Vài giải pháp đề xuất cho việc dạy và học môn Lịch sử

(Dân trí) - Thiết nghĩ các môn học tự nhiên đều được đầu tư các dụng cụ thí nghiệm đắt tiền, vậy tại sao lại không đầu tư cho môn Lịch sử?

Việc dạy và học Lịch sử hiện nay đang là một vấn đề nóng bỏng được xã hội đặc biệt quan tâm. Những lỗ hỏng lớn về kiến thức lịch sử của giới trẻ đang rung lên những hồi chuông cảnh báo nguy cơ lịch sử vẻ vang của một dân tộc sẽ bị chôn vùi trong làn sóng kinh tế thị trường. Vậy đâu là giải pháp cho công trình san lấp ấy?

Xây dựng mô hình minh họa

Việc dạy và học Lịch sử ở các trường phổ thông lâu nay vẫn theo phương pháp truyền thống. Chỉ là những bài giảng suông với hàng loạt những sự kiện và con số khô khan được nhồi nhét vào đầu học sinh. Chính điều này gây nên sự chán nản và đối phó trong việc học sử. Giáo dục nước ta đang cần một phương pháp đổi mới theo hướng cải tiến bài giảng bằng những mô hình minh họa theo thiết kế và dàn dựng trong các viện bảo tàng, điều đó sẽ tạo nên một không khí thoải mái, hấp dẫn học sinh.

Thiết nghĩ các môn học tự nhiên đều được đầu tư các dụng cụ thí nghiệm đắt tiền, vậy tại sao lại không đầu tư cho môn Lịch sử? Trong khi đó, một mô hình lịch sử còn đơn giản và rẻ hơn nhiều so với một kính hiển vi hay một máy phát điện.

Ngoại khóa với các cựu chiến binh

Bên cạnh những giờ học trên lớp, ngoại khóa là điều cần thiết để giải tỏa những căng thẳng và bổ sung thêm nhiều kiến thức cho học sinh. Những câu chuyện, những kỉ niệm chân thực về một thời lửa đạn được các nhân chứng sống kể lại sẽ thu hút học sinh đến với lịch sử. Họ sẽ hứng thú để cảm nhận về quá khứ hào hùng của cha ông. Bên cạnh đó là những tiết mục văn nghệ ,những vở kịch, những bài hát mang đậm tính lịch sử. Tất cả sẽ thấm dần vào nhận thức của học sinh chứ không phải là nhồi nhét một cách thụ động, tiêu cực.

Cải tạo, nâng cao kiến thức lịch sử bằng điện ảnh

Ai cũng công nhận một thực tế rằng: phim cổ trang Trung Quốc được sản xuất với một khối lượng lớn và đang được công chiếu ở hầu khắp các quốc gia (trong đó có Việt Nam). Những bộ phim mang màu sắc lịch sử này đang góp phần giáo dục cho giới trẻ Trung Quốc những kiến thức về nền văn hóa lâu đời của dân tộc. Và nó cũng góp phần quảng bá nền văn hóa Trung Hoa ra trường quốc tế, đó cũng là lời giải thích cho vấn đề tại sao giới trẻ Việt Nam lại biết nhiều về lịch sử Trung Quốc hơn là lịch sử nước nhà. Một cậu bé lớp 5 có thể nắm rất rõ những triều vua nhà Thanh, những trận đánh lịch sử trong Tam Quốc…nhưng không biết gì về vua Quang Trung và những trận đánh thần tốc của người anh hùng áo vải. Truyền hình Việt Nam đang thưa dần những bộ phim về thời chiến, thay vào đó là sự lên ngôi của những bộ phim về thời kinh tế thị trường mở cửa. Được biết, ngành điện ảnh Việt Nam sẽ xây dựng nhiều khu phim trường lớn và hy vọng những bộ phim về lịch sử cổ trang Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình để góp phần giáo dục lịch sử cho toàn xã hội.

Lịch sử là cái hồn của dân tộc, là nguồn cội của sự phát triển đi lên, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam

Một dân tộc phát triển là một dân tộc biết gìn giữ và phát huy những truyền thống lịch sử, nhiệm vụ ấy đang đặt nặng trên” đôi vai” ngành giáo dục nước nhà.

Nguyễn Tấn Tài