Lựa chọn chương trình đào tạo thạc sĩ tại Pháp có gì đáng lưu ý?

(Dân trí) - Pháp có khoảng 36.000 chương trình đào tạo thạc sĩ với khoảng 227 trường kĩ sư, hơn 200 trường thương mại và 73 trường đại học tổng hợp (trong đó có 4 trường về công giáo là trường tư và 69 trường còn lại là trường đại học tổng hợp công lập).

Hầu hết các trường đại học Pháp đều đào tạo bậc thạc sĩ với nhiều chuyên ngành rất đa dạng và chuyên sâu. Do đó, sinh viên quốc tế cũng như các du học sinh Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội để theo học thạc sĩ tại đất nước hình lục lăng này.

Những thông tin bổ ích về chương trình đào tạo thạc sĩ tại Pháp cũng như kinh nghiệm trong quá trình học tập, làm hồ sơ đã được các diễn giả và các cựu du học sinh chia sẻ trong sự kiện “Học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Pháp” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27/1 vừa qua.

Các khách mời tại buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp
Các khách mời tại buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm học thạc sĩ và tiến sĩ tại Pháp

Điểm khác biệt giữa thạc sĩ chuyên ngành và thạc sĩ nghiên cứu

Chương trình học thạc sĩ tại Pháp gồm 2 năm, được chia thành M1 (Master 1) và M2 (Master 2). Vào năm cuối cùng của bậc đại học, sinh viên sẽ tiếp tục lựa chọn học nâng cao hơn về một chuyên ngành nào đó cho chương trình thạc sĩ. Trong đó, với Master 1, sinh viên sẽ được học tổng quan về chuyên ngành mà mình đã lựa chọn và lộ trình của M1 thường kéo dài khoảng từ 7 đến 8 tháng. Sau khi hoàn thành chương trình M1, sinh viên sẽ tiếp tục được đăng ký học tiếp M2 cùng chuyên ngành đó để nghiên cứu chuyên sâu hơn trong vòng khoảng 6 tháng.

Sau khi hoàn thành xong chương trình bậc cử nhân để tiếp tục bậc cao học, sinh viên có thể lựa chọn giữa hai loại hình đào tạo: thạc sĩ chuyên ngành và thạc sĩ nghiên cứu.

Đối với những ai muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và muốn tiếp tục học lên tiến sĩ thì sẽ nên lựa chọn theo hướng thạc sĩ nghiên cứu. Bên cạnh kết quả học tập ở bậc cử nhân, đề tài luận văn tốt nghiệp của sinh viên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Do đó khi đi theo hướng này, sinh viên nên lựa chọn cho mình một đề tài luận văn phù hợp với định hướng nghiên cứu của mình.

Bên cạnh đó, thạc sĩ chuyên ngành sẽ dành cho những người muốn học chuyên sâu hơn để đi làm trong các công ty, đơn vị ngay sau khi tốt nghiệp. Chính vì thế với loại hình đào tạo này, một kết quả học tập tốt là chưa đủ, bạn cần phải có thật nhiều kinh nghiệm làm việc thực tiễn. Đó sẽ là một điểm cộng rất lớn trong việc xét tuyển hồ sơ vào các trường.

Theo diễn giả Mỹ Linh (cựu du học sinh tại Pháp, tốt nghiệp đại học Montepellier), đến năm thứ hai bậc thạc sĩ, sinh viên có thể lựa chọn 2 loại hình học tập hoặc học 100% tại lớp hoặc vừa đi học vừa đi làm và hàng tháng công ty sẽ hỗ trợ một khoản tiền nhất định cho sinh viên đó.

Diễn giả Mỹ Linh (trái) - tốt nghiệp đại học Montepellier, Pháp.
Diễn giả Mỹ Linh (trái) - tốt nghiệp đại học Montepellier, Pháp.

Tìm thực tập: chủ động là chìa khóa mở cánh cửa cơ hội

Đối với những sinh viên lựa chọn hướng đào tạo theo thạc sĩ chuyên ngành thì kinh nghiệm làm việc được coi là một trong những yếu tố quyết định đến việc trúng tuyển vào các trường. Tuy nhiên, cơ hội thì ít nhưng người muốn được thực tập thì lại rất nhiều. Do đó, sinh viên luôn luôn phải chủ động tìm kiếm, không nên để “nước đến chân mới nhảy”.

Diễn giả Quản Thùy Dương (cựu sinh viên đại học Paris Sud và Institut Golden Collar) chia sẻ : “Trong năm cuối đại học thì mình chọn ở lại Pháp và việc lựa chọn thực tập của mình hoàn toàn không khó vì bản thân ngôi trường mà mình đang theo học đã có tiếng rồi nên các công ty họ sẽ đến để tổ chức hội thảo và tự giới thiệu về công ty. Lúc đó, việc của mình chỉ là in ra nhiều CV, chọn lọc thông tin để xem công ty nào phù hợp với mình và gửi hồ sơ”.

Điều đó không có nghĩa là những sinh viên không theo học tại các trường lớn/ có tiếng thì sẽ có ít cơ hội để tìm thực tập. Chị Thùy Dương đưa ra lời khuyên: “Các bạn có thể đến trực tiếp các trường lớn khác tham dự hội thảo bên đó của họ để mở rộng cơ hội cho mình hơn trong việc tìm kiếm thực tập.

Tất nhiên với những sinh viên tại các trường danh tiếng sẽ có một chút ưu ái hơn. Nhưng điều đó hoàn toàn không đáng lo ngại bởi kiến thức của bạn, những điều mà bạn thể hiện trong hồ sơ của mình cũng như trong buổi phỏng vấn mới là yếu tố quyết định".

Diễn giả Quản Thùy Dương - cựu sinh viên đại học Paris Sud và Institut Golden Collar, Pháp.
Diễn giả Quản Thùy Dương - cựu sinh viên đại học Paris Sud và Institut Golden Collar, Pháp.

Đồng tình với quan điểm đó, cựu du học sinh Pháp - Mỹ Linh cũng cho rằng: “Nếu bạn không may mắn được học tại các trường lớn, thì bạn phải cố gắng hơn một chút. Các bạn có thể tìm kiếm cơ hội thực tập trên một số trang mạng như là Monster.fr hoặc Linkedin. Với những bạn học Master bằng tiếng Anh thì mình khuyên là nên học một chút tiếng Pháp để thuận tiện hơn cho việc giao lưu với đồng nghiệp”.

Nói về quá trình xin thực tập, diễn giả Nguyễn Đăng Hanh (cựu nghiên cứu sinh tại Pháp, đồng thời đang là giảng viên ĐH Giao thông vận tải và ESITIC Caen Pháp) nhấn mạnh, trong quá trình xin thực tập, sinh viên cần phải cực kì kiên nhẫn và hồ sơ xin thực tập phải được chuẩn bị đầy đủ, chỉn chu.

Anh Hanh chia sẻ thêm: “Rải CV ở nhiều công ty cũng là một cách giúp tìm kiếm nơi thực tập nhanh hơn. Thế nhưng rải hàng loạt CV cùng một lúc lại không phải là cách hay, chúng ta nên rải CV một cách khoa học.

Bạn phải xem xem cái ngành học bạn đang hướng tới là gì và chỉ lựa chọn khoảng 5 công ty để rải CV mỗi đợt thôi. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta kiểm soát được tình hình tốt hơn bởi khi ứng tuyển vào bất cứ một ví trí nào, một công ty nào thì việc đầu tiên bạn cần phải làm đó là nắm rõ những hiểu biết cơ bản về công ty đó, công ty có sản phẩm đặc trưng là gì hoặc điểm mạnh nào của mình phù hợp với vị trí của công ty đó.

Có trường hợp, người tuyển dụng sẽ gọi điện thoại cho bạn và họ có thể phỏng vấn trực tiếp ngay lúc đó luôn chứ không cần chờ đến khi phỏng vấn trực tiếp nữa. Vậy thì lúc đó, bạn đâu còn thời gian để tìm kiếm thông tin".

Diễn giả Nguyễn Đăng Hanh (giảng viên ĐH Giao thông vận tải và ESITIC Caen Pháp) - cựu nghiên cứu sinh tại Pháp.
Diễn giả Nguyễn Đăng Hanh (giảng viên ĐH Giao thông vận tải và ESITIC Caen Pháp) - cựu nghiên cứu sinh tại Pháp.

Chương trình đào tạo thạc sĩ tại Pháp

Pháp có khoảng 36.000 chương trình đào tạo với 200 trường kĩ sư, hơn 200 trường thương mại và 73 trường đại học tổng hợp (trong đó có 4 trường về công giáo là trường tư và 69 trường còn lại là trường đại học tổng hợp công lập).

Mỗi trường đại học của Pháp sẽ có một mục đích đào tạo khác nhau. Đối với các bạn muốn theo học tại các trường đại học tổng hợp thì có thể lựa chọn hướng theo cử nhân 3 năm, thạc sĩ 2 năm và tiến sĩ 3 năm. Đối với các trường chuyên ngành thường sẽ theo hệ 5 năm trong đó 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sĩ.

Khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được cấp bằng của trường có giá trị tương đương bằng thạc sĩ và hoàn toàn có thể tiếp tục học lên tiến sĩ. Ngoài ra còn rất nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh, thường dạy trong các trường tổng hợp và trường chuyên ngành.

Hồng Nhung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm