Trường Cao đẳng GTVT 3:

Tuyển sinh lừa gạt, cấp chứng chỉ nghề vô tư

Lợi dụng danh nghĩa của một trường ĐH lớn để chiêu sinh ồ ạt hàng ngàn học sinh, không cần quan tâm đến hậu quả; chứng chỉ nghề được cấp mà hiệu trưởng chẳng biết từ đâu. Chuyện gì đang xảy ra trong hoạt động đào tạo của Trường CĐ Giao thông vận tải 3?

Chứng chỉ từ... trên trời rơi xuống

 

Đầu tháng 9/2006, một đơn vị có trụ sở đóng ở đất cảng Hải Phòng xa xôi đã lặn lội vào TPHCM liên lạc với Trường CĐ Giao thông vận tải 3 (CĐGTVT3) để xác minh tấm chứng chỉ nghề mà họ vừa nhận được.

 

Đó là tấm chứng chỉ chứng nhận đào tạo thủy thủ tàu biển cho H.T.H., sinh năm 1973 tại TP Nha Trang, theo học tại trường từ tháng 7 đến 11/2001. H.T.H. được cấp chứng chỉ này từ tháng 2-2002, khi Trường CĐ GTVT3 còn là Trường trung học Giao thông vận tải khu vực 3.

 

Trên tấm chứng chỉ, các thông tin như đơn vị thực hiện đào tạo là Trung tâm Đào tạo và thực nghiệm cơ giới (trực thuộc Trường trung học Giao thông vận tải khu vực 3), chữ ký của giám đốc trung tâm, con dấu đều là thật. Thế nhưng, trường này lại xác định tấm chứng chỉ ấy không có giá trị.

 

Giải thích cho chuyện "lạ" này, ông Nguyễn Đức Tư, hiệu trưởng nhà trường, cho chúng tôi biết khi mới thành lập vào năm 1994, Trung tâm Đào tạo và thực nghiệm cơ giới được phép đào tạo một số chương trình, trong đó có thợ máy và thủy thủ tàu sông, tàu biển hạng nhỏ. Tuy nhiên, kể từ năm 1998, trung tâm này không còn được tiếp tục đào tạo và cấp chứng chỉ nghề này nữa.

 

Nhưng tại sao đã không được phép đào tạo từ năm 1998 mà mãi đến cuối năm 2001, chương trình đào tạo vẫn còn được duy trì? Và bao nhiêu người đã đóng tiền, theo học để phải nhận tấm chứng chỉ thật mà không thật này? Nếu theo lời ông Nguyễn Đức Tư, mỗi khóa học kéo dài trong khoảng ba tháng với số lượng học viên mỗi khóa chừng vài chục người thì con số này là không nhỏ.

 

Khó tưởng tượng hơn, ông Nguyễn Đức Tư còn thú nhận rằng ông không hề biết trong thời gian từ năm 1998 - 2001, chương trình được tổ chức giảng dạy như thế nào, học ở đâu và thật sự chương trình này hiện có còn tiếp tục hiện hữu hay không (?!).

 

Tuyển sinh lừa gạt!

 

Trong khi trách nhiệm về những chứng chỉ nghề vô thừa nhận chưa được làm rõ, Trường CĐ GTVT3 lại đang ồ ạt chiêu sinh một chương trình có tính chất lừa gạt học sinh. Đó là hệ đào tạo được trường này gọi với cái tên hệ kỹ thuật viên trung cấp tin học liên kết với Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM).

 

Sau khi các trường trong cả nước công bố kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006, Trường CĐ GTVT3 đã bắt đầu thông báo chiêu sinh hệ kỹ thuật viên trung cấp tin học. Không cần biết thí sinh có nhu cầu học hay không, trường mặc nhiên gửi giấy báo nhập học về tận nhà.

 

Và vì học sinh không hề được biết về chương trình đào tạo này nên trong một số giấy báo, trường ghi cụ thể: "Anh (chị) có thể chọn học một trong bốn ngành sau: tin học xây dựng cầu đường, tin học xây dựng công nghiệp và dân dụng, tin học kế toán tài chính và tin học mạng máy tính - web".

 

Giấy báo nhập học còn ghi rõ thời gian đào tạo gần hai năm, bao gồm bốn học phần và bằng do Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) cấp. Học phí cho khóa học này được nhà trường thông báo với các học sinh trúng tuyển là trọn khóa 4,5 triệu đồng, thu làm nhiều lần (lần 1 là 1,5 triệu đồng).

 

Trong tâm trạng hụt hẫng vì rớt ĐH, không ít học sinh xem tờ giấy báo như phao cứu sinh để tiếp tục con đường học tập. Hơn thế nữa, tờ giấy báo do chính ông hiệu trưởng Nguyễn Đức Tư ký còn khẳng định như đinh đóng cột rằng sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể được xét tuyển liên thông lên ĐH (?!).

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này đã có xấp xỉ 2.800 thí sinh đăng ký theo học chương trình này. Và phạm vi của chương trình đào tạo này đã không còn dừng lại tại TPHCM. Ngoài ba địa điểm tại TPHCM, Trường CĐ GTVT3 đã tổ chức thêm các điểm tại một số tỉnh như Lâm Đồng, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu.

 

Ngày 2/10/2006, chúng tôi đã liên lạc với Trung tâm Bồi dưỡng kỹ thuật và văn hóa Trường ĐH Bách khoa, đơn vị quản lý các hoạt động liên kết của trường này với những đơn vị bạn. Thật bất ngờ, ông Nguyễn Dương Hùng, giám đốc trung tâm, khẳng định cho đến giờ phút này Trường ĐH Bách khoa chưa ký bất kỳ hợp đồng liên kết đào tạo kỹ thuật viên tin học năm 2006 nào với Trường CĐ GTVT3. Theo ông, trước đây Trường CĐ GTVT3 có gửi công văn đề nghị Trường ĐH Bách khoa ký hợp đồng liên kết đào tạo chương trình này nhưng Trường ĐH Bách khoa chưa đồng ý.

 

Ông Nguyễn Dương Hùng còn cho biết thêm ngày 30/9/2006 vừa qua, do có nhiều thắc mắc từ phía học sinh và nhận thấy đây là sự việc nghiêm trọng nên Trường ĐH Bách khoa đã có công văn gửi cho PA25 Công an TPHCM. Trong công văn này, trường đã khẳng định việc lợi dụng danh nghĩa của Trường ĐH Bách khoa để chiêu sinh là việc làm sai trái, lừa gạt học sinh và đề nghị PA25 theo dõi sự việc này.

 

Với sự khẳng định của Trường ĐH Bách khoa, "số phận" của 2.800 học sinh hệ đào tạo này sẽ ra sao? Theo thông tin chúng tôi có được, những học sinh này đã nhập học được hơn hai tuần nay. Liệu họ có biết chính ngôi trường mình đang ngồi học đã lừa gạt mình?

Theo Hùng Thuật

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm