Vị giáo sư Mỹ dùng "kết nối chân thật" thúc đẩy nữ du học sinh Việt bứt phá

Đinh Ngọc Thảo

(Dân trí) - Dù biết cuộc đời có nhiều điều ngạc nhiên, tôi không đoán trước được một giáo sư nhanh nhẹn, bùng nổ, và đam mê thể thao lại có thể dạy và truyền cảm hứng cho tôi quá nhiều khi ở Trinity như thế...

Trường Đại học Trinity có một kiến trúc đặc biệt và uyển chuyển, tạo cơ hội cho những cung đường vốn khác nhau có thể gặp gỡ.

Vị giáo sư Mỹ dùng kết nối chân thật thúc đẩy nữ du học sinh Việt bứt phá - 1

Giáo sư Jacob K. Tingle trên giảng đường.

 Và tôi cũng như thế. Dù biết cuộc đời có nhiều điều ngạc nhiên, tôi không đoán trước được một giáo sư nhanh nhẹn, bùng nổ, và đam mê thể thao lại có thể dạy và truyền cảm hứng cho tôi quá nhiều suốt thời gian theo học ở Đại học Trinity.

Một trong những đặc trưng của các giáo sư Mỹ là họ vô cùng cởi mở, thân thiện, và thẳng thắn. Họ biết cách thu nhỏ khoảng cách với sinh viên để dễ dàng truyền cảm hứng học tập cũng như tạo kết nối một cách tự nhiên. Với giáo sư Jacob K. Tingle, triết lý dạy học này được thầy áp dụng triệt để.

Giáo sư Tingle tin rằng cách dạy học hiệu quả nhất là tạo những kết nối chân thật với học sinh của mình và để học sinh trải nghiệm rồi rút ra bài học, hơn là chỉ nói lý thuyết khô khan. Trong tiết học đầu tiên với giáo sư Tingle, thầy phát cho mỗi sinh viên một tờ giấy điền thông tin cá nhân và sở thích.

Thầy đem chúng về đọc và để tâm đến từng chi tiết, tới mức ở buổi học sau thầy đã học thuộc vài cái tên kèm theo những lời hỏi thăm như "Môn Kinh tế của em thế nào rồi?" hay "Thầy có thể dự buổi bóng rổ giao hữu của em cuối tuần này không?"...

Những mẩu chuyện ngắn nhanh chóng trở thành những lời khuyên rất thực tế, những lời giới thiệu hữu ích, và những cú thúc khỏi vùng an toàn. Tôi biết ơn giáo sư Tingle rất nhiều vì chính những lần húych nhẹ ấy đã giúp tôi thách thức giới hạn của bản thân và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ.

Đinh Ngọc Thảo, nữ du học sinh Việt tại Trinity.

Như bao sinh viên năm nhất khác, chúng tôi cần qua môn một khóa học viết luận nặng ký trị giá 6 tín chỉ (các môn học trung bình là 3-4 tín). Đó là một bộ môn khó và tôi cũng không tự tin về khả năng viết lách của mình. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian được thầy dìu dắt, tôi dần hứng thú và luôn đặt mục tiêu cao nhất để khiến thầy tự hào.

Thầy không chỉ sửa những dấu chấm dấu phẩy, mà còn hiểu được dụng ý ẩn sau những câu từ của tôi và kiên nhẫn giúp tôi đào sâu hơn mà phát triển. Tôi cũng sắp xếp thời gian để tới gặp thầy vào giờ văn phòng của thầy mở cửa.

Nhiều khi vì thời gian quá ít ỏi với lịch trình năng động và dày đặc của thầy, chúng tôi vừa đi bộ nhanh vừa nói chuyện với nhau; tay cầm cốc cà phê, tay nâng laptop.

Bài tốt nghiệp cuối khóa là dự án tham vọng nhất của tôi. Tôi chọn ra thể loại viết mà tôi yêu thích nhất trong học kỳ đầu tiên ở Đại học - truyện ngắn sáng tạo. Tôi bắt đầu lên ý tưởng từ sớm và tranh thủ đưa thầy góp ý khi có thể. Lần nào gặp giáo sư cũng vội vã và nhanh chóng, nhưng thầy vẫn chú tâm vào điều tôi nói để đưa ra lời nhận xét giá trị nhất.

Tôi còn nhớ rõ trong truyện có vô vàn chi tiết tinh tế như tả nhân vật chính đang kéo một ngăn tủ nặng và đắt tiền, thầy hiểu ngay ý tưởng của tôi và còn tìm trên Google loại tủ nào làm bằng gỗ chất lượng để tôi thêm thắt vào. Chỉ những nhà giáo tận tụy với nghề mới kiên trì chỉ dẫn đến từng tiểu tiết như vậy.

Tổng kết kỳ học, tôi xuyên suốt là sinh viên lọt top và bài tốt nghiệp được thầy trao điểm A+ vinh dự. Thầy cổ vũ tôi hãy đem nộp bài tốt nghiệp tới Cuộc thi Viết ở trường, một việc mà tôi không đủ tin tưởng bản thân.

Thế là tôi chau chuốt lại bài, và nộp. Vào một buổi sáng của học kỳ tiếp đó, tôi bỗng nhận một loạt email chúc mừng từ thầy cô và bạn bè. Hội đồng chấm thi đã chọn bài viết của tôi ở vị trí chiến thắng, tôi như đóng băng khi thấy tên mình kèm tên bài thi ở ngay dòng đầu. Giáo sư Tingle đã nhìn thấy trong tôi những tiềm năng cần được kích hoạt và ủng hộ.

Vị giáo sư Mỹ dùng kết nối chân thật thúc đẩy nữ du học sinh Việt bứt phá - 3

Trước khi năm nhất kết thúc, tôi chủ động ngỏ lời xin làm trợ giảng cho thầy ở lớp Viết luận kỳ tiếp theo. Thầy vui vẻ đồng ý và nói rằng thầy biết tôi sẽ đảm nhiệm trọng trách này tốt.

Đó là lần đầu tôi được làm việc sánh vai cùng một giáo sư đã có hơn 20 năm tuổi nghề tại chính trường Đại học ông tốt nghiệp bằng Cử Nhân nên tôi tự trau dồi thêm kỹ năng viết và dạy để không để thầy thất vọng.

Làm việc với giáo sư cho tôi thêm một điểm nhìn khác về thầy so với hồi làm học sinh. Thầy coi tôi ngang bằng như một đồng nghiệp và lắng nghe những ý kiến của tôi một cách nghiêm túc.

Thậm chí, khi thấy tôi dành quá nhiều thời gian miệt mài với việc sửa luận cho học sinh, thầy khuyên tôi chỉ cần làm đủ trách nhiệm của mình nếu không sẽ bất công với tôi.

Lúc đó tôi khá ngạc nhiên, nhưng ngẫm lại, tôi cảm thấy những việc tôi làm đều được thầy tôn trọng và đánh giá cao, từ đó tôi lại càng kính trọng thầy.

Vị giáo sư Mỹ dùng kết nối chân thật thúc đẩy nữ du học sinh Việt bứt phá - 4

Giáo sư Jacob K. Tingle đã truyền cảm hứng cho Ngọc Thảo vượt qua vùng an toàn, những giới hạn của bản thân và bứt phá.

Một trong những đầu việc của trợ giảng là tạo cây cầu kết nối sinh viên với giáo sư, và tôi tích cực khuyến khích học sinh của tôi gặp gỡ và học hỏi từ thầy nhiều hơn.

Thầy nói thầy yêu công việc của thầy rất nhiều vì được giúp đỡ và hướng dẫn học sinh thành những người thành công và giàu lòng trắc ẩn. Nếu có thể giúp thầy phần nào tận hưởng hơn công việc, tôi sẽ làm.

Giống như hy vọng được hồi đáp, trong lớp có một học sinh cầu tiến mà tôi nghĩ sẽ thích hợp làm trợ giảng tiếp theo của thầy. Tôi đã gợi ý với thầy về học sinh ấy và thầy đồng tình.

Khóa ấy đã tốt nghiệp thành công rực rỡ, và khi tôi gặp thầy ở kỳ học sau, thầy nói đúng em học sinh kia đã xin làm trợ giảng và "tiếp tục nối dài di sản của em đó, Thảo à". Tôi vô cùng mừng.

Học sinh yêu thích của tôi cũng học được từ tôi nhiều điều và giờ đang đứng đúng vị trí tôi đã từng đảm nhiệm. Phải chăng đó là sự tự hào của một người thầy?

Tôi cứ nghĩ tôi sẽ không có cơ hội tiếp tục làm học sinh của thầy vì thầy rất nhiệt huyết với giảng dạy về thể thao còn tôi thì chật vật để vận động. Cho đến năm hai Đại học khi thầy mời tôi học lớp của thầy.

"Thầy mong rằng em đăng ký lớp Thể thao Thiện Nguyện của thầy kỳ tới nếu có thể. Nó chỉ có một tín chỉ nên sẽ dễ sắp xếp vào lịch, mà lại còn về các chương trình Thiện nguyện nữa. Thầy biết Thảo rất đam mê hoạt động cộng đồng và làm thiện nguyện. Có thể em sẽ thích". Và thế là một lần nữa tôi lại bị giáo sư kéo khỏi vùng an toàn.

Trước khi tới lớp tôi đã sợ rằng sẽ toàn dân thể thao chính hiệu học lớp này và mình thành lạc quẻ. Mỹ có văn hóa thể thao sôi nổi và năng động mà tôi chẳng thể bắt kịp.

Thế nhưng, rất nhiều học viên là bạn cùng lớp Viết luận năm đầu của tôi và cả em học sinh sau này "nối nghiệp" trợ giảng của tôi. Hóa ra thầy đích thân mời học sinh cũ tới học. Vì thế tôi cũng thoải mái hơn và nhanh chóng hình thành kết nối với lớp.

Đối lập với số tín chỉ, kiến thức và trải nghiệm tôi nhận được từ lớp Thể thao Thiện Nguyện của giáo sư Tingle là rất nhiều. Một trong những kỹ năng nổi bật đó là làm việc nhóm. Thầy khích lệ chúng tôi tìm hiểu thành viên nhóm mình sâu sắc hơn là chỉ "đồng nghiệp", ví dụ đi uống cà phê Starbucks với nhau.

Giữa kỳ học thì Covid-19 lan rộng ở Mỹ, khiến trường bắt buộc sơ tán học sinh và tạm đóng cửa chuyển sang chương trình dạy trực tuyến. Hoạt động nhóm trực tiếp ngoài đời đã khó, nói chi qua màn hình và email? Vậy nhưng đó là giai đoạn chúng tôi gắn bó nhất. Chúng tôi áp dụng sát sao những phương pháp làm việc nhóm có phần kỳ lạ của giáo sư Tingle và thấy hiệu quả rõ rệt.

Bài tốt nghiệp môn Thể thao Thiện Nguyện là một dự án cồng kềnh và khó khăn, nghe giống như dự án của người đi làm hơn là các sinh viên còn ngồi trên giảng đường. Đó là một thử thách lớn mà giáo sư tin chúng tôi sẽ vượt qua.

Và đúng là như vậy, dù có nhiều hoang mang và lo lắng suốt chặng đường. Từ người gần như không quá hứng thú hay có kiến thức về ngành thể thao ở Mỹ, tôi đã góp phần vào dự án cố vấn cho một công ty thể thao nổi tiếng, đề nghị xây dựng những công viên phù hợp cho tất cả trẻ em, bao gồm những em khuyết tật hay có hội chứng tâm lý như tự kỷ.

Đại diện của công ty đánh giá cao ý tưởng và ngân sách thô của chúng tôi, và cũng ngạc nhiên khi biết tất cả chúng tôi chưa tốt nghiệp Đại học. Những lời phản hồi ấy khiến giáo sư Tingle vô cùng tự hào. Thầy cùng đồng giảng viên môn học đã tổ chức một buổi chúc mừng trực tuyến nhỏ để ăn mừng thành công của cả lớp.

Trong bối cảnh đại dịch Covid diễn biến phức tạp, tôi vẫn chưa thể quay lại trường Đại học Trinity để học trực tiếp. Thay vì những cái đập tay hào hứng và những lời chào bằng nụ cười, tôi giữ liên lạc với giáo sư Tingle qua những dòng chữ cập nhật và những tấm ảnh tôi chụp hay tấm thiệp tôi thiết kế gửi email.

Vị giáo sư Mỹ dùng kết nối chân thật thúc đẩy nữ du học sinh Việt bứt phá - 5

Thầy luôn trả lời lại sớm nhất có thể và chốc chốc lại nhắc nhở tôi hãy tiếp tục tỏa nắng và truyền năng lượng tích cực mọi nơi tôi đi. Có lẽ thầy không nhận ra, chính thầy cũng là một quả cầu năng lượng tích cực khổng lồ.

"Mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thầy". Dù du học ở xứ người, tôi luôn tự hào và cố gắng truyền bá văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam cho những người bạn nước ngoài. Cũng như đến ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, mùng ba Tết Nguyên Đán này tôi muốn gửi lời tri ân sâu sắc tới nhà giáo sư đa tài và nhiệt huyết Jacob K. Tingle.

Nếu như không được định hướng và động viên bởi giáo sư Tingle trong thời gian qua, tôi có lẽ sẽ không nhận ra mình có thể làm gì.

Tôi xin kính chúc thầy năm mới 2021 có thật nhiều sức khỏe để đảm nhiệm công việc đa dạng của mình, chúc thầy luôn hạnh phúc với gia đình, và có được nguồn cảm hứng tràn trề để giúp ngành giáo dục phát triển hơn nữa!

* Giáo sư, Tiến sĩ Jacob K. Tingle là một người vô cùng bận rộn ở trường Đại học Trinity, Texas, Mỹ. Giáo sư đảm nhiệm vai trò Giám đốc Văn phòng Học tập qua Trải Nghiệm, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quản lý Thể thao, Trợ lý Giáo sư Thực hành Quản trị Kinh doanh, và là Đại diện Khoa Điền kinh NCAA. Giáo sư là cựu sinh viên khóa 95 tại chính ngôi trường mình đang giảng dạy và làm việc trên 20 năm qua - Đại học Trinity.

 ** Sinh viên Đinh Ngọc Thảo (sinh năm 2000) đến từ TP Hà Nội, hiện đang là du học sinh năm 3 chuyên ngành Phát triển Quốc tế tại trường Đại học Trinity.

Mùa tuyển sinh năm 2018, nữ sinh chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật, trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ - ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG này đã giành về mình bốn suất học bổng giá trị từ cả bốn trường nộp hồ sơ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm