Ứng xử trong môi trường học đường: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ GDĐT ban hành chính thức có hiệu lực. Nhiều người kỳ vọng đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm xây dựng văn hóa học đường hiệu quả, đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường.

Ứng xử trong môi trường học đường: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu - 1

Bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan đến môi trường học đường. (Ảnh: Quang Vinh)

Từ tháng 10 áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong trường học

Theo TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), hiện nay trong các trường học đều có bảng nội quy, các quy định chung yêu cầu mọi cán bộ giáo viên, học sinh trong trường phải tuân theo. Trong đó, có đề cập đến một số các quy tắc ứng xử của giáo viên, cán bộ nhà trường và học sinh, chưa họăc đề cập rất ít tới cách ứng xử của phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, nhìn từ một số câu chuyện đã xảy ra trong trường học có thể thấy những bộ quy tắc ứng xử chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nhiều hành vi được thực hiện trong trường không tuân theo những bộ quy tắc ứng xử đó.

“Bộ quy tắc ứng xử trong học đường là giá trị để truyền tải đến các giáo viên, cán bộ nhà trường, học sinh với những cách ứng xử khác nhau và những giá trị này không thể truyền tải được qua cá nhân, một bản nội quy hay một môn học nào mà nó phải là một bản thống nhất ở trong nhà trường”-TS Nam khẳng định và hoan nghênh việc Bộ GDĐT đã hoàn thiện một bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực để quy định mọi hành vi được và không được trong môi trường giáo dục dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết, bộ quy tắc này quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan đến môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.

Ví dụ, về ngôn ngữ phải bảo đảm sự thân thiện và phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Đối với thầy cô giáo phải kính trọng. Trang phục của học sinh sạch sẽ và gọn gàng, phù hợp với hoạt động giáo dục mà học sinh tham gia.

Bộ GDĐT sẽ ban hành một bộ quy tắc khung để trên cơ sở đó tất cả các cơ sở giáo dục cụ thể hóa thành những nội dung phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa tại các vùng miền.

Trong quá trình triển khai, các nhà trường sẽ nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi đối với tất cả các chủ thể liên quan và được sự đồng thuận của đa số. Đến tháng 10/2019, tất cả các cơ sở giáo dục phải hình thành và đưa vào thực tiễn bộ quy tắc ứng xử trong trường học.

Ứng xử trong môi trường học đường: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu - 2

Người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục. (Ảnh: Quang Vinh)

Nhân lên những hành vi đẹp

Về quy định cụ thể, cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục. Người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục. Cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.

Trong các cơ sở giáo dục, không sử dụng trang phục gây phản cảm; không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.

Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.

Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

Ngoài các quy định chung, bộ quy tắc ứng xử cũng quy định cụ thể hành vi, ngôn ngữ của mỗi chủ thể trong môi trường giáo dục. Chẳng hạn, với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT đưa ra yêu cầu khi ứng xử với người học, với giáo viên, nhân viên, với cha mẹ người học và khách đến cơ sở giáo dục...

Với giáo viên, trong ứng xử với người học phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học.

Với phụ huynh học sinh, lần đầu tiên có một bộ quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục đề cập cụ thể đến ngôn ngữ, thái độ của cha mẹ học sinh. Đó là phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương; không xúc phạm, bạo lực với người học.

Cha mẹ học sinh phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Với người học, bộ quy tắc ứng xử quy định khi ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trả lời câu hỏi về việc cần có chế tài như thế nào để thông tư đạt hiệu quả trong thực tiễn triển khai, ông Bùi Văn Linh cho rằng, trong thông tư hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học không đặt nặng đến các chế tài. Tuy nhiên, điều đó đã được quy định cụ thể trong các văn bản khác, ví dụ: điều lệ, quy chế hoạt động của nhà trường và các điều chỉnh hành vi của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc thực hiện bộ quy tắc ứng xử cũng sẽ được đưa vào tiêu chí thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân trong nhà trường để khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, việc đưa bộ quy tắc ứng xử trong trường học vào thực tiễn thời điểm này là cần thiết sau hàng loạt các sự việc xảy ra trong môi trường học đường với các hành vi lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa của một số cán bộ quản lý, giáo viên và cả cha mẹ học sinh. Dù không đưa ra chế tài xử lý cụ thể nhưng khi đã quy định việc nào được làm, việc nào không được làm thì mọi người sẽ có chuẩn mực để tuân theo.

“Vấn đề bây giờ là cần tuyên truyền, hiểu biết pháp luật, hiểu rõ các nội dung của quy tắc ứng xử đối với cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh và cả cha mẹ học sinh thông qua các giờ sinh họat toàn trường, tiết giáo dục công dân, đạo đức, các thông báo bằng văn bản, email...tới phụ huynh trong các cuộc họp đầu năm” - TS Lâm nêu vấn đề và đề xuất có thể thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh để phổ biến tới tất cả các phụ huynh bộ quy tắc này. Còn các lực lượng giáo dục trong nhà trường đều có những ràng buộc, quy định khác nên sẽ dễ phổ biến hơn.

Theo Thu Hương

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm