Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Cơ hội vào trường công rộng mở

(Dân trí) - Trao đổi với PV <i>Dân trí</i>, ông Phạm Hữu Hoan -Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) khẳng định:“Chỉ tiêu vào trường công lập có ít đi nhưng cơ hội cho học sinh sẽ cao hơn bởi số thí sinh dự thi năm nay giảm đi rất nhiều”.

Ông Hoan cũng cho hay, với việc chỉ tiêu giảm ít nhưng số học sinh (HS) dự thi giảm nhiều nên sẽ không có chuyện gây “nóng” cục bộ trong việc đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. Tỷ lệ HS vào các trường công lập năm nay khoảng 64-65%, còn lại dành cho các hình thức đào tạo khác. Tuy nhiên đây chỉ là con số chung của toàn thành phố. Đối với các quận/huyện có nhiều trường THPT công lập thì cơ hội vào của HS có thể cao hơn rất nhiều và ngược lại.

Đảm bảo chỉ tiêu NV3 để tránh quá tải

HS thường dựa vào điểm chuẩn năm trước của các trường THPT để xác định đăng ký dự thi. Chính vì thế dẫn đến tình trạng những trường THPT có điểm chuẩn cao thường lại nhận được ít hồ sơ đăng ký NV1 do tâm lý HS không tự tin. Cũng từ đây sau học kì I của năm học các em lại có xu hướng xin chuyển trường. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Phạm Hữu Hoan: Tâm lý chung của các bậc phụ huynh thường hay lo lại cho con mình đăng ký các trường top trên bởi ở đó có nhiều HS đăng ký trong khi lực học của con mình lại ở mức chới với (nằm giữa phạm vi đậu và trượt - PV). Chính vì thế họ thường lựa chọn cho con mình đầu đơn vào các trường có điểm chuẩn thấp hơn nhằm đảm bảo việc trúng tuyển được chắc chắn.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của HS được tính như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5,0 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực khá: 4,0 điểm; Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình: 3,5 điểm; Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 3,0 điểm; trường hợp còn lại: 2,5 điểm.

Để giải quyết bất cập này, những năm qua Sở GD-ĐT đã quyết định công bố công khai số lượng HS đăng ký vào các trường. Dựa trên số liệu này phụ huynh có thể định hướng cho con cái đăng ký lại nguyện vọng.

Tuy nhiên tôi cũng xin lưu ý, không phải trường nào có số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển ít thì điểm chuẩn sẽ thấp, đặc biệt là ở các trường top trên. Bởi những HS đăng ký vào các trường này đều có học lực khá giỏi và kết quả làm bài sẽ rất cao và lúc đó chắc chắn mức điểm trúng tuyển sẽ ổn định, thậm chí là cao hơn.

Theo tôi, những HS nào có điểm THCS đạt tối điểm tối đa (20 điểm) và sức học tương đối tối, tốt nghiệp văn hóa loại giỏi thì nên đăng ký vào những trường mà gia đình mong muốn để có thể đáp ứng được ngay nguyện vọng ngay lúc đầu mà không phải đi học xa dẫn đến cuối kì I lại có động thái làm đơn xin chuyển trường. HS cũng nên nhớ, với trường top trên, nếu điểm THCS không đạt tối đa thì dù dự thi hai môn Văn, Toán có đạt điểm cao thì cơ hội trúng tuyển cũng rất thấp.

Thưa ông, để tạo điều kiện cho HS có điểm thi cao nhưng lại lựa chọn trường chưa hợp lý hoặc do sức ép thi cử nên kết quả chưa đúng với thực tế sức học có cơ hội được học trường công thì những năm qua Sở GD-ĐT cho phép một số trường tuyển NV3. Tuy nhiên từ việc tuyển NV3 dẫn đến tình trạng các trường này bị quá tải. Năm nay Sở GD-ĐT sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?

Việc đưa ra thêm NV3 là nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh có học lực khá giỏi nhưng do tâm lý dự thi chưa tốt nên kết quả thi chưa được như mong muốn được học trường công lập. Như chúng ta đã biết, đối với các trường công lập thì đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất…luôn được đảm bảo nên HS nào cũng muốn được vào học.

Chỉ có những trường THPT nào mà chất lượng thí sinh dự thi đầu vào không cao dẫn đến điểm chuẩn thấp thì lúc đó Sở GD-ĐT mới xem xét để cho tuyển NV3. Mục đích của việc làm này là để nâng cao chất lượng đầu vào và tạo điều kiện cho các em có học lực tốt được học trường công. Chúng ta không thể hạ điểm chuẩn quá thấp nhằm lấy đủ chỉ tiêu được.

Một số năm gần đây thì đúng là với NV3 dẫn đến việc các trường bị quá tải. Vấn đề này cơ bản vẫn là do các đồng chí ở trong Ban giám hiệu dự đoán, dự báo số HS “tràn” vào là chưa chính xác. Năm nay khi duyệt chỉ tiêu NV3 các trường Sở GD-ĐT sẽ làm chặt chẽ hơn bằng cách bám sát vào thực tế, điểm thi và khu vực để đảm bảo làm sao số HS “tràn” vào phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh được giao.

Như chúng ta đã biết, khi các tiêu chí để được đăng ký NV3 đưa ra thì bắt buộc phải tiếp nhận tất cả HS đáp ứng được yêu cầu đó. Không thể có biện pháp gì để khống chế số lượng vào so với chỉ tiêu. Chính vì thế, cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là cần phải dự báo chính xác, kiểm soát được số lượng HS có thể tham gia đăng ký NV3.

Nếu năm nay trường nào đó được phép tuyển NV3 để xảy ra tình trạng quá tải thì Sở GD-ĐT có chế tài gì hay không?

Nếu có xảy ra hiện tượng quá tải khi tuyển NV3 thì cũng thể xử lý các trường được bởi tiêu chí, điều kiện nhận NV3 là do Sở GD-ĐT phê duyệt và quyết định. Chính vì thế năm nay cơ bản sẽ có sự điều chỉnh từ Sở GD-ĐT cho đến trường. Cụ thể, khi trường đề xuất mức điểm chuẩn cho NV3 thì Sở sẽ rà soát lại dữ liệu để đánh giá lại qua đó điều chỉnh cho phù hợp để làm sao số trúng tuyển NV3 vào vừa đủ chỉ tiêu.

Học lực trung bình nên hướng đến học nghề

Một vấn đề mà dư luận xã hội hết sức quan tâm đó là công tác phân luồng HS sau bậc THCS. Công tác này ở Hà Nội hiện nay có gặp khó khăn gì hay không? Giải pháp của Hà Nội trong năm nay và những năm tới?

Vấn đề khó khăn nhất của Hà Nội hiện nay đó là sự nhận thức của phụ huynh và HS chưa thực sự hiểu hết cơ hội khi theo học các hình thức khác. Họ vẫn cho rằng chỉ có học THPT công lập mới có cơ hội được học lên các bậc học cao hơn.

Những năm trở lại đây, việc phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS đã được Sở GD-ĐT đặt biệt chú trọng. Quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT là không phải học sinh tốt nghiệp THCS cứ phải vào học các trường THPT công lập mà có thể lựa chọn các hình thức học khác như học các trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường TCNN, trung cấp nghề…Với các hình thức lựa chọn như vậy thì HS có thể lựa chọn các trường nghề, TCCN đề vừa có thể đi học nghề nhưng vẫn được tiếp tục học văn hóa. Sau 3 năm ra trường các em sẽ có bằng nghề nhưng vẫn có trình độ THPT. Tôi nghĩ hiện nay chú trọng đến việc học nghề cũng là một điều rất tốt bởi như chúng ta đã số người có tay nghề giỏi khá khan hiếm và đất nước cũng đang rất cần đội ngũ này.

Để cho công tác phân luồng ở Hà Nội bắt đầu thực hiện đúng thì năm nay Sở GD-ĐT chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, HS. Thông qua các tuyên truyền này sẽ giúp cho phụ huynh nhận thức được không nhất thiết cứ phải cho con em mình theo học THPT mà có thể tham gia học nghề, TCCN… sau đó vẫn tiếp tục có cơ hội học lên bậc cao hơn nữa.

Theo quan điểm của tôi thì việc HS có học lực chưa tốt đăng ký học nghề, TCCN là giải pháp rất hay. Ngoài vấn đề tay nghề, kiến thức giáo dục phổ thông thì đây cũng là con được đường ngắn để cho những đối tượng này tiếp tục có cơ hội để học lên bậc cao hơn.

Có thang điểm và barem cho câu hỏi mở

Một trong những vấn đề HS quan tâm đó là đề thi năm nay. Ông có thể cho biết có sự thay đổi về đề thi năm nay hay không? Câu hỏi mở ở đề thi Văn sẽ theo hướng nào?

Cũng giống như mọi năm, đối với hai môn Văn, Toán thi đại trà thì đề thi nằm trong chương trình THCS và chủ yếu là lớp 9. Các em HS có sức học từ trung bình khá trở lên và nắm vững được chuẩn kiến thức kỹ năng sẽ làm tốt được bài thi và điểm đạt được có thể từ 7 trở lên. Trong đề thi Văn và Toán bao giờ cũng có một ý nhỏ về câu hỏi mở hoặc câu hỏi khó dành cho sự sáng tạo của những HS giỏi có tư duy tốt. Các câu hỏi khó này sẽ có mức điểm tối đa là 1 điểm.

Câu hỏi khó của đề Toán sẽ dành 0,5 điểm cho phần Hình học và 0,5 điểm cho phần Đại số. Đối với câu hỏi mở ở đề thi Văn thì kiến thức vẫn nằm trong chương trình lớp 9 và sẽ có có barem và biểu điểm chấm cụ thể. Nghĩa là HS phải trả lời đúng ý theo hướng dẫn chấm thì mới cho điểm chứ không phải câu hỏi mở đến mức HS viết thế nào cũng cho điểm.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm