"Văn Thầy" - Một loại "phao" kinh hoàng!

Mất 25.000 đồng cho bộ "phao", tôi không khỏi kinh hoàng trước hàng loạt sáng tạo văn chương vô tiền khoáng hậu của cái gọi là "Văn Thầy" được quảng cáo là "ắp đết" (update - cập nhật) mới nhất.

Năm ngoái, trong khi khảo sát thị trường “phao” thi tại Hà Nội, chúng tôi đã mua được nhiều bộ phao thi môn Văn. Qua tập phao thi cỡ chữ ''bé li ti như con kiến'', có thể gấp gọn nhét túi quần này, chúng tôi không khỏi giật mình vì những ''sáng tạo khủng khiếp'' về nội dung của chúng. Năm nay, mức độ sáng tạo ấy xem ra còn được tăng gấp bội phần.

 

Phát huy ưu thế của "thầy Sư phạm" (theo như quảng bá của các tay bán "phao"), tuyển tập 41 bài làm văn được viết với giọng điệu phóng đại, khoa trương, mặc sức tung hoành cho trí tưởng tượng bay bổng.

 

Tấn bi kịch tinh thần của nhân vật Hộ trong truyện ngắn "Đời thừa" được phân tích bằng lối văn chương "chứa chan giá trị nhân đạo". Trong "bài phao" này, nhân vật nữ tên là Từ được tán dương bằng mọi từ ngữ đẹp đẽ của phẩm chất người phụ nữ mà nhà văn Nam Cao khi viết hẳn không tài nào hình dung ra:  "Một ngày kia Hộ gặp Tú (nhân vật nữ tên là Từ), một cô gái dịu dàng, đoan trang, thuỳ mị, chịu thương, xinh đẹp, chịu khó, thuỷ chung đang giàu lòng nhân hậu vị tha...." (Đề 35, Văn thầy ĐH Sư phạm).

 

Chưa hết, "tác giả" còn tạo cho nhân vật chính (văn sĩ Hộ) hành động có lẽ là độc nhất vô nhị: "Hộ cầm lấy cặp mắt Từ, cặp mắt ấy bật ra những dòng nước mắt như quả chanh bị bóp méo. Tội nghiệp đau đớn thương vong gấp bội".

 

Để thêm phần sinh động và có lẽ là ngầm ý bày tỏ rằng ta cũng có hiểu biết  vốn văn chương nước nhà, câu tiếp theo còn được lẩy Kiều. "Đúng là: Tình thương còn một chút này; Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan. Than ôi!"

 

Văn học hiện thực phê phán đã được rung cảm bằng những lời lẽ thống thiết như vậy, đến văn học kháng chiến chống Mỹ thì cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn của người viết mới dâng lên như sóng trào.

 

Giải thích ý nghĩa hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Trung Thành, người viết không tiếc lời tung hô: "Người đọc bị hút hồn mê hoặc vào cây xà nu và rừng xà nu giàu chất thơ lãng mạn hào hùng và lãng mạn hào hoa và hùng tráng tô đậm chất sử thi mê hoặc. Cây cao vút vừa thanh nhã vừa rắn rỏi như đã sống từ ngàn đời nay và còn tiếp tục sống muôn năm ngàn đời sau" (Đề 20, Văn thầy).

 

Có lúc không kìm nén được, tác giả còn say sưa gọi Nam Cao là "nhà văn không sừng" khi ông miêu tả diện mạo và cử chỉ bản chất lương thiện của Chí Phèo". Những lời tung hô như: "Hộ là tấm bi kịch tinh thần tầm cỡ thời đại", hay "Đoàn quân Tây tiến xanh màu lá dữ oai hùm đến cọp cũng phải sợ" được tâng bốc đến nỗi nhà văn Nam Cao hay nhà thơ Quang Dũng có lẽ cũng phải đội đá ngồi dậy mà gật gù.

 

Quay cuồng theo "vũ điệu văn chương"

 

 

"Văn Thầy" - Một loại "phao" kinh hoàng! - 1
 

Bộ phao khối C, giá chỉ 45.000 đồng

 

 

Sĩ tử ôn Văn lớp 12 để thi tú tài và thi ĐH hẳn không thể quên hình ảnh cô Mỵ lầm lũi như con rùa nơi xó cửa, ngày tết còn bị A Sử lấy tóc quấn vào cột nhà không cho đi chơi.

 

Người viết khi “bình giảng” (khái niệm chỉ dành cho thể loại thơ ca) truyện ngắn này, có lẽ do phẫn uất với tội ác của bố con nhà thống lý Pá Tra nên không tiếc lời vạch thẳng những hành vi côn đồ của A Sử: "Ngày tết, A Sử đi chơi Mị thì bị trói đứng trong buồng tối thế mà vừa thiếp một cái bình thường thôi thì A Sử liền lấy chân đạp thẳng vào ngay giữa mặt Mị". Xem ra, A Sử côn đồ phải dùng thang mỗi lần bạo lực với vợ.

 

Chưa kịp hiểu ra cái lô gic của câu chuyện vì sao Mỵ đã bị trói đứng rồi mà cái thằng A Sử kia còn đạp trúng giữa mặt thì lập tức, tác giả những dòng văn trên tường trình ngay: "Lúc nào mở ra tác phẩm cũng thấy cái cô Mỵ mặt buồn rười rượi. Suốt ngày lầm lũi như con lừa (nguyên văn con rùa) xó bếp. But (Hành văn theo phong cách Ănglê) Mị là ai? Hỏi ra là con dâu Pá tra) (Đề 8, Văn thầy).

 

Chưa hết, khi lạc vào quần thể tượng La Hán trong "các vị La Hán chùa Tây phương" (bài thơ của nhà thơ Huy Cận), tác giả những bài văn vô tiền khoáng hậu kia cũng thống thiết với nỗi đau nhân loại tạc trên từng khuôn mặt cuồn cuộn đau thương: "Đau khổ quằn quoại đạt tới cao điểm tột cùng của khổ đau đến mức tượng gỗ mà cũng đổ được cả mồ hôi. Nỗi đau khổ rào lên ở đỉnh sống cao nhất và ngưng đọng lại ở lưng trừng trời. Thế giới tột cùng bất lực khổ đau quay cuồng trong một vũ điệu" (Đề 39, Văn thầy).

 

Đọc những dòng trên, sĩ tử hẳn cũng quay cuồng theo vũ điệu văn chương của những dòng chữ photo trên. Bởi muốn "thưởng ngoạn" những “dòng châu ngọc” kia, phải dí mắt sát sàn sạt vào mới đọc rõ chữ.

 

“Nộ đùn” và “nghẹ thụt” (!?)

 

Không chỉ chen ngang bằng những từ tiếng Anh theo khẩu ngữ như "But" (nhưng), "and" (và)... 41 bài giảng văn đầy rẫy lỗi chính tả, sai ngữ pháp, câu văn cụt lủn, dùng từ tùy tiện, sai nghĩa, viết tắt.... Những lỗi ngữ pháp như "Đào làm việc qoùân qoụât", "ánh sáng lung ling" xuất hiện dày đặc. Còn đây, phân tích "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi, quả là không hiểu tác giả muốn nói gì: "tình yêu nước, bẳn sắc dân tộc cả trong nộ đùn (có lẽ là nội dung) và không chỉ thé mà cả trong nghẹ thụt (có lẽ là nghệ thuật)" (Đề 9).

 

Tên nhân vật, tên địa danh cũng bị xuyên tạc theo ý chủ quan. Nguyễn Trung Thành đặt cho chàng trai Xôman dũng cảm của mình cái tên Tnu nhưng trong cả 3 đề văn về "Rừng xà nu", tác giả vẫn cứ khăng khăng gọi anh bằng cái tên "dân tộc Mường" là anh Trú (?).

 

Nhiều tác phẩm đã được đưa ra khỏi chương trình thi ĐH từ nhiều năm trước, nay vẫn được tái xuất trong bộ đề năm 2005 được quảng cáo là "cập nhật" nhất trong các loại Văn thầy. Chẳng hạn "Những đứa con trong gia đình" (Nguyễn Thi,1 đề), "Huệ Chi đêm tân hôn" (Nguyên Hồng, 2 đề).

 

Theo Ngọc Nhung

 Vietnamnet