Văn hóa công bố quốc tế đã được thiết lập

Khoảng 5 năm trở lại đây, văn hóa công bố quốc tế được thiết lập ở nhiều đơn vị nghiên cứu và đào tạo ở Việt Nam. GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, sau thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ về một vài chỉ số khoa học, trong đó đáng lưu ý có chỉ số về công bố quốc tế.

GS.TS Nguyễn Hữu
  Đức

GS.TS Nguyễn Hữu Đức

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, những năm đầu, việc này triển khai không dễ, nhưng dần dần thì nhiều nhà khoa học đã thấy quen, hứng khởi và hội nhập một cách vững vàng.

Đối với ĐHQGHN, văn hóa này được quan tâm hơn còn nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo và sứ mệnh xây dựng đại học định hướng nghiên cứu, và cũng xuất phát từ nhu cầu nội tại của mình về đào tạo chất lượng cao, nhất là đào tạo sau đại học.

Nhóm nghiên cứu đủ mạnh mới có hợp tác quốc tế

Ngoài yếu tố số lượng, thì ông đánh giá chất lượng các bài báo quốc tế như thế nào? ĐHQGHN có quan tâm thống kê số lần trích dẫn không?

- Chúng tôi không những khuyến khích công bố quốc tế, mà còn khuyến khích các nhà khoa học đăng ở các tạp chí có uy tín. Câu lạc bộ các nhà khoa học của ĐHQGHN đã thí điểm việc này rất tốt.

Theo thông lệ quốc tế, các tạp chí quốc tế trong từng chuyên ngành, lĩnh vực được phân thành 4 nhóm Q1, Q2, Q3 và Q4 (mỗi nhóm 25% tổng số tạp chí) tùy theo chỉ số ảnh hưởng và uy tín. Các nhà khoa học nào có bài đăng trong tạp chí nhóm Q1 và Q2 được hỗ trợ tài chính ở mức cao hơn. Trong thời gian tới, sáng kiến này được chuyển giao áp dụng ở Quỹ Nafosted.

ĐHQGHN cũng rất quan tâm đến các công bố quốc tế có số lần trích dẫn cao. Thống kê mà chúng tôi có được từ nguồn ISI, từ năm 2012 – 2015 ĐHQGHN có 845 bài báo quốc tế, với tổng cộng hơn 3.348 lần trích dẫn, bài cao nhất 186 lần trích dẫn. Trung bình một bài báo có 3,96 lần trích dẫn.

So sánh với trường ĐH Chulalongkorn của Thái Lan, trong khoảng thời gian này họ có số bài báo rất nhiều (4955 bài với 16.336 lượt trích dẫn, bài cao nhất là 2.285 lần trích dẫn). Nhưng trung bình mỗi bài báo của họ cũng chỉ có 3,3 lần trích dẫn. Mức độ trích dẫn đang từng bước được chúng tôi xem xét để đánh giá, xét tăng giải thưởng…

GS.TS Nguyễn Hữu
  Đức

Các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm máy gia tốc đang giới thiệu quy trình vận hành máy Pelletron 5SDH-2 là loại máy gia tốc tĩnh điện kép (Tandem) được sản xuất tại hãng National Electrostatics Corporation (NEC) – Hoa Kỳ. Đây là máy gia tốc tĩnh điện hiện đại, lần đầu tiên lắp đặt tại Việt Nam. (Ảnh Bùi Tuấn)

Ông nghĩ gì về thống kê cho thấy các công trình có hợp tác nước ngoài thì chất lượng cao hơn so với các công trình hoàn toàn bằng nội lực?

- Về tổng thể, tôi có thông tin mức độ hợp tác quốc tế và hợp tác với doanh nghiệp trong các bài báo của ĐHQGHN là 59,4% và 0,8% (số liệu tương ứng của Việt Nam là 68,4% và 0,8%). Mức độ hợp tác quốc tế, số tác giả có địa chỉ từ các quốc gia khác nhau là một chỉ số đánh giá của các bảng xếp hạng quốc tế. Thông tin có thể được phân tích và khai thác khác nhau.

Quan điểm của tôi là, các nhóm nghiên cứu đủ mạnh mới có hợp tác quốc tế. Không ai hợp tác với các nhóm không có tiếng tăm gì. Theo cách tiếp cận này, ĐHQGHN đã một số nhóm có những hợp tác quốc tế rất hiệu quả, có nhiều công trình tốt và có trích dẫn rất cao, ví dụ như nhóm của GS Phạm Hùng Việt trong lĩnh vực địa môi trường, hay nhóm của GS Lưu Văn Bôi trong các nghiên cứu nhiên liệu sinh học. Một số bài báo của nhóm GS Việt đã có số trích dẫn trên 300 lần.

Theo tiếp cận khác thì chúng ta cũng nên tự hào và đánh giá cao các công bố quốc tế hoàn toàn thực hiện bằng nội lực. Điều này phản ánh tiềm lực và khả năng giải quyết độc lập các vấn đề KHCN của các nhà khoa học ở nước ta. Trong trường hợp này, có thể nêu tên một số nhóm vừa có xuất bản quốc tế vừa có ứng dụng rất tốt, như nhóm của PGS Đỗ Thị Hương Giang trong lĩnh vực vật liệu và linh kiện nano.

Xác định nhiệm vụ khoa học không bằng cách … đoán

Có ý kiến cho rằng chỉ có khoa học cơ bản mới chú trọng công bố quốc tế, còn nghiên cứu ứng dụng thì không cần. Quan điểm này có thỏa đáng không, thưa ông?

- Câu hỏi này còn nhiều bàn luận khác nhau lắm. Bản thân tôi đang tiếp cận cận theo thông lệ và quy định của các bảng xếp hạng quốc tế. Bảng xếp hạng QS star (xếp hạng gắn sao) quan niệm rằng một chương trình, đề tài khoa học được tính là một hợp tác của đại học và doanh nghiệp nếu chương trình, đề tài đó có công bố quốc tế và chuyển giao được các kết quả đó cho doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, doanh nghiệp người ta chỉ cần các phát kiến mới, chưa ai có để phát triển các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, còn những điều đã tìm thấy trong sách, trên mạng thì chắc doanh nghiệp tự tìm được. Vậy nên, có thể phân loại rất rõ, có thể có các nghiên cứu ứng dụng không ưu tiên (chứ không phải không cần), nhưng các ứng dụng chuyên nghiệp, trình độ cao thì công bố khoa học là một thước đo. Cách tiếp cận này đang được khuyến khích ở ĐHQGHN - nghiên cứu cơ bản đi trước hoặc đồng thời với nghiên cứu ứng dụng.

Ví dụ như công trình nghiên cứu xây dựng hệ gen người Việt của nhóm PGS Lê Sĩ Vinh. Đây là nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ tin-sinh trình độ cao. Nghiên cứu này đi trước, có công bố quốc tế, được phản biện quốc tế rồi mới đến bước áp dụng vào rất nhiều ứng dụng trong y học. Ví dụ nữa về thiết kế chip, nhóm của PGS Trần Xuân Tú vừa rồi đã công bố vi mạch VENGME H.264/AVC. Trong quá trình nghiên cứu đi đến sản phẩm này, nhóm đã có tất cả 10 công bố quốc tế với tổng cộng gần 30 lần được trích dẫn.

Phòng
  Thí nghiệm Robottic Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN

Phòng Thí nghiệm Robottic Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN

(Ảnh Bùi Tuấn)

Theo ông, cần phải làm gì để chọn được những đề tài và định hướng phát triển khoa học và công nghệ tốt?

- Theo truyền thống, đặc biệt là ở Việt Nam hiện nay, việc xây dựng kế hoạch trung hạn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ hay là xét chọn đề tài nghiên cứu, thường dựa vào ý kiến chuyên gia. Cách làm này bắt đầu có nhiều bất cập, vì một số chuyên gia chỉ phát huy kinh nghiệm và sự suy đoán của mình.

Hiện nay, như đã minh họa ở trên, cơ sở dữ liệu khoa học phát triển rất mạnh, đặc biệt là cơ sở dữ liệu của ISI (Thomson Reuters) và Scopus (Elsevier). Phân tích các cơ sở dữ liệu này, có thể biết được tình hình và các xu thế nghiên cứu đang thịnh hành, được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới. Từ đó có thể tiên đoán xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trong những năm tới.

Đây là một nguồn thông tin mà các quốc gia, tổ chức giáo dục và nghiên cứu sử dụng để xây dựng chiến lược phát triển. Đối với nhiều trường đại học trên thế giới, các quỹ phát triển khoa học công nghệ, ngoài hệ thống chuyên viên và quy trình xét chọn có tính chất hành chính bình thường, còn có thêm một nhóm hỗ trợ ra quyết định dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học từ các nguồn Web of Science và Scopus. Cũng từ các nguồn này, người ta cũng có thể đánh giá hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ của các các nhân, tổ chức… Như vậy, việc quản lý khoa học không còn như còn như trước nữa mà đã trở nên định lượng, minh bạch và tin cậy.

Việc sử dụng các cơ sở dữ liệu như vậy thời gian vừa qua đã được Quỹ Nafosted triển khai rất tốt. Rõ ràng là công tác quản lý khoa học, xác định các nhiệm vụ khoa học chủ lực không còn phải … đoán nữa.

Xin cảm ơn ông.

Ngân Anh thực hiện


"Theo thống kê của tôi thì các công bố quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus ở khối khoa học xã hội nhân văn chỉ chiếm 7 - 10%. Ở ĐHQGHN hiện nay chiếm khoảng 8%. Đối với các lĩnh vực này, thế mạnh và đặc trưng có lẽ là các sách chuyên khảo. Vậy nên, có lần tôi đã đề nghị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước nên có sự điều chỉnh tiêu chuẩn cho các lĩnh vực khác nhau. Đối với khối tự nhiên, công nghệ nên tăng tiêu chuẩn về bài báo và giảm điểm về sách. Còn đối khối khoa học xã hội – nhân văn thì nên ngược lại" -GS.TS Nguyễn Hữu Đức.




Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm