Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: PGS. TS cũng “ù đầu” với câu V đề Toán
(Dân trí) - “Những bài này chỉ để đánh đố nhau, chỉ có lợi cho các em được học thêm, không có tác dụng lắm với trí sáng tạo hay sự suy luận. Một em thật thông minh sáng tạo chắc cũng không giải ra ngay trong giờ thi”.
Trên đây là nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), về câu V trong đề thi Toán vào lớp 10 THPT của Hà Nội, năm học 2019- 2020.
Phù hợp với giáo viên và học sinh trường chuyên
Chiều 2/6, thí sinh dự thi lớp 10 THPT làm bài thi môn Toán. Đề thi có cấu trúc tương tự năm 2018, gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.
Tuy vậy, nhiều thí sinh và phụ huynh đã ôm nhau khóc sau khi thi vì một số câu trong đề Toán quá khó.
Một học sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân buồn bã cho biết, mình làm được một số câu nhưng không biết đúng hay sai. Riêng câu V thì em chịu.
Độc giả T. Sơn (Hà Nội) nhận xét: “Câu V của đề thi phù hợp với giáo viên và học sinh trường chuyên!”.
Trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cho biết: "Sau khi thí sinh thi xong, thử giải bài số 5 trong đề thi vào lớp 10 phổ thông, ù hết cả đầu mà vẫn không ra".
Ông viết thêm: “Dẫu biết là kỹ năng chuyên toán cấp 2 mình đã quên hết rồi, nhưng giờ càng thấy là những bài này chỉ để đánh đố nhau, chỉ có lợi cho các em được học thêm, không có tác dụng gì mấy với trí sáng tạo hay sự suy luận”.
Chuyên gia này nhận định, một em thật thông minh sáng tạo chắc cũng không làm được ra ngay trong giờ thi, mà đã phải được học sẵn rồi, chắc mới làm bài được.
“Theo thiết kế, bài 5 này chỉ để phân biệt những em đặc biệt xuất sắc, vì nếu làm trọn vẹn 4 bài trên đã được 9,5 điểm. Nhưng tôi không thấy thuyết phục như lý do nói ở trên”, PGS Thành chia sẻ.
Câu hỏi để phân loại học sinh
Đánh giá đề thi này, thầy Nguyễn Cao Cường, giáo viên Toán ở Hà Nội cho hay, đề có tính phân loại cao. Các câu hỏi phân loại nẳm ở câu I, ý 3, câu 3 bài hình học và bài V.
Còn theo thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), có thể một số học sinh vẫn ôn theo cấu trúc đề các năm trước sẽ thấy bất ngờ ở câu tính thể tích khối trụ.
Tuy nhiên, đề có sự điều chỉnh về hình thức, xuất hiện câu hỏi hình không gian - một phần vốn không xuất hiện trong các năm về trước.
Câu hình học chỉ còn 3 ý (các năm về trước thường có 4 ý). Tỉ lệ điểm phần Hình học/Đại số năm nay là 7/3 (các năm trước là 6,5/3,5).
“Đề thi có khoảng 85% câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản, 15% câu hỏi ở mức vận dụng có tính phân loại cao như câu I.3, câu IV.3, bài 5.
Câu khó nhất trong đề là câu IV.3 và bài 5. Thí sinh cần có tư duy và phân tích tốt thì mới đạt điểm tối đa”, thầy Mạnh Cường cho biết.
Cùng quan điểm này, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán hệ thống giáo dục Học mãi cho rằng, bài 5 là câu hỏi phù hợp để phân loại học sinh, câu dành cho học sinh muốn lấy điểm 10 thuộc chuyên đề bất đẳng thức và cực trị, dạng toán tìm giá trị nhỏ nhất của biểu thức.
Đây là chuyên đề vốn đã làm các em học sinh lúng túng trong quá trình học cũng như ôn luyện.
Phần tìm giá trị nhỏ nhất được đánh giá là dễ hơn và nhiều học sinh sẽ hoàn thành được hơn ý tìm giá trị lớn nhất.
Mỹ Hà