Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục
(Dân trí) - Đào tạo nhân lực đáp ứng theo nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp đang là bài toán khó đối với các trường. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi về những định hướng và giải pháp để cải tiến tình trạng bất cập trong cung - cầu nhân lực như hiện nay.
Thưa Phó Thủ tướng, hiện nay mặc dù các doanh nghiệp có nhu cầu rất lớn về nhân lực, nhưng trên thực tế sự tham gia của họ vào công tác đào tạo vẫn còn hạn chế. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Doanh nghiệp đã kinh doanh là muốn thành công, nên cái gì thực sự có ích cho họ thì họ sẽ làm. Thời gian qua doanh nghiệp tham gia vào đào tạo còn ít là bởi rất nhiều đơn vị chỉ dừng ở phương thức sản xuất gia công, nên nhu cầu nhân lực trình độ cao còn ít.
Gần đây khi lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, các doanh nghiệp cần phát triển các sản phẩm mới sâu hơn thì lúc đó xuất hiện nhu cầu nhân lực trình độ cao.
Qua 3 lần hội thảo, chúng ta cũng đã kí được nhiều hợp đồng đào tạo. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm đến việc tham gia công tác đào tạo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn nữa trong công tác đào tạo.
Cụ thể đó sẽ là những chính sách hay biện pháp gì, thưa ông?
Trước mắt đối với cấp địa phương, chúng ta phải tạo cho doanh nghiệp có chỗ đặt hàng. Trước đây thì không có địa chỉ, các doanh nghiệp không thể đi gõ cửa hết tất cả các trường ĐH, CĐ do đó phải có địa chỉ một mối để họ tìm đến đặt hàng.
Bên cạnh đó, chúng ta phải ra những chính sách khuyến khích, chẳng hạn như nếu doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo, bằng cách cho người của họ đi học thì nên tạo các điều kiện thuận lợi cho họ.
Chúng tôi dự kiến sẽ giao cho Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH cùng với Bộ GD-ĐT kiến nghị ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp bỏ tiền đào tạo. Ngoài ra còn khuyến khích các trường, các doanh nghiệp tự thành lập trường dạy nghề của mình.
Theo ông, để đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội và doanh nghiệp, chúng ta cần có chiến lược như thế nào?
Hiện tại thì đã đưa ra chiến lược này rồi. Năm nay chúng ta mở cuộc vận động “nói không” cho các trường ĐH, CĐ nhằm ra soát xem là trường đào tạo có chuẩn hay không. Nhưng bên cạnh cái chuẩn chung, các trường cần tìm hiểu yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp, để xác định đúng được mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội cần.
Về cơ cấu các ngành đào tạo ở bậc ĐH, Bộ GD-ĐT có khái niệm về chương trình khung, đây chính là chuẩn. Nhưng chương trình khung chỉ quyết định 60% thôi, còn 40% trường phải biết thiết kể để phù hợp với tiêu chí của mình. Các trường cần khảo sát xem sinh viên ra trường đi làm, họ suy nghĩ gì về nội dung đào tạo, doanh nghiệp đánh giá như thế nào…
Hiện tại ở ta khâu đào tạo do Bộ GD-ĐT quản lý, còn khâu dự báo nguồn nhân lực lại do Bộ LĐTB&XH đảm nhận, thì liệu có gặp lại tình trạng phân khúc và không liên thông như việc đào tạo TCCN và dạy nghề hiện nay hay không?
Chắc chắn là không thể xảy ra vì chúng ta cũng không nên lập ra hai cái trung tâm, một trung tâm nằm ở Bộ GD-ĐT và một trung tâm nằm bên Bộ LĐTB&XH. Thực tế thì hai Bộ vừa qua cũng có phối hợp để ký một thoả thuận, trong đó có đề cập đến thảo thuận để đảm bảo liên thông đào tạo và thống nhất cái chuẩn.
Chúng tôi thấy có lẽ nên đặt trung tâm dự báo nhu cầu ở Bộ LĐTB&XH nhưng Bộ này phải dự báo từ nhu cầu từ sơ cấp đến ĐH luôn, đế sau này nó đảm bảo tính liên thông.
Thưa Phó Thủ tướng, thay vì ký thoả thuận với Bộ LĐTB&XH thì tại sao chúng ta không sát nhập Tổng Cục dạy nghề vào Bộ GD-ĐT, như thế nó sẽ tạo ra được sự liên thông, nhất quán trong dạy nghề?
Việc để riêng, để chung chúng ta đã bàn cũng khá lâu rồi. Bàn đã lâu nên cần phải chuẩn bị kỹ. Chúng tôi nghĩ trước khi đi đến một quyết định cuối cùng thì cái mà mình phải làm ngay không đợi được đó là ký hợp tác với các doanh nghiệp.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Nguyễn Hùng (ghi)