Ứng dụng công nghệ để phát triển giáo dục tại Việt Nam
Trong cuộc thi lập trình Edtech Asia Hackathon vừa qua, các kỹ sư trẻ của Việt Nam đã xuất sắc tạo ra những sản phẩm công nghệ sáng tạo hiện đại, mới lạ, nhằm đưa giáo dục phát triển hơn nữa trong tương lai.
Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Edtech Asia Hackathon được tài trợ bởi hai ông lớn về công nghệ là Facebook và Google. Chỉ sau 48 giờ thi đấu căng thẳng, 19 đội chơi đã cho ra mắt rất nhiều ứng dụng sáng tạo liên quan đến các chủ đề như: Voice recognition, Real-time white board, Keystroke pattern, Drone, API, Oculus, Second-life,...
Royal Class - Ứng dụng Face recognition vào quản lý lớp học
Đây là một sản phẩm của nhóm sinh viên trẻ đến từ Học viện công nghệ bưu chính viễn thông Hà Nội. Nhóm gồm 4 thành viên: Nguyễn Đức Mạnh, Trần Hữu Hòa, Phí Mạnh Kiên, Nguyễn Đình Giang.
Nhóm phát triển ý tưởng từ việc nhận thấy điểm yếu của hệ thống quản lí hồ sơ học sinh, sinh viên hiện nay chỉ sử dụng chữ và số, việc tìm kiếm cũng như đối chiếu thông tin còn khá khó khăn, mất nhiều thời gian. Bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt Face recognition, Royal Class cho phép điểm danh tự động khi đưa camera vào lớp học, cung cấp thông tin chi tiết về từng học sinh đó dưới dạng bảng kê. Tính năng nhận diện khuôn mặt này giúp giảm thiểu thời gian tra cứu, hạn chế tối đa việc học hộ, thi hộ. Mỗi lần có thể điểm danh tự động từ 50 - 80 học sinh, đáp ứng hiện trạng của các lớp đại học hiện nay.
Trong khuôn khổ giới hạn thời gian của cuộc thi, Royal Class đang sử dụng API của một bên cung cấp thứ ba. Trong tương lai, nhóm sẽ phát triển để xây dựng server riêng, tăng tốc độ xử lí dữ liệu, hoàn thiện các tính năng liên kết như gửi thông báo kết quả học tập, gợi ý bài giảng cho giảng viên dựa trên kết quả học tập của sinh viên.
Interested Course Recommendation - Ứng dụng Collaborative filtering trong gợi ý khóa học được ưa thích
Sản phẩm này được xây dựng bởi 4 thành viên của đội HCVT: Phạm Quang Chiến, Nguyễn Duy Tùng, Cao Thanh Hà, Bạch Hoàng Vinh - sử dụng bộ máy Tessorflow, Scikit learn và Colloborative filtering RNNs phân tích thị hiếu người dùng để giúp người học lựa chọn các khóa học phù hợp với bản thân.
Khác biệt với các ứng dụng gợi ý khóa học hiện tại chỉ sử dụng đánh giá (rate) bằng thang điểm tuyệt đối (5 star base), phương pháp mới của các kỹ sư trẻ cải thiện vấn đề điểm đánh giá không có mức độ phân biệt cao hơn và còn phụ thuộc vào cảm xúc hiện thời của người dùng là khá lớn.
HCVT với sản phẩm gợi ý khóa học được yêu thích Interested Course Recommendation.
Học online đang dần trở thành xu hướng toàn cầu. Với những chuyển biến về công nghệ, nhóm HCVT rất hy vọng sản phẩm Interested Course Recommendation sẽ giúp học viên tìm được những khóa học đúng với nhu cầu của mình, góp phần nâng cao hiệu quả học online.
Classroom online - Ứng dụng Real-time white board trong lớp học trực tuyến với bảng tương tác
Hình thức học viên xem giáo viên giảng bài qua video, đọc tài liệu và làm bài trắc nhiệm một phần làm giảm sự tương tác giữa giảng viên và học sinh. Nắm bắt được thực trạng đó, đội Metro với hai thành viên Lê Hoàng Lương và Trịnh Thế Thành, đã xây dựng lớp học trực tuyến (Classroom online) với các thành phần:
- Bảng viết online: Đây là chức năng lấy cảm hứng từ lớp học truyền thống. Giáo viên truyền đạt qua lời giảng và những ghi chú, giải thích lên giao diện bảng. Đồng thời bảng viết cũng là công cụ giúp giáo viên kiểm tra kiến thức học viên bằng việc yêu cầu học viên chữa bài, làm bài ngay trong giờ học.
- Hệ thống video trực tuyến: Sử dụng Stream video P2P hai chiều chiều. Đây là công cụ quen thuộc với học trực tuyến E-learning. Video được cung cấp hai chiều, không chỉ học viên theo dõi thầy mà cả thầy cũng có thể quan sát từng học viên nhằm đánh giá sự tập trung của học viên.
- Hệ thống chat room cho phép trao đổi thông tin giữa các học viên với giảng viên trong lớp.
Thao tác với bảng được thực hiện bằng chuột với máy tính, và đặc biệt dễ dàng với tablet, phablet.
Chỉ với hai thành viên, Metro team vẫn hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.
Ngoài ra, còn rất nhiều những ý tưởng mới lạ, độc đáo khác đã được giới thiệu trong cuộc thi. Hy vọng với những sản phẩm sáng tạo hiện đại của các kỹ sư trẻ hiện nay, nền giáo dục Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa và hội nhập với làn sóng công nghệ toàn cầu.
Edtech Asia Hackathon 2016 là cuộc thi lập trình công nghệ trong lĩnh vực giáo dục lớn nhất Đông Nam Á do Topica và Edtech Asia đồng tổ chức. Chương trình được tài trợ bởi Facebook và Google; đồng hành tổ chức và truyền thông gồm có Up, Topdev, vLance, FreelancerViet, Appota, Chimkudo. Website: http://hackathon.topica.asia/ |