Tỷ lệ “chọi” vào ĐH Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội, GTVT

(Dân trí) - Số lượng hồ sơ ĐKDT vào 3 trường ĐH trên đều tăng hơn so với năm trước một chút. Do vậy, tỷ lệ “chọi” vào những trường này năm nay cũng tăng nhẹ. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đến dự thi so với số thí sinh ĐKDT thường chỉ đạt 60 - 70%.

Tỷ lệ “chọi” vào ĐH Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội, GTVT
Hàng năm số lượng thí sinh đến dự thi chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với số ĐKDT.
 
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tổng hồ sơ năm nay nhận được 19.000 bộ, chỉ tiêu của trường là 5.200 đại học theo 44 ngành học, chia thành 7 nhóm ngành. Do đó, tỷ lệ “chọi” dự kiến khoảng 1/3,6. Ông Hoàng Minh Sơn, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, hàng năm số thí sinh đến dự thi đạt khoảng 65% so với số đăng ký dự thi. Ngành có số lượng thí sinh dự thi đông nhất là nhóm 1: Cơ khí, cơ điện tử và Nhiệt lạnh, nhóm 2: Điện - Điện tử - CNTT - Toán tin.

Năm nay trường ĐH Bách khoa xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển xác định cho mỗi nhóm ngành và khối thi. Trường áp dụng phương thức xét tuyển linh hoạt, thí sinh không đạt điểm chuẩn vào nhóm ngành đăng ký dự thi sẽ được xét chuyển sang một nhóm ngành khác theo nguyện vọng đăng ký bổ sung. Cuối năm học thứ nhất, sinh viên sẽ có điều kiện tìm hiểu kỹ và lựa chọn đăng ký ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển. Nhà trường xếp ngành cho nhóm ngành 1-3 dựa trên kết quả học tập năm thứ nhất, riêng các nhóm 4-7 hoàn toàn theo nguyện vọng đăng ký của sinh viên.

Trường ĐH Giao thông Vận tải, năm nay nhận được 17.799 hồ sơ, chỉ tiêu vào trường là 5.000 sinh viên, trong đó, tại cơ sở chính Hà Nội chỉ tiêu là: 3.500 sinh viên; Tại cơ sở II TPHCM, chỉ tiêu là 1.500 sinh viên. Như vậy, tỷ lệ “chọi” dự kiến vào trường là 1/3,5. Ông Nguyễn Thanh Chương, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, hàng năm số thí sinh đến dự thi so với số ĐKDT đạt 70%.

Được biết, năm nay Trường ĐH Giao thông vận tải xác định điểm trúng tuyển chung đối với từng cơ sở đào tạo tại Hà Nội (GHA) và tại TPHCM (GSA). Sau khi sinh viên trúng tuyển vào trường sẽ được đăng ký chuyên ngành đào tạo. Sinh viên được vào học theo các chuyên ngành căn cứ vào kết quả thi tuyển sinh, nguyện vọng đăng ký của thí sinh và chỉ tiêu của từng chuyên ngành. Trường hợp thí sinh đã trúng tuyển vào trường nhưng không đúng chuyên ngành theo nguyện vọng đã đăng ký sẽ được đăng ký vào các chuyên ngành khác.

Trường ĐH Ngoại thương, khu vực phía Bắc năm nay nhận được 10.400 bộ, chỉ tiêu là 2.500; khu vực phía Nam là 3.500 bộ, chỉ tiêu 900. Như vậy, tỷ lệ “chọi” khu vực phía Bắc dự kiến khoảng 1/ 4,16; Tỷ lệ “chọi” khu vực phía Nam là 1/3,88. Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, số lượng hồ sơ ĐKDT đông nhất là khối ngành Kinh tế, đặc biệt là ngành Kinh tế đối ngoại.

Điểm trúng tuyển của trường xác định theo từng chuyên ngành ĐKDT kết hợp với điểm sàn xét tuyển vào trường theo từng khối thi. Nếu thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo mã chuyên ngành ĐKDT ban đầu thì không cần phải đăng kí xếp ngành và chuyên ngành học.

Nếu thí sinh không đủ điểm trúng tuyển vào chuyên ngành ĐKDT ban đầu nhưng đạt điểm sàn xét tuyển của trường thì được đăng ký xét tuyển sang các chuyên ngành còn chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển vào các ngành ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nhật và các ngành học tại cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm