sinh ra loại lớp chỉ học 4 môn để thi, giáo viên các môn không thi sẽ rất khó khăn trong giảng dạy). Ví dụ: Khối A, thí sinh chọn 3 môn Toán, Lý, Hoá thì môn thứ 4 được Bộ GD&ĐT chọn 1 trong các môn Văn, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Sinh; Khối B : Thí sinh chọn 3 môn Toán, Hoá, Sinh thì môn thứ 4 được Bộ GD&ĐT chọn 1 trong các môn Văn, Ngoại ngữ, Sử, Địa, Lý; Khối C : Thí sinh chọn 3 môn Văn, Sử, Địa thì môn thứ 4 được chọn Bộ GD&ĐT 1 trong các môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ, Sinh.

Đồng quan điểm, độc giả maipu97@live.com cho hay, năm 2014 vừa qua Bộ GD-ĐT đã thay đổi hình thức thi TN theo phương thức mới và kỳ thi ĐH vẫn diễn ra theo phương thức 3 chung. Tôi nghĩ mới thay đổi 1 năm thì nên áp dụng thử 2 - 3 năm kiểm nghiệm xem thế nào. Mỗi năm thay đổi 1 đề án mới giáo viên và học sinh không thể theo kịp được. Còn về 3 đề án mới tôi thấy phương án thứ nhất khả thi hơn với học sinh, phân loại được năng lực của học sinh.

Độc giả hoahuelaocai@gmail.com đề nghị Bộ GD-ĐT quyết định chọn phương án 1 cho kỳ thi quốc gia năm 2015.

Còn nguyenthanglongt@gmail.com góp ý tổ chức kỳ thi quốc gia như sau:

Vềmôn thi: thi tổng số 4 môn. Trong đó, 3 môn bắt buộc theo các môn như các khối thi vào đại học, cao đẳng... Chấm bài theo thang điểm 15. Một môn tự chọn không có trong 03 môn bắt buộc (chọn trong các môn còn lại của 11 môn học chính trong THPT: toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa, tin, công nghệ, công dân). Chấm bài theo thang điểm 5.

Về tổ chức thi, như thi đại học, cao đẳng…Kết quả, tổng 4 môn thi đạt 20 điểm trở lên: tốt nghiệp THPT. Điểm đạt tốt nghiệp THPT và là căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng… ( tuyển sinh như cũ).

Theo độc giả Long, phương án này đặt trọng tâm vào tuyển chọn trên phổ thông và kết quả sẽ rất tốt nếu phân ban tốt ở THPT. Phân ban là bắt buộc ở THPT trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
 
Nhiều thí sinh lo lắng, căng thẳng bước vào môn thi Toán. (Ảnh: Nguyễn Duy)
Thí sinh tại cụm thi Vinh trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. (Ảnh: Doãn Hòa)

Phương án 3 là bình bẳng nhất

Ngược lại với ý kiến độc giả trên, độc giả tuanvu259@gmail.com cho rằng: Phương án 3 là toàn diện cho người học, bình đẳng tất cả các môn học và giảm tốn kém cho xã hội tối ưu nhất.

Độc giả vothituyetngat@yahoo.com cho hay, trong 3 phương án dự kiến tuyển sinh đại học năm 2014-2015, tôi nhận thấy ở phương án thứ 3 có thể áp dụng vì phương án này tránh cho HS cách học lệch tạo tâm lí phân biệt môn chính và phụ. Hơn nữa, việc học và thi tất cả các môn đã học giúp cho việc đánh giá một học sinh giỏi toàn diện một cách chính xác hơn.

Đồng tình với ý kiến của GS Ngô Bảo Châu, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông giữ lại kỳ thi tuyển sinh vào đại học, độc giả csdiep@gmail.com cho rằng: "Sẽ không thực tế chút nào khi muốn bỏ một kỳ thi đang được làm tốt để chỉ thực hiện một kỳ thi vốn dĩ được làm không tốt”.

Đồng quan điểm, độc giả domanhha.77@gmail.com kiến nghị nên bỏ thi tốt nghiệp, căn cứ vào kết quả điểm tổng kết năm cuối, hạnh kiểm để xét tốt nghiệp như đang áp dụng với khối THCS. Duy trì kỳ thi đại học như hiện nay là phù hợp, tiết kiệm, tránh áp lực, hạn chế được nhiều tiêu cực.

Cả 3 phương án đều không khả thi!

Với quan điểm cả 3 phương án Bộ GD-ĐT đưa ra đều không ổn, một giáo viên ở

địa chỉ toantin.thptbh@gmail.com phân tích:

Phương án 1: tạm thời được coi là phương án khả thi nhất bây giờ nhưng có mấy nhược điểm sau:

Thứ nhất: Học sinh phải thi một lúc rất nhiều môn trong một thời gian ngắn. Ví dụ như một học sinh theo khối A ( là phổ biến ) thì phải thi ít nhất 5 môn là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lí, Hóa sẽ gây căng thẳng mệt mỏi khi mà cái đích của các em là điểm 3 môn Toán lí, hóa phải cao để đỗ đại học.

Thứ hai: Tiêu cực là điều không thể tránh khỏi khi mà tam lí địa phương ai chả muốn con em mình đỗ đạt đấy là chưa kể lại có con ông này bà kia. Bộ có đi kiểm tra hết được không?!

Thứ ba: Không đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh của các trường ĐH khi mà đề ra phải đảm bảo đỗ tôt nghiệp với tỷ lệ “ chấp nhận được”.

Còn phương án 2 và 3: Khó thực hiện trong thời điểm này và theo tôi nghĩ học sinh sẽ rất căng thẳng và mệt mỏi khi mà lúc nào cũng lo sợ đi học hết 11 môn để có thể vào ĐH, thử hỏi có ai giỏi được toàn diện?!. Hơn nữa yêu cầu học ĐH không cần phải học hết tất cả. Nhà nước lại phải tốn rất nhiêu kinh phí để thay sách, tập huấn,…. Sau đó lại thấy bất cập rồi bỏ.

Vị độc giả này đưa ra phương án 4 cho kỳ thi quốc gia như sau: Bỏ kì thi tốt nghiệp thay vào đó có quy chế xét tốt nghiệp rõ ràng làm sao sàng lọc và phân luồng được việc thi ĐH, CĐ hay là đi học nghề…Giữ nguyên kì thi ĐH vì nó là cách tốt nhất để các trường ĐH tuyển được những con người mà học cần cho các ngành học, giảm được rất nhiều tốn kém cho xã hội mà không gây căng thẳng mệt mỏi cho HS.

Cũng cho rằng cả 3 phương án thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra không khả thi, độc giả ở địa chỉ ntpbk@yahoo.com cho biết, phương án tốt nhất là vẫn duy trì thi đại học 3 chung như nhiều năm qua, có tổ chức như vậy mới đảm bảo công bằng cho các thí sinh khi vào đại học. Kỳ thi TNPT trung học nên bỏ, chỉ cần xét tốt nghiệp trên cơ sở kết quả học tập của 3 năm THPT.

Một học sinh sẽ thi đại học vào năm 2015, ở địa chỉ nguyenhuuhanh97@gmail.com cho rằng, việc gộp thi đại học và thi tốt nghiệp là không nên vì từ trước tới nay thi đại học vốn là kì thi được xã hội công nhận là kì thi nghiêm túc và công bằng nhất với mọi học sinh. Ai giỏi thì vào trường chất lượng cao ai dốt thì vào trường thấp hơn.Nhưng nếu gộp thi đại học và thi tốt nghiệp THPT thì chắc chắn gây ra nhiều vấn đề tiêu cực như đút lót, chạy tiền cho con cho cháu. Như thế thì thật không phải. Cháu chỉ mong nếu có gộp như thế thì Bộ phải có những biện pháp thật nghiêm ngặt đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Nói về 3 phương án của Bộ GD-ĐT, học sinh này cho rằng: “Cháu không đồng tình với bất cứ phương án nào cả. Phương án 2 và 3 là thi tích hợp thì không phù hợp với cách dạy và học của học sinh và giáo viên như hiện nay. Nếu muốn thi tích hợp thì các bác hãy chờ 5 năm nữa thay đổi cách dạy của giáo viên, viết lại sách giáo khoa theo hướng tích hợp của các bác. Như vậy mới có hiệu quả được. Còn như bây giờ khóa 97, 98 chúng cháu đang học theo kiểu môn nào ra mốn nấy không liên quan gì đến nhau cả. Hóa là hóa, sinh là sinh, văn là văn mà anh là anh,... Thế nên cháu nghĩ ngay năm 2015 này sẽ không thể nào thực hiện ngay được cái phương án thứ 2 và 3 của Bộ được.

Còn về phương án thứ nhất là thi theo môn. Cháu lại thấy nó bất công đùng đùng đó là bắt buộc thi Ngoại ngữ mà đa số là chọn tiếng Anh. Lúc đọc được 4 môn bắt buộc là có ngoại ngữ, rất nhiều người cả phụ huynh, học sinh đều lo lắng. Cháu không lo mà cháu tức. Tức vì sự vô lý của Bộ. Nếu như từ lúc vào cấp 3, chúng cháu (khóa 97, 98) được nhà trường phân theo từng ban A (Toán Lý Hóa), B (toán hóa sinh), D (toán văn anh),... để phù hợp cho nhu cầu thi đại học của từng người. Do sự khốc liệt của kì thi đại học (tỉ lệ chọi lên đến 1/7 1/6 1/30,...) nên ngay từ đầu, chúng cháu đã được gia đình đầu tư cho học các môn mình sẽ thi đại học.

Ban đầu thì bắt học theo khối thi theo khối bây giờ gần hết thời gian rồi bộ lại chơi bài bắt thi Anh. Như vậy thì chỉ có lợi cho học sinh ôn thi khối D còn khối A, B, C coi như hết đường.

Học sinh này cho rằng, nếu bộ quyết định áp dụng ngay vào năm 2015, cháu chỉ xin bộ hãy giảm số môn thi bắt buộc xuống còn 2 môn là Văn và Toán còn hai môn kia học sinh có thể tự chọn.

Như vậy thì học sinh khối nào cũng chỉ phải thi 4 môn thôi (khối A thì thi Toán Lý Hóa Văn, khối B thì Toán Lý Hóa Sinh, Khối C thì Toán, Văn, Sử, Địa; khối D thì Toán, Văn, Anh Lý chẳng hạn...) vừa nhẹ nhàng mà vừa công bằng, đỡ mất công học ôn hai năm.

Còn nếu không thì cháu xin Bộ hãy dời thời gian thi vào năm 2017 (tức là năm khóa 99 sẽ thi). Như vậy thì các em mới vào lớp 10 sẽ có những sự lựa chọn, sự thay đổi cách học nó hợp lý rất nhiều mà không biết chừng sẽ còn giúp kết quả thi tốt hơn nữa.

Hồng Hạnh (tổng hợp)