Vấn đề “nóng” của Việt Nam được sinh viên đưa tới hội nghị HYLI

(Dân trí) - Giao thông, môi trường, kinh tế, năng lượng bền vững… là những chủ đề mà 4 sinh viên Việt Nam sẽ đưa tới Diễn đàn Sáng kiến Tài năng Lãnh đạo trẻ Hitachi (HYLI) lần thứ 11 dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9-13/1/2012.

Diễn đàn Sáng kiến Tài năng Lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 11 có 7 nước tham gia là Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam với chủ đề “Giai đoạn mới cho châu Á - quan điểm của châu Á về quản trị phát triển bền vững và hội nhập kinh tế”. Đây sẽ là nơi gặp gỡ, hội tụ các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và bình luận gia hàng đầu để cùng thảo luận và chia sẻ ý kiến về các xu hướng đang tác động tới châu Á. Các bài diễn thuyết tập trung vào các chủ đề như Năng lượng và môi trường; Hợp tác và hội nhập kinh tế.

4 sinh viên xuất sắc được lựa chọn trong tổng số 10 trường đại học lớn của Việt Nam tham gia diễn đàn này là Hoàng Minh Thông - khoa Quan hệ quốc tế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Nguyễn Trường Song Pha - khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại thương TPHCM; Nguyễn Ngọc Quỳnh - khoa tiếng Anh, Học viện Ngoại giao; Đào Lê Trang Anh - khoa đào tạo nâng cao, Tài chính doanh nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân.
 
Vấn đề “nóng” của Việt Nam được sinh viên đưa tới hội nghị HYLI - 1
4 sinh viên xuất sắc của Việt Nam dự Diễn đàn Sáng kiến Tài năng Lãnh đạo trẻ Hitachi (HYLI) lần thứ 11. Từ trái qua: Nguyễn Trường Song Pha, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đào Lê Trang Anh và Hoàng Minh Thông.

"Tắt máy khi dừng xe ở ngã tư có đèn báo hiệu"

Quan tâm tới vấn đề giao thông đang nóng nhất của 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, Nguyễn Ngọc Quỳnh mang đến hội nghị chủ đề Giao thông bền vững. Quỳnh cho biết: “Đây là một vấn đề cấp thiết, nhức nhối đối với tất cả mọi người. Bởi giao thông bền vững là vấn đề quan trọng mang tầm toàn cầu chứ không chỉ gói gọn trong diễn đàn này. Vì thế trong quá trình nghiên cứu, em hiểu được thế nào là giao thông bền vững, làm thế nào chúng ta có thể thực hiện các biện pháp tăng cường giao thông bền vững đối với Việt Nam nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung”.

“Ý thức người tham gia giao thông vô cùng quan trọng. Do vậy, chúng ta nên khích lệ giao thông xanh. Đó là khuyến khích người tham gia giao thông tắt máy khi dừng xe ở ngã tư có đèn báo hiệu. Cách này có thể giảm được lượng khí thải ra môi trường, góp phần giao thông bền vững” - Quỳnh đưa giải pháp .

Đồng quan điểm với Quỳnh, Hoàng Minh Thông mang đến hội nghị HYLI chủ đề “Năng lượng và giao thông bền vững”. Phân tích về vấn đề giao thông bền vững, theo Thông, bản chất giao thông là sự di chuyển giữa con người với con người chứ không phải các phương tiện. Ở Việt Nam mình xây đường cho phương tiện đi mà không chú trọng tính cách làm sao họ đến nơi một cách gần nhất. Về vấn đề giao thông phải thực sự mạnh tay. Ví dụ khi làm dự án về quy hoạch về lâu dài thì ở Việt Nam việc giải tỏa đền bù rất đau đầu. Nên theo em tập trung làm tốt công tác đó sẽ giải quyết phần nào vấn đề.

Về vấn đề năng lượng bền vững, Thông cho rằng: “Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, vấn đề làm sao tìm được nguồn năng lượng thay thế trong bối cảnh phát triển rất nhanh ở Việt Nam là rất nan giải. Ở Việt Nam trong 10 năm gần đây phát triển mạnh thủy điện và một ít về nhiệt điện. Nhưng khi phát triển thủy điện kéo theo một số hậu quả môi trường và an sinh xã hội. Vậy ở Việt Nam cơ hội nào để tìm kiếm năng lượng thay thế, đây là vấn đề em đưa ra thảo luận tại hội nghị”.

Cộng đồng phát triển bền vững mang tính an ninh

Quan tâm tới vấn đề kinh tế, Đào Lê Trang Anh mang đến hội nghị chủ đề: “Cộng đồng phát triển bền vững, mang tính an ninh” và chủ đề “Về quản lý rủi ro thiên tai, an ninh lương thực”. Đó là những vấn đề bức thiết. Châu Á vốn là lục địa có dân cư lớn và hứng chịu rủi ro thiên tai lớn nhất thế giới. Chính vì lẽ đó nên em rất quan tâm và nghiên cứu đưa ra giải pháp cải thiện vấn đề hiện tại để phát triển bền vững hơn” - Trang Anh cho biết.

Theo Trang Anh, đô thị hóa chỉ một số bộ phận có cuộc sống tốt hơn nhưng còn rất nhiều người nghèo đói, trẻ em suy dinh dưỡng. Đó là tác động qua lại với nhau như an ninh, môi trường, kinh tế, chính trị. Vấn đề tham nhũng hiện tại tưởng chừng không liên quan đến thảm họa và an ninh lương thực nhưng thực ra có tác động lẫn nhau. Nếu có giải pháp đồng bộ dài hạn sẽ giải quyết triệt để hơn. Đề tài của em có mối liên hệ nhất định, nó sẽ mang lại nền tảng nào đó cho sự phát triển đất nước.

Còn sinh viên Nguyễn Trường Song Pha mang đến hội nghị chủ đề: "Hoạch định kinh tế". Pha cho biết: “Hội nghị HYLI là cơ hội tốt để em tìm hiểu sâu hơn về thế giới đặc biệt là châu Á với sự hội nhập phát triển của nước mình với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Được biết, khi lựa chọn những sinh viên xuất sắc tham dự diễn đàn hội nghị lần này, các sinh viên trải qua một quy trình tuyển chọn khắt khe dựa trên thành tích học tập, tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, các thành tích đạt được và kiến thức về các vấn đề khu vực hiện nay.

4 sinh viên xuất sắc trên đều có những bề dày thành tích học tập và hoạt động xã hội. Tâm sự về các hoạt động xã hội, Nguyễn Trường Song Pha tâm sự: “Chính các hoạt động xã hội để mình biết thêm được nhiều nơi, học được những giá trị và quan trọng hơn sau khi tham gia các hoạt động xã hội mình có suy nghĩ chín chắn và có động lực tốt cho các hoạt động sau này”.

Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay: “Qua các hoạt động giúp đỡ trẻ em của các tổ chức phi chính phủ, em cảm thấy mình may mắn hơn các trẻ em khác vì có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin, được gia đình bảo vệ, được đến trường hàng ngày. Chính điều đó khơi dậy mong muốn và sự quyết tâm động lực để em giúp đỡ người khác. Khi mà em đưa được những điều đó vào trong thực tế thì nó mang lại ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống của em”.

Hồng Hạnh