Vay lãi nóng đóng học cho con
“Xát ruột vì con cái, nhưng không thể để chúng bỏ giữa chừng được. Đành cắn răng vay mượn, chỗ nọ đập chỗ kia để cho chúng nó vào năm học mới suôn sẻ”, lời tâm sự của bà mẹ nghèo ở một làng chài Thái Bình là nỗi lòng của hàng ngàn bậc cha mẹ trước thềm năm học mới.
“Chị Dậu” thời nay
Xã Nam Chính, huyện Tiền Hải là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Thái Bình.
Đây là xã nội đồng, 95% lao động làm nông, thu nhập bình quân chỉ khoảng 350.000 đồng/người/tháng. Nhiều hộ trong xã nghèo tới mức không khác gì gia đình chị Dậu của thế kỷ trước. Gia đình anh Đỗ Văn Vĩ và chị Bùi Thị Ngát (xóm 4, thôn Năng Tĩnh) là một trường hợp như vậy.
"Tôi đã chuẩn bị sẵn đàn gà 10 con và 7 công đi làm thuê để lo cho con đầu năm học mới. 10 con gà bán đi được 400.000 đồng, còn 7 công thì được khoảng hơn 200.000 đồng. Trước mắt cứ như vậy đã, còn sau đó cả nhà sống thế nào thì sẽ... tính tiếp"- chị Bùi Thị Ngát tâm sự.
Chị Ngát có 2 con, con lớn học lớp 9, con bé học lớn 8. “Đáng lẽ cháu lớn đã học cấp III nhưng vì thiếu điểm vào trường công lập, mà trường dân lập thì phải đóng tiền nhiều nên đành phải cho cháu học lại một năm” - chị Ngát nói.
Do mới chuyển từ Tuyên Quang về cách đây 5 năm nên 2 anh chị vẫn thuộc diện KT3, chưa được cấp ruộng, mà chỉ được cấy ruộng thầu của người khác.
Anh Vĩ vừa phải ra Quảng Ninh làm cửu vạn, chưa có đồng nào gửi về nhà. Thu nhập của cả nhà giờ chỉ trông vào 4-5 sào lúa cấy thuê.
"Vừa rồi mua SGK cho 2 cháu hết tổng cộng là 160.000 đồng. Năm nay chưa thấy nhà trường bảo đóng góp bao nhiêu, nhưng như năm ngoái 2 cháu hết tất cả 500.000 đồng. Mới “khởi động” vậy mà nhà tôi đã phải đi vay. Thường là vay trả lãi theo tháng, vay 1 triệu thì trả lãi 20.000 đồng/tháng, còn theo ngày thì 2.500 đồng/ ngày.
Thời điểm này năm ngoái, tôi vay 3 triệu để lo các cháu học hành và để phát triển kinh tế, thế mà tiền lãi lên tới tận 7 triệu. Bây giờ họ vẫn đòi 3 triệu tiền lãi nữa. Mấy ngày nữa có giấy từ nhà trường, chắc tôi lại phải giật nóng để lo cho con. Trong nhà bây giờ có đồng tiền nào đâu"- chị Ngát than thở.
Hàng xóm của chị Ngát là vợ chồng anh Trần Văn Cương và chị Phan Thị Thía hoàn cảnh còn thương tâm hơn nhiều.
Anh Cương bị bệnh ung thư, nằm liệt giường gần một năm nay, dồn mọi gánh nặng lên đôi vai gầy của chị Thía. Trong khi đó, 4 đứa con lần lượt học lớp 12, lớp 9, lớp 4 và lớp 1. Không ai làm ra tiền mà vẫn phải chi tiền thuốc thang cho chồng, tiền học cho con khiến chị muốn phát điên. 7 sào lúa chỉ gọi là để có hạt gạo trong nhà.
Mới giữa tháng 8, chị đã phải đi vay nóng 500.000 đồng để mua SGK cho 4 đứa con (mỗi ngày là 1.000 tiền lãi). Nhà trường sắp sửa bắt nộp các khoản tiền đầu năm.
Theo nhẩm tính của chị, học phí, tiền xây dựng, tiền bảo hiểm... thì 4 cháu không dưới 1 triệu đồng. "Xát ruột vì con cái, nhưng không thể để chúng bỏ giữa chừng được. Đành cắn răng vay mượn, chỗ nọ đập chỗ kia để cho chúng nó vào năm học mới suôn sẻ"- chị ngậm ngùi.
Nửa đường đứt gánh
Đó là tình trạng phổ biến tại làng chài Cao Bình (xã Hồng Thái, Kiến Xương). Cả làng có 44 hộ thì tất cả lao động chính đều lênh đênh trên sông biển để đánh cá. Trong làng, rất nhiều trẻ em chỉ học đến lớp 3, lớp 4, biết mặt cái chữ rồi... "đứt gánh" vì không có tiền theo học. Thời kì "đứt gánh" nhiều nhất là đầu năm học, khi nhà trường thúc giục tiền học phí, tiền xây dựng... Học cao nhất trong làng là em Nguyễn Văn Thêm - lớp 8 nhưng cũng đang có nguy cơ phải bỏ học vì không có tiền.
Ở nơi "gạo chợ nước sông", phải chạy ăn từng bữa này, nguồn thu trông đợi vào con nước. Ông Hoàng Văn Hải, 48 tuổi, kể: "Năm học trước, cháu nội của tôi là cháu Hoàng Văn Phi đã bị cô giáo đuổi về vì bố mẹ đi đánh cá ngoài sông, chưa về kịp để lo tiền đóng học cho con. Tôi đã viết trong sổ liên lạc là các cô thông cảm, chờ 3 ngày nữa bố mẹ cháu về mới có tiền, thế mà các cô vẫn lắc đầu. Cuối cùng, bố mẹ về muộn quá, cháu Phi thì uất ức và nản chí nên đã nghỉ học, giờ cháu làm phu hồ ở Móng Cái".
Bà Nguyễn Thị Ngọ, bà của em Nguyễn Thị Chi - học sinh lớp 6 thì đang rờ rẫm đi vay nóng 200.000 đồng mua sách bút cho cháu. Bà nhìn xa xăm, nói: "Mấy ngày nữa mà các cô giáo viết giấy về để đóng các khoản đầu năm học thì không biết tôi sẽ xoay xở ra sao. Chắc là phải vay người ta đã rồi bố mẹ nó trả sau".
Bố mẹ đi kéo lưới ở ngoài sông, biển nên mỗi khi cần tiền, các em phải đi nhờ thuyền để ra chỗ bố mẹ làm lấy tiền, 3, 4 ngày sau mới có được. Nhưng có khi vào lúc thất bát, bố mẹ cũng chẳng có tiền. Có khi chỉ 175.000 đồng để mua SGK như em Nguyễn Văn Thao thôi mà bà của Thao phải chạy ngược chạy xuôi, vay với lãi suất lên tới 5 phẩy để lo cho cháu.
Ông Đỗ Đức Cảnh - Chủ tịch Gội Khuyến học xã Hồng Thái cho biết: “Đối với trẻ làng chài, nhà trường cũng đã thực hiện chính sách giảm học phí, miễn phí đóng góp xây dựng nhưng làng chài này quá nghèo túng, đồng tiền cứ như chạy trốn nên mỗi đầu năm học là cả làng xao xác, rồi sau đó là hàng chục đứa trẻ bỏ học, buồn lắm”.
Theo Nông Thôn Ngày Nay