Ứng tuyển tiến sĩ chất lượng cao tại Pháp: "Tự tin nhưng cũng phải khiêm tốn"
(Dân trí) - Người học phải mất tối thiểu 3 năm để hoàn thành bằng Tiến sĩ. Thời gian học cụ thể của chương trình đào tạo Tiến sĩ phụ thuộc vào đề tài nghiên cứu mà nghiên cứu sinh lựa chọn và các phương pháp nghiên cứu mà các nghiên cứu sinh được phép thông qua...
Người học phải mất tối thiểu 3 năm để hoàn thành bằng Tiến sĩ. Thời gian học cụ thể của chương trình đào tạo Tiến sĩ phụ thuộc vào đề tài nghiên cứu mà nghiên cứu sinh lựa chọn và các phương pháp nghiên cứu mà các nghiên cứu sinh được phép thông qua.
Ứng viên cho các chương trình đào tạo tiến sĩ tại Pháp chỉ đáp ứng yêu cầu khi đã sở hữu tấm bằng thạc sĩ hay trình độ tương đương. Thông thường, một khóa học tiến sĩ tại đây sẽ kéo dài từ 3 đến 8 năm để hoàn thành, phụ thuộc vào đề tài nghiên cứu mà nghiên cứu sinh đã lựa chọn.
Trong quá trình đào tạo, chương trình học có thể gồm một số môn học khó, nâng cao và nghiên cứu độc lập của người học mà kết quả cuối cùng sẽ được thể hiện trong luận văn nghiên cứu khoa học. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh sẽ kết thúc chương trình học và được cấp bằng tiến sĩ của Pháp.
Sinh viên quốc tế cũng như các du học sinh Việt Nam không quá khó để có thể tìm kiếm cho mình một cơ hội theo học tại các chương trình đào tạo tiến sĩ chất lượng cao tại Pháp.
Những gợi ý, hướng dẫn về cách tìm kiếm chương trình, thể hiện bản thân ra sao trong hồ sơ ứng tuyển, những chú ý khi làm CV và viết thư động lực...đã được các cựu nghiên cứu sinh tại Pháp chia sẻ trong buổi hội thảo "Học bổng tiến sĩ và thạc sĩ tại Pháp" do Campus France Việt Nam tổ chức vào ngày 27/1 tại Hà Nội.
Tìm đề tài nghiên cứu: “Chủ động để cứu chính mình”
Bằng kinh nghiệm nhiều năm theo học tiến sĩ tại Pháp, diễn giả Nguyễn Đăng Hanh (giảng viên ĐH Giao thông vận tải và đồng thời đang giảng dạy tại trường ESITIC Caen, Pháp) đã có những chia sẻ: “Pháp có một số trang giúp sinh viên tìm thực tập cũng như tìm đề tài tiến sĩ hoặc một số trang của hội các trường đại học có ngành mà mình đang nghiên cứu.
Giả dụ như với những bạn theo ngành xây dựng dân dụng có thể tham khảo một số trang của hội các trường đại học xây dựng như Augc. Tại đây, các giáo sư sẽ đăng tải lên những đề tài tiến sĩ để tìm học viên.
Tương tự như với các ngành khác cũng sẽ có nhưng trang như vậy. Qua đó, các bạn có thể tìm kiếm cho mình những đề tài tiến sĩ phù hợp cũng như có cơ hội để giao lưu với những người trong ngành".
Đưa ra những lời khuyên tìm thực tập và đề tài nghiên cứu cho các bạn trẻ có ý định theo học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp, anh Nguyễn Đăng Hanh nhấn mạnh vào sự chủ động của một sinh viên. Chủ động chính là để cứu bản thân mình.
Diễn giả này nhấn mạnh: “Trong quá trình học bậc Master (thạc sĩ), bỗng nhiên bạn nảy ra một ý tưởng, một đề tài nghiên cứu thì đừng ngần ngại mà hãy chủ động đề xuất cũng như chuẩn bị, xây dựng hồ sơ của mình để gửi cho vị giáo sư đó.
Đề xuất những hướng đi cụ thể, chương trình hành động của mình thì đề tài nghiên cứu của bạn hoàn toàn có cơ hội được chấp nhận".
Cách thể hiện bản thân trong hồ sơ ứng tuyển tiến sĩ
Nói về kinh nghiệm thể hiện bản thân trong hồ sơ ứng tuyển chương trình bậc học tiến sĩ tại Pháp, anh Hanh đưa ra lời khuyên: Ngoài những hồ sơ cơ bản như CV và thư động lực, thì các bạn có thể làm thêm một bản power point. Trong đó, giới thiệu về bản thân, giới thiệu về quá trình học tập và quan trọng là giới thiệu những vấn đề tổng quan về đề tài mình muốn nghiên cứu. Ví dụ như hiện nay trên thế giới vấn đề đó đang diễn ra, có ảnh hưởng như thế nào và có thể đưa ra hướng giải quyết, xử lý của mình.
Ngoài ra, trong bản power point, các bạn nên trình bày thêm các định hướng, mục tiêu dài hạn, ngắn hạn của bản thân trong suốt quá trình thực tập hoặc học tiến sĩ. Mình phải thể hiện cho người ta thấy là mình đang thực sự rất quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho đề tài ấy.
"Bên cạnh đó, một gợi ý nữa cho các bạn để tạo điểm nhấn cho hồ sơ xin học tiến sĩ của mình, đó là hãy chỉ ra những điểm mạnh của bản thân để thuyết phục họ hay là nêu lên những lý do tại sao lại chọn tôi chứ không phải những người khác.
Với hàng nghìn hồ sơ xin học tiến sĩ như vậy, mà hồ sơ của các bạn có thể tạo nên được sự khác biệt thì chắc chắn bạn sẽ là người thắng”, cựu sinh viên Pháp lưu ý.
Một số chú ý khi làm CV và viết thư động lực
Diễn giả Quản Thùy Dương (cựu sinh viên Đại học Paris Sud và Institut Golden Collar, Pháp) chia sẻ: “Với mình, việc đăng ký nộp hồ sơ tại Pháp cũng không phải quá khó khăn gì. Lúc đó thì mình chuẩn bị theo những gì mà mình có thôi.
Mình có lên mạng để tìm hiểu cách viết thư động lực cho trau chuốt một chút nhưng mình thấy từ ngữ hoa mỹ quá nên mình đã sửa lại hoàn toàn bằng văn phạm của mình theo cách đơn giản như một người nước ngoài nói về ước mơ của mình chứ không phải như một người Pháp sử dụng từ ngữ hoa mỹ quá. Và mình nghĩ là vì chính sự mộc mạc và sự thành thật mà mình đã được nhận vào Paris Sud".
Ngoài những yêu cầu cần thiết của một bản CV và thư động lực, các diễn giả luôn nhấn mạnh vào tính chân thật của CV. Phải tránh trường hợp gây cảm giác cho người xem thấy rằng mình đang mất quá nhiều thời gian vào CV trong khi thực tế bản thân mình thì không phong phú được như vậy.
Chẳng hạn một người đăng ký học Master thì không phải một người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc hàng chục năm nên CV đơn giản là chuyện bình thường. Tự tin nhưng cũng phải biết khiêm tốn.
Hồng Nhung