Va quẹt xe nhẹ trên đường, sinh viên sợ hãi khi bị dọa đánh bằng búa

Hoài Nam

(Dân trí) - May mắn không ai bị thương sau vụ va chạm xe nhưng khi đứa con nhỏ òa khóc, ông bố đã lôi búa ra dọa đánh nam sinh viên.

Va quẹt xe nhẹ trên đường, sinh viên sợ hãi khi bị dọa đánh bằng búa - 1

Nữ sinh chia sẻ về tình huống bị chửi té tát sau khi va chạm giao thông (Ảnh: Hoài Nam).

Đó là trải nghiệm được Trung Hiếu, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM kể lại tại tọa đàm "Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông" do báo Tiền Phong tổ chức ngày 24/12.

Lần đó, Hiếu không may bị va chạm với xe của đôi vợ chồng cùng bé nhỏ khoảng 2 tuổi. Cú va chạm nhẹ, không ai bị thương nhưng có thể do quá hoảng loạn, bé nhỏ òa khóc.

Khi thấy con khóc, người bố mất bình tĩnh, lập thức mở cốp xe lấy cây búa hướng về Hiếu đe dọa và định hành hung khiến nam sinh vô cùng sợ hãi.

Nam sinh muốn hỏi thăm nhưng người cha quá nóng tính làm cậu sợ đến mức không thể mở lời. Khi đó, Hiếu phải nhờ người xung quanh hỗ trợ và gọi điện thoại cho gia đình đến giải quyết sự việc.

Một nữ sinh khác cũng kể sự việc mình va chạm giao thông với một nữ "ninja" (trùm kín mặt) trên đường. Cô rối rít xin lỗi nhưng bị người phụ nữ kia chửi xối xả. 

Từ thực tế này, sinh viên nêu ra băn khoăn vì sao giờ đây nhiều người lại hành xử vô cùng hung hãn, đánh người, thậm chí xuống tay giết người bắt nguồn từ va chạm giao thông. 

Có thể kể đến sự việc mới đây một nam thanh niên ở TPHCM bị khởi tố, tạm giam sau khi hành hung cô gái đến bất tỉnh xuất phát từ va chạm giao thông.

Theo clip được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh nam thanh niên này ép cô gái vào góc tường, sau đó đánh liên tục vào đầu cô gái, đập đầu cô gái vào tường mặc cho nạn nhân liên tục gào khóc, kêu cứu. 

Bên cạnh đó có không ít vụ giết người bắt nguồn từ va chạm giao thông.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Đại học Giao thông Vận tải TPHCM chia sẻ, hiện nay nhiều người phải chịu áp lực lớn trong cuộc sống, có người còn thủ sẵn hung khí, sẵn sàng tâm thế hành hung người khác.

Mỗi lần, đặc biệt là giữa đêm khuya, khi phòng công tác sinh viên gọi điện, ông Tuấn rất lo các tình huống tai nạn, rủi ro có thể xảy ra với sinh viên. Sinh viên mặc đồng phục trường, khi va chạm giao thông thường là đối tượng yếu thế, dễ bị tấn công. 

Vị phó hiệu trưởng cho rằng, khi tham gia giao thông ý thức là điều quan trọng nhất, mỗi người cần ứng xử điềm đạm, khiêm tốn mới có thể thoát ra khỏi những tình huống không mong muốn. 

"Giận cá chém thớt" trên đường phố  

Thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TPHCM khuyến cáo, để tránh rơi vào vòng lao lý, khi xảy ra va chạm giao thông, mỗi người không nên quá khích mà cần nhanh chóng thỏa thuận, giải quyết vụ việc và di chuyển phương tiện, đưa người bị nạn đến nơi an toàn.

Đặc biệt, ông Hải nhấn mạnh, không nên vì một phút nóng giận để hối hận cả cuộc đời. Người tham gia giao thông luôn nhớ rằng phải sẵn sàng nhận lỗi nếu sai, bạo lực chỉ khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.

Ông Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM chỉ ra nhiều trường hợp dù xảy ra va chạm giao thông nhỏ nhưng lại dẫn đến hành vi Giết người. Hành vi này có khung hình phạt rất cao, lên đến chung thân hoặc tử hình. Mà lẽ ra, nhiều sự việc có thể giải quyết nhẹ nhàng nếu hai bên biết thông cảm cho nhau.

Va quẹt xe nhẹ trên đường, sinh viên sợ hãi khi bị dọa đánh bằng búa - 2

Các diễn giả tham gia tọa đàm (Ảnh: Phạm Hoài).

Ông Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM chỉ ra nhiều trường hợp dù xảy ra va chạm giao thông nhỏ nhưng lại dẫn đến hành vi Giết người. Hành vi này có khung hình phạt rất cao, lên đến chung thân hoặc tử hình. Mà lẽ ra, nhiều sự việc có thể giải quyết nhẹ nhàng nếu hai bên biết thông cảm cho nhau.

Theo Trung tá, TS Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Đại học An ninh Nhân dân, nhiều vụ va chạm giao thông bắt nguồn từ việc không ít người di chuyển vào đường trống, đường cấm kéo theo nhiều hệ lụy. Giải quyết vấn đề này từ gốc phải bắt đầu từ ý thức của người tham gia giao thông. 

Tuy nhiên, TS Lê Hoàng Việt Lâm cho rằng, có thể xuất phát từ những áp lực tâm lý về chuyện gia đình, công việc, kinh tế, nhiều người dễ nảy sinh tâm trạng "giận cá chém thớt" khi tham gia giao thông. 

Chưa kể, việc thiếu kỹ năng ứng xử trong các tình huống giao thông cũng kéo theo những tình huống không hay. TS Lâm cho rằng, đang có sự xói mòn về văn hóa tham gia giao thông.

Khi xảy ra va chạm, có rất nhiều người cho rằng việc giải quyết kiểu "mạnh thì thắng yếu thì thua" vì vậy cần phải tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi cách suy nghĩ "ứng xử vô văn hóa là cách thể hiện quyền lực" của mình ở trên đường.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức và văn hóa tham gia giao thông, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho hay, TPHCM là siêu đô thị với số lượng dân cư khoảng 10 triệu, số lượng phương tiện tăng nhanh hàng năm.

Thành phố đã có nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình như Metro, hầm chui, mở rộng giao lộ, hệ thống đèn, biển báo giao thông, vạch kẻ đường trước cổng trường, dải phân cách giữa các làn xe… để tăng thêm diện tích đường lưu thông cũng như hạn chế va chạm.

Vì vậy, ông Hải khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để vừa giải tỏa việc quá tải diện tích mặt đường vừa hạn chế tối đa va chạm trên đường.