Ung dung có việc trước khi ra trường
Chọn và học tại một trường đại học tốt, theo đuổi đam mê, nhanh nhạy trong công việc, nhiều tân kỹ sư, cử nhân đã tìm được cho mình những công việc tốt, với mức lương cao, trải nghiệm sống phong phú.
Thành thạo tiếng Anh, giỏi tiếng Nhật, thường xuyên được ra nước ngoài làm việc theo nhiều đợt công tác ngắn hay dài hạn; lương tháng trên chục triệu đồng, liên tục bận bịu với những dự án nước ngoài… là những “phác họa” cuộc sống của Nguyễn Tùng Lâm - cựu SV ĐH FPT. Lâm hiện đang làm kỹ sư phần mềm tại Hà Nội. Con đường sự nghiệp trước mắt cậu mới chỉ đang bắt đầu.
Lâm chia sẻ, năm 2010, trước khi ra trường gần một năm, cậu đã được tuyển chọn vào làm việc tại công ty phần mềm nổi tiếng ở Hà Nội. Sở dĩ được như vậy là vì Lâm đã làm được việc ngay từ khi đi thực tập.
Tự tin, chăm chỉ, tạo được ấn tượng với đồng nghiệp và ngoại ngữ tốt, Lâm lần lượt được đề cử đi làm dự án ở Singapore, Nhật Bản, Malaysia… ở nhiều vị trí khác nhau, từ lập trình viên rồi lên trưởng nhóm công nghệ. Cơ duyên với những miền đất mang đến cho Lâm biết bao trải nghiệm, thử thách và cả những quả ngọt của nghề.
Mới đây, trong một dự án khá quan trọng với đối tác là một công ty đa quốc gia, Tùng Lâm và nhóm cộng sự đã được đích thân CEO của công ty này khen ngợi vì hoàn thành xuất sắc công việc.
Chia sẻ về bí quyết để đạt được những thành công ban đầu ấy, Tùng Lâm cho rằng, không gì bằng làm việc với niềm đam mê, yêu thích và “không ngừng trau dồi bản thân để không bị bỏ lại phía sau”.
Tất nhiên, để theo đuổi đam mê, người ta còn cần đổ ra rất nhiều công sức học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Những điều này, Lâm cho rằng mình rất may mắn đã sớm tích lũy được phần nào từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
“Hồi đại học, mình được lợi thế lớn nhất là về ngoại ngữ: Học chuyên ngành bằng tiếng Anh, thường xuyên sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, trao đổi với giảng viên và bạn bè… Bên cạnh đó, mình được học các kiến thức về lập trình khá bài bản, được thực hành dự án từ khá sớm, được “làm thật”, thử thách thật khi đi thực tập… Đặc biệt trong một môi trường học tập cởi mở, năng động, khuyến khích thể hiện bản thân nên sinh viên như mình rất tự tin khi ra trường. Tự tin chính là một yếu tố không kém phần quan trọng cho bất cứ ai bắt đầu đi làm” - Lâm nói.
“Theo mình khó khăn lớn nhất của người trẻ mới ra trường đi làm là kinh nghiệm và sự tin tưởng của người quản lý. Bởi vậy, định hướng rõ ràng, nỗ lực bản thân và chuẩn bị sớm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là hết sức cần thiết để con đường sự nghiệp của bạn bằng phẳng hơn” - Lâm đưa ra lời khuyên.
Trần Thu Thủy, hiện là copywriter cho một công ty truyền thông lớn ở Hà Nội cũng có cùng quan điểm ấy. Mới ra trường, nhưng Thủy đã có kinh nghiệm 2 năm làm việc trong ngành truyền thông, là một cây bút văn hóa - ẩm thực quen thuộc với nhiều tờ báo. Gần đây Thủy chia sẻ cô khá bận rộn vì “vướng” nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị, lại vừa lo làm việc với một nhà xuất bản muốn “đặt hàng” sách tản văn, blog do cô viết.
“Khách hàng hay ngạc nhiên khi biết tuổi đời và tuổi nghề của mình. Còn mình thì chỉ cười thôi. Kiến thức, trải nghiệm, vốn sống đâu phải chỉ có được nhờ sách vở” - cô nói.
Thủy cho biết, cô đã biết đến và chuẩn bị cho nghề copywriter từ khá sớm. Suốt năm nhất đại học, Thủy đã đọc, đã học, và hỏi nhiều người về copywriter, bất cứ khi nào có thể. Cô khởi động những “chiến dịch” truyền thông của riêng mình: Kinh doanh với bạn bè, hỗ trợ các tổ chức tình nguyện mà cô tham gia, đi học các khóa học bổ trợ cho nghề. Đồng thời, cô cũng chú tâm vào viết lách, viết blog, cộng tác với các báo và tạp chí… Cuối năm thứ 2 đại học, Thủy đã tìm được một việc làm thêm như mong muốn, dù lương thấp, và áp lực vì vừa học, vừa làm, nhưng cô vẫn kiên trì theo đuổi. Lúc bước vào thời gian thực tập ở năm thứ 3 và năm thứ 4, thì Thủy đã tự tin vào công việc. Sếp hài lòng, các anh chị ở công ty cũng rất ưng cô sinh viên năng động, hoạt bát… nên việc Thủy được chào đón vào công ty chẳng có gì lạ.
“Học những gì cần thiết với mình, không dựa dẫm duy nhất vào tấm bằng cử nhân, nỗ lực tìm kiếm cơ hội và tự tạo cơ hội, là những gì mình làm. Nhiều bạn trẻ cho rằng cứ học đã, ra trường rồi tính… sẽ rất hụt hẫng khi rơi vào thực tế “phải tính” thật” - Thủy chia sẻ.
Với những người trẻ như Thủy, như Tùng Lâm, áp lực việc làm sau khi ra trường là không đáng kể. Bởi được chuẩn bị tốt từ giai đoạn học đại học, luôn sẵn tâm thế chủ động, nên họ ung dung chờ đợi chứ không e ngại. Và thực tế, ai cũng có thể tạo được cho mình tâm thế ấy, bạn hãy thử xem!