Vì sao bằng cấp cao khó tìm được việc?
Thực tế, số người học chuyên nghiệp (từ trung cấp trở lên) thất nghiệp cao gấp gần 7 lần người học nghề. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp về thực trạng này, và những bất cập trong thị trường lao động nước ta hiện nay.
Hậu quả của “sính” bằng cấp
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, qua số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015, xét theo chiều người học hàn lâm (học chuyên nghiệp), học càng lên cao thất nghiệp càng nhiều. Trong khi đó, xét theo chiều người học nghề, học càng cao thất nghiệp càng ít, do người học nghề lên cao được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nên tìm việc dễ hơn.
“Đây là những cảnh báo để xã hội chuyển đổi nhận thức, định hướng lại con đường học tập giữa học đại học và học nghề. Nếu cứ theo đuổi học hàn lâm thì càng học cao càng khó tìm việc. Hiện cũng có nhiều em dù đỗ đại học vẫn từ chối cơ hội đó để học nghề, đây là bước chuyển đổi ban đầu về nhận thức của xã hội”, ông Diệp nói.
Một số ý kiến cho rằng, hậu quả trên một phần do tâm lý “sính” bằng cấp của xã hội, ông có nghĩ vậy?
Không phải một số, mà rất nhiều người nói về điều này, vì xã hội chúng ta là xã hội coi trọng bằng cấp. Những báo cáo, số liệu đã công bố phần nào đó giúp chuyển đổi nhận thức xã hội, xóa dần tâm lý sính bằng cấp. Giá trị mỗi người nằm ở đóng góp của anh cho xã hội, không phải ở bằng cấp anh cao hay thấp. Việc định hướng con đường học đúng trước hết có ích cho mỗi người, vì anh có việc làm, có thu nhập, sau đó có ích cho gia đình và cả cộng đồng.
Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng học càng cao thất nghiệp càng nhiều?
Nguyên nhân có nhiều, các chuyên gia thế giới và trong nước cũng đã cảnh báo không ít lần. Chúng ta đang có khoảng cách giữa kiến thức, kỹ năng các trường dạy với đòi hỏi của thị trường lao động. Nhiều người nói hệ thống giáo dục của chúng ta đang tạo ra sản phẩm dở dang, không hoàn chỉnh, nên thị trường khó chấp nhận. Đồng thời, con đường vào đại học dễ quá nên ít người chọn học nghề.
Ngoài ra, giáo dục của ta đào tạo cả ngành không có nhu cầu, không tương lai, như 10 sinh viên vào đại học có 3 em học kế toán - tài chính, thử hỏi được mấy doanh nghiệp tuyển tới 3-4 nhân viên kế toán tài chính. Chúng ta đang vấp 2 nghịch lý: Sản xuất ra sản phẩm dở dang và dư thừa, thị trường không chấp nhận. Vì vậy, không khó giải thích việc học cao càng dễ thất nghiệp. Chúng ta kỳ vọng tương lai sẽ thành trung tâm sản xuất và chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, có được như vậy không khi nguồn nhân lực như hiện nay? Nếu lao động kỹ thuật không có, chắc chắn điều đó chỉ là ước mơ.
Cũng có ý kiến rằng, việc lấy điểm vào đại học quá thấp đã “vợt” hết thí sinh của trường nghề, ông nghĩ sao?
Điều này trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đề cập tới. WB nhận xét, ở Việt Nam vào đại học dễ quá, nên số lượng học nghề rất ít. Học nghề ít sẽ khó chuẩn bị đủ nguồn nhân lực cho đà phát triển của Việt Nam những năm tới.
Bớt đi tham quan nước ngoài, dành tiền cho dự báo
Là Bộ quản lý chuyên ngành về lao động, theo ông biện pháp cần làm hiện nay là gì để thay đổi thực tế buồn đó?
Biểu đồ số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo trình độ chuyên môn kỹ thuật quý 2 và quý 3/2015. Nguồn: Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
Chúng ta nói phải đào tạo theo tín hiệu và nhu cầu thị trường, vậy việc tổ chức thông tin thị trường hiện nay đã ổn chưa? Hàng quý chúng ta điều tra lao động việc làm, và chúng tôi xuất bản bản tin cập nhật thị trường lao động. Tuy nhiên, những kết quả điều tra chỉ chụp lại diễn biến thị trường trong quý đã qua, không nhìn được tương lai sẽ thế nào.
Dự báo thị trường lao động rất khó, vì luôn biến động cùng công nghệ sản xuất, có nghề hôm nay tồn tại nhưng ngày mai không còn nữa. Ví dụ điển hình là nghề đánh máy, trực điện thoại, trước đây có nhưng nay ai cũng có máy tính, điện thoại nên không cần tới những nghề đó nữa. Do đó, các kế hoạch dài hạn nếu quá cứng nhắc sẽ không bao giờ hiệu quả. Thông thường, các nước cũng chỉ dự báo thị trường lao động trong khoảng 3-5 năm, tương ứng với số năm học cao đẳng, đại học của mỗi người.
Chúng ta có thể chi hàng nghìn tỷ đồng cho giáo dục đào tạo, nhưng chúng ta chi rất ít tiền, thậm chí không bố trí vốn cho hệ thống nắm bắt thông tin thị trường lao động. Vì vậy, nếu chưa biết tín hiệu thị trường lao động ra sao vẫn đào tạo, câu chuyện hiệu quả đào tạo thấp là đương nhiên.
Chúng ta cũng có những đề án đồ sộ để đào tạo cho hội nhập. Có lẽ, thay vì việc đưa các đoàn tham quan, học hỏi rộng rãi ở nước ngoài, chúng ta hãy lựa chọn các chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực để làm tốt việc dự báo thị trường nhân lực. Tôi không phủ nhận việc tổ chức các đoàn học kinh nghiệm nước ngoài giúp có những chuyên gia thật sự. Tuy nhiên, việc đi nước ngoài học hỏi trong thời gian ngắn (chỉ vài ngày - PV) như vậy kết quả thu được cũng không nhiều. Đã tới lúc cần dành nguồn ngân sách thỏa đáng cho công tác dự báo thị trường lao động.
Vậy, theo ông trách nhiệm dự báo thuộc đơn vị nào?
Nhu cầu lao động xuất hiện từ các doanh nghiệp, vì vậy các doanh nghiệp, hiệp hội cũng cần thấy trách nhiệm trong cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng trong tương lai. Từ thông tin doanh nghiệp, các cơ quan quản lý biết nhu cầu thị trường để phân bổ nguồn lực cho đào tạo, định hướng nghề nghiệp, qua đó đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và giảm thất nghiệp.
Công việc dự báo, định hướng nghề nghiệp không thể tách rời các bộ quản lý chuyên ngành, như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan thống kê… và sự chia sẻ của doanh nghiệp. Một đất nước không ai muốn người dân không có việc làm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3/2015 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố, trong quý cả nước có hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp. Trong đó, có hơn 483 nghìn người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật (có bằng cấp).
Đặc biệt, cả nước có tới 403 nghìn người học chuyên nghiệp (từ trung cấp trở lên) thất nghiệp, cao gấp gần 7 lần người học nghề (với 57,6 nghìn người từ chứng chỉ nghề tới cao đẳng nghề) thất nghiệp. Trong đó, người có bằng đại học trở lên thất nghiệp chiếm số lượng lớn nhất, với 225,5 nghìn người (tăng 26,1 nghìn người so với quý 2/2015); xếp sau là người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, với 117,3 nghìn người thất nghiệp (tăng 24,1 nghìn người so với quý trước). Với người học nghề thất nghiệp, người có trình độ sơ cấp thất nghiệp khoảng 33,6 nghìn người; giảm còn 23 nghìn người khi có trình độ trung cấp; và còn 15,1 nghìn người khi có trình độ cao đẳng nghề.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)