Vì sao chưa thể tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT?

(Dân trí) - Sau khi Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kì thi THPT quốc gia ngay từ năm 2015, có nhiều ý kiến đề xuất bỏ kì thi tốt nghiệp THPT hiện tại và giữ nguyên kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ như các năm qua. Bộ GD-Đ lý giải việc vì sao chưa thể tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT như sau.

Bộ GD-ĐT phân tích: Thi, kiểm tra, đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình dạy học trong nhà trường phổ thông, có tác động lớn đến chất lượng, hiệu quả dạy học và luôn được toàn xã hội quan tâm.

Thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi cuối cùng của quá trình giáo dục phổ thông nên càng quan trọng và cần thiết, cho dù ở các kỳ thi hằng năm số thí sinh trượt tốt nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Kỳ thi này không chỉ nhằm mục đích để xét công nhận học sinh tốt nghiệp mà quan trọng hơn là nhằm mục đích khuyến khích, tạo động lực tích cực học tập cho người học.

Thực tế đã chứng tỏ là nếu không thi thì người học rất ít cố gắng. Mặt khác, kỳ thi còn nhằm cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích, giúp điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để cùng đạt mục tiêu chất lượng dạy học ngày càng cao. Hơn nữa, bằng tốt nghiệp THPT hiện nay vẫn là văn bằng cần thiết để phân luồng học sinh, làm căn cứ tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo, nhà tuyển dụng và được sử dụng để học sinh chuẩn bị hồ sơ đi du học ở nước ngoài;

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được quy định trong Luật Giáo dục. Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 37/2004/QH11 ngày 03/12/2004 của Quốc hội về giáo dục: “Tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực…”; nghiêm túc triển khai Chỉ thị 33/2006/CT-TTg ngày 1/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, Bộ GD-ĐT đã tập trung nghiên cứu, cải tiến từng bước ở tất cả các khâu tổ chức thi tốt nghiệp THPT;

Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã phân cấp mạnh cho các địa phương và cơ sở giáo dục hầu hết các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT; Bộ chỉ còn chủ trì việc xây dựng đề thi chung nhằm bảo đảm mặt bằng chung trong cả nước và giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra;

Năm 2014, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ GD-ĐT đã áp dụng một số điều chỉnh công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng kết hợp kết quả thi tốt nghiệp với kết quả đánh giá cả năm lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp, nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các học sinh, phụ huynh và toàn xã hội;

Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và cả những ưu điểm của thi tuyển sinh đại học theo hình thức ”3 chung” những năm qua. Việc tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm thi do các trường ĐH chủ trì, tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi cùng với cán bộ, giáo viên của sở GDĐT sẽ đảm bảo Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả để có kết quả đủ độ tin cậy cho xét tốt công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời tạo sự yên tâm cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh;

Như vậy, Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia là cách tiếp cận mới trên cơ sở những đổi mới của kỳ thi TN THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, nhất là năm 2014. Đây là phương án không dựa trên việc bỏ một trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ mà là tổ chức một kỳ thi chung nhằm làm cho thi cử gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm mà vẫn cho kết quả đáng tin cậy và thực sự là động lực của quá trình nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường phổ thông.

Xu hướng chung của các nước trên thế giới là ngày càng coi trọng kỳ thi phổ thông trong việc đánh giá, xét tốt nghiệp và chuẩn bị cung cấp cơ sở cho tuyển sinh đại học.

Vì sao không xét đỗ tốt nghiệp mà phải thi?

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Theo Luật Giáo dục, học sinh khi hoàn thành chương trình THPT phải tham dự kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế (nhất là ở các nước có nền giáo dục phát triển) là chú trọng đánh giá chất lượng đầu ra (đối với giáo dục phổ thông qua kỳ thi tốt nghiệp THPT), chứ không chỉ đánh giá chất lượng đầu vào (thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Thi, kiểm tra, đánh giá là một khâu của quá trình dạy học, có liên hệ chặt chẽ, biện chứng với các hoạt động khác của quá trình dạy học và giáo dục. Việc thi sẽ có tác dụng định hướng, điều chỉnh hoạt động học của trò và hoạt động dạy của thầy. Đồng thời, việc thi phải phù hợp với nội dung và phương pháp học tập theo phương châm “học gì đánh giá nấy”.

Mục đích Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ xác nhận trình độ học vấn phổ thông mà quan trọng hơn là thông qua kỳ thi tác động tích cực trở lại quá trình dạy học trong các nhà trường phổ thông, tạo động lực để duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường;

Hiện nay, hệ thống giáo dục ĐH, CĐ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của tất cả các thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT; hơn nữa việc phân luồng thí sinh sau THPT là một trong những yêu cầu đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Do đó, hàng năm vẫn phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ để tuyển chọn được những học sinh phù hợp nhất cho các nhà trường. Từ đó thấy rằng, với thực tiễn của hoạt động dạy học trong các nhà trường Việt Nam hiện nay thì cần thiết phải có kỳ thi cuối cùng để đánh giá đầu ra của giáo dục phổ thông, tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, đồng thời việc tuyển sinh đại học phải trú trọng tính thiết thực, phục vụ tốt cho quá trình đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của các trường đại học.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã cùng với các địa phương chỉ đạo các trường tích cực đổi mới PPDH, thi, kiểm tra đánh giá. Hoạt động này đã thu được những kết quả bước đầu; đặc biệt, những đổi mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã được học sinh, phụ huynh, giáo viên và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để đảm bảo cho việc tổ chức thành công một Kỳ thi quốc gia với 2 mục đích.
 
Nguyễn Hùng