Tuyển trái tuyến tiểu học để “đối ngoại”

Dù mới đang giai đoạn ôn tập hè, nhưng giờ tan học cổng trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) luôn đông nghịt phụ huynh đi xe máy đắt tiền, thậm chí cả ôtô. Tỷ lệ học sinh trái tuyến của trường gần 50%, chủ yếu là suất "đối ngoại". Trong khi đó, nhiều trường lại sắp đóng cửa vì vắng học sinh.

Đứng chờ cháu trong sân trường tiểu học Kim Liên, ông Thanh ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên cho biết: "Gần nhà cũng có trường học, nhưng chỉ vì ngõ hẹp đi lại không thuận lợi nên gia đình quyết định cho cháu học ở Kim Liên, dù đi lại hơi xa một chút".

 

Thiếu phòng, học sinh không được học bán trú

 

Cô Nguyễn Tố Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên cho biết, hằng năm, trường được giao chỉ tiêu nhận 400 học sinh lớp 1. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, con số này là 700, còn năm ngoái là 600 học sinh. Đây là nguyên nhân khiến sĩ số lớp học tăng lên tới 56 học sinh. 1/3 học sinh không được học bán trú do thiếu phòng. Tỷ lệ học trái tuyến luôn là 50%.

 

Theo giải thích của cô Mai, trường đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảm dần lượng học sinh trái tuyến. Do có chất lượng giáo dục tốt, uy tín lớn, khung cảnh sư phạm xanh - sạch - đẹp nên rất nhiều phụ huynh tìm mọi cách để xin cho con em vào trường. Hơn nữa, việc cho học trái tuyến hoàn toàn là đối ngoại với các trường, phòng giáo dục, bệnh viện, chính quyền địa phương...

 

"Các trường học ở khu vực này có quan hệ với nhau. Con em giáo viên cấp II Đống Đa sang Kim Liên thì con em của giáo viên Kim Liên lại sang Đống Đa. Rồi giáo viên các trường mầm non, nhân viên y tế giúp đỡ nhà trường trong việc chăm sóc sức khỏe, cán bộ phường... cũng xin cho con em vào học," cô Mai nói.

 

Để đáp ứng nhu cầu trước mắt, trường Tiểu học Kim Liên đang sửa chữa một phần diện tích bên trường Nguyễn Trường Tộ vừa được quận giao tạm cho trường.

 

Trường chuẩn quốc gia có thể đóng cửa do thiếu học sinh

 

Trong khi trường Kim Liên đang quá tải học sinh thì một số trường dù đạt chuẩn quốc gia nhưng do vị trí bất tiện nên lâm vào tình trạng "sống dở chết dở" do không đủ đầu vào.

 

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Khương (quận Đống Đa) buồn bã cho biết, theo thống kê của công an phường Khương Thượng, năm nay, số học sinh lớp 1 của phường là 179 em. Tuy nhiên, mới chỉ có 52 em đăng ký (năm ngoái, con số này là 71), trong khi chỉ tiêu tuyển sinh trường được giao là 120 học sinh.

 

Cô hiệu trưởng hơn 30 năm tuổi nghề trăn trở: "Dù đã đạt chuẩn quốc gia, trang thiết bị đầy đủ, môi trường sư phạm đẹp, nhưng mỗi năm số học sinh của Tam Khương vẫn giảm 50 em. Tiểu học Đại La đã giải tán, nếu không có biện pháp chấm dứt tình trạng học trái tuyến, Tam Khương và một số trường khác có thể đứng trước nguy cơ đóng cửa".

 

Đề cập tới nguyên nhân của tình trạng bỏ trường, cô Bình bức xúc: "Địa thế quá sâu, không thuận lợi, phụ huynh muốn đưa con đi học phải đi ngược vào trong mà tắc đường thì thường xuyên xảy ra. Hơn nữa, do xu hướng sính trường điểm nên các bậc phụ huynh đổ xô chạy cho con học trái tuyến".

 

Ngôi trường Tiểu học La Thành 44 năm tuổi, một trong 21 trường của Việt Nam nằm trong khối ASPnet (Mạng dự án liên kết trường học) của UNESCO cũng đang trong tình trạng tương tự. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Gia Ân cho biết, chỉ tiêu của trường là 120, nhưng hiện cũng mới chỉ tuyển được 70 học sinh lớp 1, với sĩ số mỗi lớp từ 18-25 em. Mỗi năm, số học sinh của trường lại giảm đi 50 em.

 

Người thầy vui tính luôn lạc quan gọi trường mình là trường sĩ số "chuẩn quốc tế" cho rằng, nguyên nhân khiến trường ngày một vắng học sinh là do vị trí địa lý bất tiện.

 

"Năm 1997, sau khi trường xây xong, người dân bắt đầu lấn chiếm đất, và đến năm 2001 thì cổng trường dần bị bịt lại. Con đường nhỏ hẹp khiến ôtô không vào được. Lỡ có hỏa hoạn, trường chẳng biết xoay sở ra sao. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đưa đón con em. Thậm chí nhiều lần các hộ dân ở đây đã cãi nhau với phụ huynh học sinh do va chạm", thầy Ân bức xúc.

 

Tuyển trái tuyến để "đối ngoại" là chuyện thường tình!

 

Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng GD- ĐT Đống Đa cho biết, tình trạng thiếu học sinh của một số trường trong quận diễn ra từ nhiều năm nay. Dù được đầu tư khá nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, nhưng do vị trí địa lý không thuận lợi nên trường đang rất vắng học sinh.

 

Ông Trưởng phòng giáo dục cho rằng, để tạo sự lựa chọn cho phụ huynh, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành trong việc giải tỏa mặt bằng, lành mạnh hóa môi trường xung quanh trường học.

 

Về vấn đề học trái tuyến, ông Long cho rằng phòng đã thực hiện đúng yêu cầu của Sở, các trường trong quận không nhận học sinh của các trường Trung Phụng, Tam Khương, La Thành. Kết quả kiểm tra cho thấy rất ít học sinh thuộc Tam Khương học ở các trường trong quận, đa phần "chạy" sang các trường thuộc quận khác.

 

"Đối với Kim Liên, năm nào Sở và Phòng cũng chỉ đạo giảm quy mô số lớp, số học sinh. Nhưng hiện dân cư nơi đây rất đông, nên thực tế, số lượng đúng tuyến không như dự kiến. Chúng tôi kiểm tra và thấy rằng tiểu học Kim Liên có một số chỉ tiêu ngoại giao, nhưng không nhiều và đó cũng là chuyện thường tình," ông Long nói.

 

Theo Tiến Dũng

Vnexpress