Vì con, cha mẹ mở trường
Ở TPHCM, có những phụ huynh dốc sức mở trường để đứa con khuyết tật của họ và nhiều trẻ cùng cảnh ngộ được học hành. Ở đó, họ vừa là cha, là mẹ và cũng là giáo viên.
Trăn trở những mảnh đời
Sáng sớm, ông Mẫm đưa bé Tấn Minh, đứa con trai mắc chứng tự kỷ, đến trường. Tại đây, ông vừa làm bổn phận của một người cha luôn theo sát diễn biến học hành của bé Tấn Minh vừa bận rộn với công việc của một chủ nhân, một người thầy.
Tiếng là một ông chủ nhưng theo các giáo viên và nhân viên ở trường thì chẳng mấy khi ông Mẫm ngồi trong phòng làm việc.
“Ông đi đến từng phòng học, hỏi han từng giáo viên để theo dõi tình hình, sự tiến bộ của từng học sinh. Ông ghi chép, nhận xét, so sánh rồi phổ biến những kiến thức mới, những kinh nghiệm mới để các cô giáo dạy tốt hơn. Gặp học sinh nào ông cũng xưng ba, gọi con rồi nựng nịu, dỗ dành những bé hiếu động”- cô Thắm, giáo viên trong trường, cho biết.
Lúc chúng tôi có mặt tại trường, ông Mẫm đang ngồi cùng toán thợ dọn dẹp để đưa thêm hai phòng học mới vào sử dụng. “Xây phòng học cho các bé khuyết tật phải tính toán kỹ gấp nhiều lần so với phòng học thông thường, dụng cụ dạy cũng phải mang tính trị liệu vì nó ảnh hưởng tới sự phát triển của bé”- ông Mẫm chia sẻ.
Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí bắt đầu hoạt động từ tháng 7-2010, trong một con hẻm yên tĩnh trên đường Điện Biên Phủ.
Cũng hoàn cảnh tương tự, khi cháu Lưu Gia Phong không thể theo học bình thường với mọi trẻ khác, mẹ của cháu là chị Phạm Thị Kim Tâm mời một cô giáo về nhà dạy riêng cho con.
“Tôi đã cố gắng nhưng ngặt nỗi cháu quen học ở trường có đông bạn nên không chịu học ở nhà. Tôi liền gợi ý, tìm sự ủng hộ từ nhóm phụ huynh có con tự kỷ để mở trường, không ngờ lại nhận được sự đồng tình rất lớn. Thế là tôi tìm chỗ thuê mặt bằng và gấp rút lập hồ sơ mở trường”- chị Tâm cho biết về việc ra đời của ngôi trường mang tên Tuổi Ngọc (phường 28, quận Bình Thạnh). Học sinh đầu tiên chính là Lưu Gia Phong và bây giờ thì trường đã có 29 học sinh và đội ngũ 26 giáo viên, nhân viên.
Không lẽ ngồi nhìn con... “Lúc đầu, tôi không lý giải nổi những biểu hiện của con. Đến khi vỡ lẽ về chứng bệnh của con thì nhà trường đã trả cháu về do cháu không theo học kịp với các bạn. Cảm giác buồn chán và thất vọng ào đến nhưng không lẽ ngồi nhìn con mình như thế. Ý tưởng mở trường bắt đầu nhen nhóm từ đó”- TS-BS Huỳnh Tấn Mẫm bộc bạch và cho biết thêm là ngày mở trường, ông phải bán gần hết tài sản, kể cả 9 loại bảo hiểm đều đã tham gia trên 10 năm. |
“Sinh con ra không bình thường hẳn ai cũng đau khổ. Tôi cũng đã trải qua cảm giác đó nhưng không hề tuyệt vọng và cũng không thể ngồi chờ xã hội. Nhìn những người mẹ từ Hậu Giang, Lâm Đồng... về đây thuê nhà để cho con đến trường, chồng thì ở quê làm thuê nuôi con khiến tôi có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn trong việc mở trường”- chị Tâm chia sẻ.
Học trước, dạy sau
Ông Chu Văn Việt với Trường Tiểu học chuyên biệt Anh Vương (phường 12, quận Tân Bình, TPHCM) cũng là một trong những người có hoàn cảnh tương tự như ông Mẫm và chị Tâm.
Để biết cách dạy cho con và những trẻ khuyết tật của trường, những người như chị Tâm và vợ chồng anh Việt đã không ngần ngại cắp sách đến trường để tìm hiểu về chứng bệnh tự kỷ. Nơi mà họ kiên trì lui tới để học chính là các bệnh viện nhi, các hội thảo trong nước và quốc tế về giáo dục chuyên biệt, các tài liệu nghiên cứu trên mạng và trong sách.
Ông Mẫm cũng cho biết là phải học thêm rất nhiều mới có thể hiểu được cách dạy học cho trẻ khuyết tật. “Không hội thảo nào về giáo dục chuyên biệt mà ông già này vắng mặt đâu nhé” - ông Mẫm bộc bạch.
Cũng một lòng tâm huyết như vậy mà từ một nhân viên kế toán, giờ đây chị Tâm đã thông thạo những thuật ngữ như rối loạn tần số, tự kỷ thông minh... vốn chỉ dành riêng cho các giáo viên được đào tạo bài bản để giảng dạy cho trẻ khuyết tật. Anh Việt thì đã hiểu sâu về cách thức xây dựng những ngôi trường khá đặc biệt này.
Theo Người Lao Động