Ưu tư ngày khai giảng

(Dân trí) - “Đây là buổi khai giảng cuối cùng đối với em vì sau năm học này em sẽ không bao giờ được thưởng thức không khí ngày khai giảng, tiếng trống trường thân thương này nữa” - Nguyễn Thúy Mai, học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Chính, Hà Nội tâm sự.

Mai cho biết, hôm nay đến dự khai giảng em cảm thấy tâm trạng mình không được vui như mấy hôm trước, “có gì đó chống chếnh trong lòng vì sau năm học này em sẽ đi du học không được gặp lại bạn bè, gặp lại những kỷ niệm của thời học sinh…”

 

Cùng tâm trạng Mai, Đào Thanh Tùng cùng lớp với Mai tâm sự: “Đây là lần khai giảng cuối cùng trong đời học sinh, chúng em được nghe tiếng trống trường và nghe các thầy ôn lại truyền thống của nhà trường, nghe những lời dặn dò tâm tình của các cô. Chúng em thật xúc động vì có lẽ khi vào đại học sẽ không có được những kỷ niệm này”.

 

“Em cảm giác ngày hôm nay rất đỗi thiêng liêng vì sau buổi khai giảng này, chúng em phải cố gắng học để tốt nghiệp và thi đại học, năm sau sẽ không còn được hưởng không khí này nữa” - Trần Ngọc Kha, trường THPT Amsterdam tâm sự.

 

“…Các em học sinh thân mến! nhân ngày khai giảng này thầy mong các em chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng bố mẹ và công ơn dạy dỗ của các thầy cô để mai sau trở thành người công dân có ích cho xã hội…” - Đó là tiếng thầy hiệu trưởng vang đều khi phát biểu trong lễ khai giảng mà Mai, Tùng, Kha và nhiều bạn nữa đã đặt một câu hỏi cho chính mình.

 

Mong sao các con học tập tốt!

 

Sáng nay, tại Hà Nội những cơn mưa nặng hạt cũng không làm giảm không khí rộn ràng của ngày khai trường nhất là các em học sinh bước vào lớp 1 - hớn hở được đến trường cùng các bạn, được cầm cờ, cầm hoa, vào lớp học. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đó nhiều bậc phụ huynh tâm trạng lại lo lắng cho việc học của con mình.

 

Chị Phạm Thị Linh, có con vào lớp 1 trường tiểu học Cát Linh tâm sự: “Qua tháng học hè, tôi thấy bây giờ chương trình học của các cháu quá nặng, ít có thời gian vui chơi nên các cháu rất căng thẳng. Khi về nhà các cháu vẫn phải tiếp tục lo làm bài tập”.

 

Còn chị Hà Thị Minh ở phố Giảng Võ cho rằng: “Tôi bây giờ nhiều lúc không giải nổi bài tập cho con vì chương trình học của các cháu rất khác, bài vở rất nhiều kiến thức nên tôi phải cho cháu đi học thêm nhờ cô giáo kèm cặp”.

 

Qua tìm hiểu được biết nhiều phụ huynh ở bậc tiểu học lại rất muốn cho con đi học thêm với lý do nếu không học, các cháu sẽ khó tiếp thu được lượng kiến thức mà các cô giáo truyền đạt trong một tiết dạy theo đúng như giáo án.

 

Không chỉ các phụ huynh ở bậc tiểu học mà các bậc phụ huynh ở bậc THCS, THPT cũng lo lắng. Ông Phạm Duy Lợi, ở Cống Vị, Ba Đình cho biết: “Càng học lên cao, kiến thức càng nặng mà nhiều khi thiết bị của nhà trường không đáp ứng đủ cho phần thực hành của các cháu”.

 

Cũng theo ông Lợi thì cấp học này, các cháu học sinh phải biết tư duy trong cách học và làm bài nên rất cần sự chỉ bảo của các thầy cô.

 

Năm học mới đã bắt đầu, phụ huynh và xã hội đang mong chờ vào những thay đổi của nền giáo dục mà trước khai giảng thay mặt toàn ngành, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã hứa.

 

Hồng Hạnh