Đắk Nông:

Về làng chài mà học sinh lớp 6 là người có trình độ cao nhất

(Dân trí) - Ở xóm chài lênh đênh giữa mênh mông trời nước trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, Đắk Nông), thay vì được đến trường nhiều đứa trẻ lại tất bật theo cha mẹ kiếm sống qua ngày, còn chuyện đến lớp học rất xa xôi mà ngay cả cha mẹ các em cũng chỉ dám mơ ước.

Mấy chục chiếc nhà bè tạm bợ nằm quây quần trên mặt mà cũng thành xóm, thành làng. Do phụ thuộc vào nguồn cá tự nhiên để mưu sinh nên cuộc sống của những người dân nơi đây cũng bấp bênh theo dòng nước.

Đứng trên quốc lộ 28 nhìn xuống, lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 sâu thăm thẳm trong sương mù. Mặc dù vào giữa tháng 7, thời kỳ cao điểm mùa mưa Tây Nguyên, nhưng mực nước trong hồ vẫn xuống thấp, khiến nghề đánh bắt tôm cá ở đây khó khăn hơn.

nha-be-tren-long-ho-5e373

Những “căn nhà” tuềnh toàng trôi nổi trên mặt hồ là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân

"Nhà" của anh Trương Văn Toản (26 tuổi), là một cái bè bé tẹo, chẳng khác gì những hộ xung quanh, được quây lại bằng những mảnh cót ép và tôn xộc xệch. Cái không gian rộng khoảng 6m2 ấy vừa dùng để nấu ăn, vừa là nơi ăn ngủ, sinh hoạt của hai thế hệ gồm hai vợ chồng anh và hai đứa con nhỏ.

Ở nhà Toản, mấy người con chen chúc nhau lớn lên trong nghèo khó, thất học, người con út là người duy nhất may mắn, hiện đang được theo học lớp 2 ở trường Tiểu học Đắk Som, cách khu vực lòng hồ 10km, nhưng cũng có nguy cơ "vỡ mộng giữa đường" vì nhà quá nghèo. “Tiền học tuy được miễn, nhưng đi học mà không đi chài lưới được thì không có gì ăn cả”, anh Toản cho hay.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc có 7 người, gồm 4 thế hệ đang chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp. Công việc sông nước ít, nên con trai, con dâu của bà còn phải đi làm mướn ở trên bờ. “Ở xóm này, giờ chỉ còn người già và trẻ con ở bè. Tôi thì có hai cháu nhỏ, trong đó, Nguyễn Văn Quân đã 10 tuổi rồi mà vẫn chưa được đi học buổi nào. Nhà nghèo, công việc ngày một khó khăn nên tôi lo không chỉ cháu Quân mà ngay đứa em nó sau này lớn lên thì liệu có được đến trường”, bà Ngọc tâm sự.

Ngồi trên ghe cả tiếng đồng hồ, qua một, hai xóm nhỏ gần bến thì chúng tôi đến làng bè ở giữa lòng hồ, gồm 15 nhà bè nép mình trong khu khuất gió. Theo ông Võ Văn Tài, một người dân thì trong xóm có gần 20 cháu nhỏ ở độ tuổi đến trường, nhưng phần lớn không có điều kiện để đi học.

Hỏi về “điều kiện” học hành ở đây là gì, ông Tài cho biết: “Đó là chuyện trường lớp ở quá xa, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay thì không cho phép nhiều gia đình sông nước nơi đây đưa con đến trường”.

Vừa nói, ông Tài liền chỉ tay về phía cô bé có mái tóc hoe vàng, da bị nắng đốt đen sạm đang chèo thuyền phía trước: “Đó là Võ Thị Thúy Kiều (11 tuổi) mới học hết lớp 2 rồi ở nhà. Còn trên chiếc ghe đằng sau kia, đứa lớn đang cầm tay chèo là Võ Văn Kiểng đã 11 tuổi, nhưng cũng mới học đến lớp 2. Còn thằng nhỏ 7 tuổi ngồi phía sau tôi không nhớ tên thì chưa được đến trường ngày nào”, ông Tài nói.

“Em muốn đi học, muốn được đến trường để học vì đi học biết đọc chữ, có nhiều bạn và em muốn sau này trở thành cô giáo để về dạy học ở xóm này” – cô bé tên Thúy Kiều hồn nhiên thốt ra khiến ai nghe cũng thấy chạnh lòng.

Góp thêm vào câu chuyện học hành của con em xóm mình, chị Đặng Thị Hằng cho biết: “Ở đây, cả người lớn và trẻ em, chắc chỉ có mỗi cháu Võ Văn Mua (12 tuổi) là học đến lớp 6 thôi, Mua được xem là người có học vấn cao nhất xóm này".

chuyen-hoc-voi-nhung-dua-tre-la-xa-voi-6b49f
Việc được đến trường đi học là mơ ước xa vời với những đứa trẻ nơi đây

Câu chuyện học hành của con em mình trên vùng đất mới thì những người như ông Tài, bà Ngọc, chị Mai, chị Hằng gần như là bất lực trong việc cho con đến trường. Vì đến những trường gần lòng hồ ở xã Đắk Som, hay các xã phía bên tỉnh Lâm Đồng là quá xa. Đi kèm với việc học là thời gian đưa đón, phương tiện đi lại và tiền bạc trang trải cho các em ăn học… Với những lo toan cho miếng cơm manh áo hàng ngày thì chuyện học hành của nhiều em nhỏ dưới lòng hồ cũng đành phải gác lại.

Mang câu chuyện của những đứa trẻ không được đến trường tại khu vực lòng hồ ra trao đổi, ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: “Qua kiểm tra, xã nắm được có 26 hộ với 96 nhân khẩu sống dưới lòng hồ. Tuy nhiên, do có sự di chuyển thường xuyên của các gia đình ở lòng hồ bên này, bên kia (Đắk Nông và Lâm Đồng) nên công tác quản lý nhân khẩu khó khăn. Về việc các cháu nhỏ sống dưới lòng hồ không được đến trường, địa phương đã nhận thấy trách nhiệm của mình. Thực tế, để đưa các cháu đến trường, trong điều kiện hiện nay xã không thể làm được. Trước hết cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành cầnphải có điểm trường, có giáo viên…”

Có lẽ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành chức năng địa phương thì may ra, những đứa trẻ ở đây mới có cơ hội tìm đến con chữ. Những ước mơ đổi đời vẫn còn quá xa vời với những đứa trẻ, tương lai của chúng vẫn mịt mờ như chính cuộc sống mưu sinh giữa lòng hồ mênh mông trời nước.

Đức Cường – Thúy Diễm

 

Về làng chài mà học sinh lớp 6 là người có trình độ cao nhất - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm