Vì sao hệ thống giáo dục Mỹ kém hiệu quả?

Mỹ đang tụt sâu trong bảng xếp hạng giáo dục quốc tế, những cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy các quốc gia khác ở các nước phát triển có các hệ thống giáo dục hiệu quả hơn. Các nhà giáo dục Mỹ đã đi tìm lí giải cho kết quả đáng thất vọng này...

Trong một cuộc nghiên cứu năm 2003 được thực hiện bởi UNICEF lấy hệ số trung bình từ 5 cuộc nghiên cứu giáo dục quốc tế khác nhau, giáo dục Mỹ được xếp vào thứ 18 trong 24 quốc gia xét về mặt hiệu quả của hệ thống giáo dục.

 

Trong một nghiên cứu có uy tín khác năm 2003, Nghiên cứu khuynh hướng toán học và khoa học quốc tế (TIMSS) cho thấy sự giảm xuống đều thành tích của học sinh Mỹ từ lớp 4 tới 12 so với các bạn đồng lứa ở các nước khác.

 

Trong cả 2 cuộc nghiên cứu trên, Phần Lan, Australia, Bỉ, Australia, Hungary, Hà Lan và UK đều vượt lên trên Mỹ; trong khi các nước châu Á gồm Hàn Quốc, Nhật và Singapore chiếm lần lượt 3 vị trí đầu tiên.

 

Các kết quả của TIMSS cho thấy nhiều điểm yếu trong hệ thống giáo dục Mỹ, theo David Marsh, giáo sư khoá trường học trường ĐH Nam California nhận xét. “Ở lớp 4, học sinh Mỹ có mức trên trung bình quốc tế. Đến lớp 8, trượt xuống một chút và tới lớp 12 thì thua kém nhiều", Marsh nói. "Chúng ta là nước duy nhất trượt nhiều tới mức như vậy từ lớp 4 tới lớp 12”.

 

Mặc dù các nghiên cứu đã cố giải thích lí do sự trượt xuống này nhưng không có giải thích cuối cùng nào được đưa ra.

 

Báo cáo của UNICEF tổng kết rằng thành công hay thất bại của giáo dục không liên quan trực tiếp tới ngân sách và rằng không có mối liên quan rõ ràng giữa tỉ lệ giáo viên/ học sinh và kết quả thi.

 

"Theo các tiêu chuẩn quốc tế thì Mỹ đã chi nhiều tiền cho giáo dục và về tiêu chí kích cỡ lớp học, nhiều nước có kết quả tốt hơn có các lớp học lớn hơn Mỹ" – Marsh nói.

 

Theo Marsh thì vị trí thấp của giáo dục Mỹ bởi nguyên do là cách truyền thụ kiến thức trong các lớp học: “Mỹ chú trọng nhiều hơn đến khối lượng kiến thức bề rộng, chúng ta cố dạy lướt qua nhiều đề tài. Các nước khác có khuynh hướng xẻ nhỏ các chủ đề và đi sâu hơn vào các chủ đề đó. Họ nhấn mạnh vào khái niệm chứ không chỉ kiến thức giáo điều. Các nước có xếp hạng cao tập trung vào dạy ý tưởng và dạy rất ít chủ đề một năm. Những đứa trẻ sẽ học một phân số thực sự là gì thay vì cộng hoặc trừ như thế nào”.

 

"Cho ví dụ, những giáo viên ở Mỹ có khuynh hướng dạy những số nguyên trong khi các nước khác sử dụng thước kẻ vì vậy trẻ có thể nhận thấy có những số giữa các số nguyên đó" – Marsh nói.

 

Peter Luevano, trợ lí hiệu trưởng trường trung học Jefferson, đưa ra một số lí do khác dẫn đến sự suy giảm của hệ thống giáo dục Mỹ. “Có những nhân tố thuộc về môi trường. Trường học hiện nay khác so với 15 hay 20 năm trước. Chúng ta mở rộng văn hoá hơn những cũng gây chia rẽ hơn sự hợp nhất ở nước này. Sự quan tâm của cha mẹ tới con cái đã giảm xuống. Có những nhân tố liên quan tới kỉ luật trường học”.

 

Tuy nhiên Mỹ cũng đang hướng tới cải thiện những tiêu chuẩn giáo dục. Năm 2002, chính quyền Bush kí “Luật không bỏ sót trẻ em”, theo đó đặt ra các tiêu chí cụ thể về sự tiến bộ mà các trường phải đạt được năm này qua năm khác; các kì kiểm tra được tiêu chuẩn hoá quốc gia cũng được tiến hành thường xuyên. Đạo luật này nhằm đưa kết quả học tập của học sinh lên cao hơn, đặc biệt là trẻ thuộc tầng lớp nghèo.

 

Trong khi đó một số chuyên gia giáo dục nhận định rằng đạo luật này không giúp gì nhiều cho việc xem xét hiệu quả giáo dục mà thậm chí có thể gây hậu quả ngược. Để lấy thành tích, giáo viên sẽ dạy theo kiểu luyện thi và mặc dầu học sinh làm tốt bài thi nhưng có thể chúng chẳng hiểu gì”. Một giảng viên Mỹ đã học phổ thông tại Argentina cho rằng: “học sinh Mỹ đang học để thi đạt, nhưng không học các khái niệm. Tại Argentina, chỉ có 2 dạng học sinh là biết hoặc không biết”.

 

Emily Gamelson, một giảng viên lịch sử của ĐH Nam California nghĩ rằng các trường học Mỹ thiếu tính cạnh tranh: “Không có động cơ và tham vọng trong hệ thống giáo dục của chúng ta, giáo dục vốn được coi là bữa ăn sẵn dọn lên bàn và trẻ tự thấy chẳng phải cạnh tranh gì. Tại Đan Mạch và Phần Lan, học sinh lớp 9 và 10 bắt đầu được khuyến khích cạnh tranh.

 

Một số lí giải khác về thứ hạng của giáo dục Mỹ là do sự phức tạp xã hội, Mỹ có cộng đồng dân cư đa dạng hơn, đa văn hoá hơn và có nguồn gốc xã hội rất khác biệt.

 

Theo Thanh Tùng

Giáo Dục Thời Đại