Tuyển sinh ĐH,CĐ 2015: Thí sinh được thay đổi nguyện vọng 1
(Dân trí) - Ở đợt xét tuyển đầu tiên (đợt 1), trong thời gian cho phép, các em được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển (các năm trước, thí sinh không được quyền thay đổi).Thay đổi này sẽ khó khăn hơn cho các trường, nhưng thuận lợi hơn cho thí sinh.Điều chỉnh này là sự cố gắng lớn của Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH, hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh.
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng – Bộ GD-ĐT cho biết như vậy trong buổi giao lưu trực tuyến về thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ trên báo Tuổi trẻ vừa qua.
Trả lời thắc mắc của thí sinh về việc được đăng ký thi THPT theo các cụm thi liên tỉnh hay do Bộ GD&ĐT chỉ định? Bộ có tính đến phương án rút, nộp hồ sơ của thí sinh đăng ký tuyển sinh đại học đối với thí sinh miền núi, vùng sâu chưa được thuận lợi?
PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, đối với thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại trường hoặc liên trường THPT của tỉnh do sở GD-ĐT chủ trì, có sự phối hợp của các trường ĐH. Đối với thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ thi tại cụm thi do ĐH chủ trì.
So với những năm trước đây, các thí sinh dự thi để tuyển sinh ĐH, CĐ có nhiều thuận lợi hơn, thể hiện ở một số điểm như sau: Chỉ dự thi một lần, nhưng kết quả được sử dụng tổ hợp thành các tổ hợp môn thi khác nhau để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, chứ không phải thi thành các đợt khác nhau như các năm trước đây; Các thí sinh chỉ phải di chuyển trong khoảng cách ngắn hơn so với những năm trước đây khi các em dự thi tại trường ĐH, CĐ trong cả nước hoặc chỉ tại bốn cụm thi quốc gia ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ;
Sau khi có kết quả thi, các em mới đăng ký xét tuyển, nên có cơ sở để lựa chọn ngành/ trường phù hợp; Ở đợt xét tuyển đầu tiên (đợt 1), trong thời gian cho phép, các em được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển (các năm trước, thí sinh không được quyền thay đổi). Thay đổi này sẽ khó khăn hơn cho các trường, nhưng thuận lợi hơn cho thí sinh.Điều chỉnh này là sự cố gắng lớn của Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục ĐH, hướng tới tạo thuận lợi cho thí sinh.
Với các thí sinh ở các vùng khó khăn sẽ có những khó khăn hơn so với các vùng, miền thuận lợi khác trong cả nước.Các em cố gắng để tận dụng, khai thác những quyền lợi liên quan đến xét tuyển của mình. Mọi chính sách ưu tiên vẫn được giữ ổn định trong Kỳ thi THPT quốc gia, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục- đào tạo đối với giáo dục ở các vùng khó khăn.
Tuyển sinh ĐH,CĐ 2015: Thí sinh hết sức lưu ý những quy định mới để tránh mất cơ hội
Cứ 3 ngày, nhà trường phải thông báo tình hình xét tuyển
Các trường đại học có công bố điểm xét tuyển trước để thí sinh biết khi nộp hồ sơ vào không? PGS.TS Mai Văn Trinh cho hay, sau khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào kết quả thi, chỉ tiêu tuyển sinh, các đối tượng ưu tiên... để xây dựng và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ. Trên cơ sở đó, các trường ĐH, CĐ xây dựng phương án xét tuyển sao cho điểm trúng tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng nói trên.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, khác với những năm trước đây, năm nay, mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi.Với mỗi giấy chứng nhận kết quả, các em được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 4 ngành/ nhóm ngành khác nhau của một trường.
Trong đó, 1 giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển này, thí sinh được phép rút hồ sơ đã đăng ký để đăng ký xét tuyển vào một trường ĐH, CĐ khác. Đồng thời, cứ 3 ngày 1 lần, các trường phải công bố tình hình xét tuyển của trường sau khi đã cập nhật và sắp xếp danh sách thí sinh theo điểm từ cao xuống thấp, để thí sinh theo dõi và lựa chọn. Thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 sẽ không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.
3 giấy chứng nhận kết quả còn lại các em sử dụng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Trong mỗi đợt (từ đợt 2 trở đi), các em có thể sử dụng cả ba giấy chứng nhận kết quả này.Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước.
Đề thi tiếng Anh giữa các khối có khó?
Câu hỏi mà nhiều thí sinh quan tâm là đề thi tiếng Anh khối A1 có mức độ khó nhẹ hơn đề khối D (mọi năm tuyển sinh ĐH). Nhưng năm nay đề thi tiếng Anh gộp chung cả khối A1 và D. Vậy mức độ khó của đề thi hai khối này ra sao?
PGS.TS Mai Văn Trinh cho rằng, trong Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thi 8 môn, trong đó có môn ngoại ngữ (có môn tiếng Anh). Tất cả thí sinh tham dự kỳ thi này sẽ sử dụng chung cùng một đề thi cho mỗi môn. Tùy theo năng lực, nguyện vọng mà các em đăng ký dự thi các môn phù hợp với mục đích dự thi của mình. Cần lưu ý là các em có thể lựa chọn thi các môn lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT đồng thời để sử dụng vào các tổ hợp môn thi xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Đề thi các môn nói chung, môn tiếng Anh nói riêng sẽ vừa có những câu ở mức độ cơ bản phù hợp với cả học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên (thí sinh chỉ cần trả lời các câu hỏi này là có thể đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT) và các câu hỏi ở mức khó hơn nhằm phân hóa trình độ học sinh, phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.
Như vậy, các em có nhiều thuận lợi và giảm được áp lực thi cử so với những năm trước đây.
Với câu hỏi, gia đình ở Hà Nội nay chuyển vào TP.HCM sống. Vậy trong trường hợp đó, sẽ nộp hồ sơ đăng kí ở đâu và sẽ thi ở địa điểm thi nào?
PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tại cụm thi do Bộ GD-ĐT quy định đối với trường THPT thí sinh đang theo học. Kết quả thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo nguyện vọng của thí sinh.
Thí sinh cần lưu ý là khi đăng ký dự thi, thí sinh cần khai báo trong Phiếu đăng ký dự thi các môn thi và mục đích dự thi (trong đó có đăng ký lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ).
Hồng Hạnh (ghi)