Vài cảnh báo khi làm tiến sĩ

Ngày nay ở nước ta, nhiều SV có ý định theo học chương trình tiến sĩ (Doctor of Philosophy, thường viết tắt là Ph.D). Đó là một phát triển đáng mừng. Thế nhưng có vài dấu hiệu cho thấy động cơ của việc này hình như không phải để đi tìm sự thật khoa học...

...mà chỉ để có cái danh “tiến sĩ” trước tên mình. Một số khác thì vì lí do thăng quan tiến chức nên tìm mọi cách theo học và “lấy cho được” học vị tiến sĩ.

 

Thiết tưởng đây là những ngộ nhận nguy hiểm về học vị tiến sĩ cần phải được giải thông.

 

Nếu TS muốn dấn thân vào quản trị thương trường, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì không nên theo học chương trình tiến sĩ (mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính), bởi vì cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị ĐH khác) là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.

 

Tự đánh giá mình

 

Thật là khó tự đánh giá khả năng của mình, nhưng những đề mục sau đây có thể giúp cho TS tự hỏi và trả lời:

 

Khả năng học vấn. Trong khi theo học chương trình cử nhân, TS  thường hay đạt điểm cao hay thường đứng đầu lớp hay đứng sau cùng trong lớp? Kì thi trung học đạt bao nhiêu điểm? Ở các ĐH Úc, TS  theo học tiến sĩ thường có bằng cử nhân hạng danh dự (honours) hay có bằng thạc sĩ.

 

Thời gian. TS có sẵn sàng giải quyết một dự án nghiên cứu hay một vấn đề khó khăn mà mình chưa bao giờ làm trước đây hay không?  Chương trình học tiến sĩ thường kéo dài nhiều năm với lao động cật lực. TS có sẵn sàng hi sinh và bỏ qua các hoạt động và sinh hoạt thường ngày khác để theo đuổi nghiên cứu khoa học?

 

Sáng tạo. Khám phá trong nghiên cứu khoa học thường xảy ra khi (i) nhà nghiên cứu nghĩ ra một vấn đề mới; hay (ii) nhà nghiên cứu thẩm định một vấn đề cũ bằng một phương pháp mới. Vì thế trước khi theo học tiến sĩ, TS nên tự xét mình có cảm hứng giải quyết vấn đề, đã chuẩn bị cho những kì “nặn óc”, động não và những suy nghĩ trừu tượng, có thích học toán học cao cấp không? 

 

Tính tò mò cao độ. Nghiên cứu đòi hỏi tính tò mò, nghi ngờ, và chất vấn. Có khi nào TS cảm thấy như bị cưỡng bách để tìm hiểu cho được thế giới chung quanh và tìm hiểu sự việc hoạt động hay xảy ra như thế nào?

 

Thích ứng. Kinh nghiệm người viết bài này cho thấy, rất ít TS sẵn sàng chuẩn bị cho chương trình học tiến sĩ. Phần lớn TS cảm thấy  bước vào một thế giới mới, một thế giới mà cái gì cũng có vẻ bất định, và hình như chẳng ai biết được câu trả lời. Vì thế, cần phải tự trả lời mình có khả năng thích ứng với một môi trường như thế, có chịu đựng nổi tình huống mà hành trình đi tìm lời giải đáp cho vấn đề dù không ai biết chắc câu hỏi chính xác là gì hay không?

 

Năng động. Trong chương trình huấn luyện tiến sĩ, TS không có thi cử như thời cử nhân, việc nghiên cứu cũng ít khi được phân chia một cách rành rọt, GS hướng dẫn không phải lúc nào cũng bên cạnh để chỉ bảo từng việc.

 

Cạnh tranh. TS phải chấp nhận cạnh tranh cùng các TS khác, không những tại trường mình đang nghiên cứu, mà còn cạnh tranh với các TS khác trên thế giới.  Cạnh tranh để hoàn tất nghiên cứu trước, để được giải thưởng, để được công bố nghiên cứu trước...Một luận án mà không có một giải thưởng nào hay không có một bài báo nào trên tập san khoa học thế giới là một luận án tầm thường. 

 

Tính chín chắn. So với chương trình cử nhân và thạc sĩ, chương trình tiến sĩ không có cấu trúc chặt chẽ.  TS có tự do để theo đuổi mục tiêu nghiên cứu của mình đề ra, tự do hoạch định việc làm hàng ngày cho chính mình, và tự do theo đuổi các ý tưởng khác (nhưng không thể bỏ qua mục tiêu của mình).

 

Một vài cảnh báo

 

Một số TS theo học tiến sĩ vì những lí do và động cơ sai lầm.  Điều này dẫn đến hiện tượng cảm thấy thất vọng sau một thời gian theo học, vì yêu cầu lớn quá.  Do đó, trước khi dấn thân vào chương trình học tiến sĩ, TS cần phải nhận thức rõ ràng rằng:

 

Học vị tiến sĩ không có nghĩa là sẽ tự động đem lại thanh thế hay uy danh cho cá nhân.  Hầu hết, TS đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu.  Tuy nhiên, phải hiểu rằng khi tốt nghiệp tiến sĩ, mình có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ.  Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, nó chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị.

 

Học vị tiến sĩ không tự động nâng giá trị ý kiến củ TS.  Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ.  Niềm tin này hoàn toàn sai.  Nhiều người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác.  Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.

 

Học vị tiến sĩ không phải là mục tiêu sau cùng trong học hành, nghiên cứu.  Nếu chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không nên theo đuổi học vị tiến sĩ.  Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, TS có cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác. TS sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính mình tiến hành và hoàn tất.

 

Học vị tiến sĩ không bảo đảm sẽ có công ăn việc làm ngay. Có khi ngược lại: tốt nghiệp tiến sĩ có thể khó tìm việc làm hơn cử nhân hay thạc sĩ.  Một số công ty không muốn và không thích mướn những người với văn bằng tiến sĩ cho những việc không dính dáng vào nghiên cứu. Thêm vào đó là một khi nền kinh tế bị suy yếu, tất cả thành viên trong xã hội đều chịu chung số phận. Một số công ty giảm thiểu nghiên cứu trước khi giảm thiểu sản xuất, và tình trạng này có thể là một mối nguy cơ cho những người có văn bằng tiến sĩ. 

 

Học vị tiến sĩ không phải để gây ấn tượng trong gia đình hay bạn bè. Văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội.  Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông/bà “tiến sĩ”.

 

Học vị tiến sĩ không phải là cái cớ để TS thử xem mình thông minh cỡ nào.  Ngoại trừ dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, TS sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”. TS phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.

 

Học vị tiến sĩ không phải để kiếm nhiều tiền.  Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc.  Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu.  Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.

 

Học vị tiến sĩ không có nghĩa là một lựa chọn tốt nhất trong đời. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn.  Có lẽ TS sẽ ngạc nhiên, nhưng đó là một thực tế. Thật vậy, đối với nhiều TS, học vị tiến sĩ có thể là một sự nguyền rủa! TS phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường. TS phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.

 

 

TS Nguyễn Văn Tuấn (Australia)

Theo Vietnamnet