Vì sao hiệu trưởng “né” mô hình trường chất lượng cao?
Một nghịch lý với mô hình trường phổ thông chất lượng cao của Hà Nội hiện nay là nhu cầu người học có, cơ chế chính sách có nhưng số lượng trường được công nhận lại ì ạch so với mục tiêu đề ra.
Phụ huynh mong có nhiều trường tốt
Thế nào là trường tốt, trường chất lượng cao trong số vô vàn cơ sở giáo dục công lập, tư thục, quốc tế là câu hỏi luôn khiến các bậc phụ huynh đau đầu và thường phải lựa chọn dựa trên những thông tin khá chủ quan, hoặc tham khảo các phụ huynh có con học lớp lớn hơn. Đến nay, với việc công nhận và giao thí điểm mô hình chất lượng cao cho một số trường ở Hà Nội, các bậc phụ huynh đã xác định rõ hơn mục tiêu phấn đấu cho con em mình.Bằng chứng là từ bậc tiểu học đến THCS, dù không phải thi tuyển nhưng mỗi mùa tuyển sinh, Hà Nội lại căng thẳng với những kỳ sát hạch đầu vào lớp 1, lớp 6 của những trường được đánh giá cao như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Hà Nội -Amsterdam, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh…
“Giá như có nhiều trường như vậy thì con em mình đỡ khổ biết bao. Nhìn các bạn trúng tuyển vào trường “xịn” mà con mình không thi đỗ, bố mẹ còn buồn nữa là các con. Nhưng mà hàng nghìn học sinh thi mới lấy có200-300 suất. Thế thử hỏi sao không hết học thêm, luyện thi, hỏi sao không quá tải? Bởi vì kiếm trường tốt khó quá, ít quá” – chị Nguyễn Thanh Nhiên, phụ huynh học sinh trường tiểu học Nam Thành Công chia sẻ.
Có cơ chế, vẫn ít trường hưởng ứng
Tháng 6-2013, Hà Nội đã chính thức ban hành quy định về tiêu chí đối với mô hình trường chất lượng cao. Trước đó, từ năm 2006, Hà Nội đã bắt đầu phát triển chương trình dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Đến nay toàn thành phố có 4 trường được công nhận đạt tiêu chí chất lượng cao là trường mầm non đô thị Sài Đồng, mầm non 20-10, trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và THPT Nguyễn Siêu. UBND TP cũng đã ra quyết định công nhận 10 trường thí điểm.
Ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT Hà Nội), người tham gia chương trình này từ đầu chia sẻ, theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, chương trình phát triển trường chất lượng cao còn chậm, chất lượng chưa đạt được như kỳ vọng là đến năm 2015, Hà Nội có 35 trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học. Chính các nhà quản lý giáo dục cũng phải đặt ra câu hỏi tại sao một chủ trương có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như vậy lại chưa được hiện thực hóa như mong muốn?
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa, một trong những trường nhiều năm thí điểm mô hình này cho biết, không ít hiệu trưởng trường bạn đã đến tìm hiểu, học tập mô hình tự chủ chất lượng cao. Tuy nhiên, sau khi thấy rõ được những khó khăn và yêu cầu cao khi triển khai mô hình này thì đến nay không thấy trường nào quay lại hỏi kinh nghiệm. “Lý do mô hình này phát triển chậm là có một số mâu thuẫn từ thực tế triển khai, trong đó, hệ thống văn bản, cơ chế chính sách còn có những vấn đề, đặc biệt là cơ sở lý luận, nhận thức còn chưa thống nhất đối với mô hình này” – ông Hoàng Hữu Niềm nhận định.
Vướng mắc ở đâu?
Sau gần 7 năm thực hiện dịch vụ giáo dục chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, khó khăn rõ nhất với các trường tự chủ chất lượng cao là ngân sách không có, mọi hoạt động của nhà trường trong 12 tháng bao gồm cả lương, bảo hiểm xã hội, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất…đều lấy từ nguồn quỹ học phí của học sinh trong 9 tháng.
Khó khăn nữa, theo bà Nguyễn Thị Nhiếp là trường được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính toàn phần nhưng lại chưa được tự chủ hoàn toàn về đội ngũ giáo viên, dẫn tới tình trạng có những giáo viên trong biên chế không đáp ứng được yêu cầu giáo dục chất lượng cao nhưng không thể thuyên chuyển, sắp xếp công việc phù hợp hơn.
Vấn đề này các trường ngoài công lập không gặp phải nhưng lại vấp phải khó khăn khác. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu cho biết, đối với nhiều trường ngoài công lập, quy định về tỷ lệ giáo viên giỏi thành phố đặt ra quá cao so với thực tế. “Muốn đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp thành phố rất khó. Chỉ tiêu này các trường khó đạt được” – bà Thúy cho biết.
Khó khăn tương tự, bà Lê Tuệ Minh, Giám đốc đào tạo trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring cho biết, tiêu chí đặt ra quá cao, không phù hợp với điều kiện trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, việc Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đề ra quy định, vừa công nhận trường đạt chất lượng cao sẽ không khách quan.
“Các nước đa phần là trường tư nhưng có hệ thống thông tin rất minh bạch về bằng cấp, chứng chỉ làm căn cứ đánh giá chất lượng. Tôi nghĩ chúng ta cần có nhiều nhóm kiểm định chất lượng giáo dục khi mà các trường chưa thể đạt các tiêu chí có phần mơ hồ như hiện nay. Thực tế, hiện nay đã có một loạt bài thi theo chuẩn quốc tế, thì đây cũng là một tiêu chí đánh giá. Liệu có phải chỉ các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi mới được coi là tiêu chí đánh giá hay không?” – bà Lê Tuệ Minh đặt vấn đề.
Thừa nhận đánh giá từ xã hội cho rằng sản phẩm giáo dục của chúng ta chưa tương thích với tốc độ phát triển của xã hội, theo ông Hoàng Hữu Niềm, nhiệm vụ của các nhà quản lý giáo dục hiện nay là tìm ra khó khăn, bài học trong quá trình triển khai, từ đó tham mưu cho Thành phố ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hoàn thiện mô hình này hơn nữa đáp ứng nhu cầu của xã hội giai đoạn mới.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn thị Hiền -Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm:Chưa vượt qua tư duy bao cấp |
Theo Báo An ninh Thủ đô