Tuyển sinh 2015: Chưa thi đã rớt!

Nhiều trường đại học vội vàng đưa ra những quy định làm khó thí sinh, trong khi đây là năm đầu tiên đổi mới tuyển sinh, các em chưa kịp thích nghi nên phải chịu thiệt thòi.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2015 chỉ mới bắt đầu ở giai đoạn các trường lên phương án, trong đó đưa ra quy định, tiêu chuẩn tuyển sinh với hàng loạt thay đổi bất ngờ. Việc áp dụng các tiêu chuẩn xét tuyển quá gấp, không thực hiện theo lộ trình sẽ dẫn đến sự xáo trộn, gây khó khăn cho học sinh THPT.

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2014. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2014. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Đánh giá, xếp loại nghiêm túc bị thiệt

Phương án của ĐHQG TP HCM và ĐHQG Hà Nội có điểm chung là  không  tuyển những học sinh có điểm trung bình cả 3 năm học dưới 6.5. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội quy định điểm trung bình của lần lượt các môn toán, lý, hóa trong 6 học kỳ phải không dưới  20 mới đủ điều kiện xét tuyển. Nếu không thỏa mãn được điều kiện thì dù vượt xa điểm xét tuyển, thí sinh vẫn bị loại. Đây cũng là phương án tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Y Thái Bình.

Có thể thấy những quy định này sẽ gây thiệt thòi cho học sinh ở những trường nghiêm túc và chú trọng về chất lượng thật sự. Rất nhiều trường chất lượng thấp nhưng điểm trung bình các môn của học sinh lại cao, đặc biệt là trường dân lập - do để đạt chỉ tiêu về tuyển sinh và thi cử nên rất thoáng về điểm số. Ở những trường này, tìm được một học sinh điểm trung bình môn cuối năm dưới 6.5 là vô cùng hiếm.

Trong khi đó, ở rất nhiều trường công lập chất lượng thì số học sinh có điểm trung bình môn cuối năm dưới 6.5 lại không hề hiếm. Như vậy, sẽ rất thiệt thòi cho các em ở những trường chất lượng, chặt chẽ trong việc cho điểm, đánh giá và xếp loại. Khi điểm số không đồng nhất với năng lực, các trường đặt ra tiêu chuẩn như vậy liệu có nên không? Có quá vội vàng hay không khi thực hiện gấp trong năm nay mà không đợi đến năm sau để thí sinh có thời gian chuẩn bị? Với những quy định như vậy, rất nhiều thí sinh rơi vào tình trạng chưa thi đã rớt.

“Dù điểm hóa tổng kết 7.0 nhưng em vẫn cảm thấy mình rất yếu về môn này vì thầy cô trong trường cho đề kiểm tra rất dễ, khi kiểm tra thì chúng em cũng thường “viện trợ” nhau” - một học sinh lớp 12 tại một trường dân lập ở TP HCM lo lắng. Đây không chỉ là tâm sự của một học sinh mà là thực tế chung của khá nhiều em và ở nhiều trường hiện nay. Chưa kể, nhiều học sinh bước vào lớp 12 mới ý thức được về tương lai và trách nhiệm của mình thì cơ hội đã không còn, cánh cửa bước vào ngôi trường ĐH yêu thích đã bị đóng lại.

“Ước  mơ của con tôi là vào Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM học làm kỹ sư nối nghiệp bố. Nay cháu không thể nào thực hiện được rồi. Do không tập trung học các môn xã hội nên điểm các môn này thấp, không đạt được trung bình 6.5 dù cháu học toán, lý, hóa rất tốt. Có cố gắng đến đâu thì cơ hội vào ĐH theo đúng nguyện vọng của cháu không còn nữa” - phụ huynh của một học sinh ở Lâm Đồng tiếc rẻ.

Cần làm từng bước

Hết Trường ĐH Y Hải Dương đề nghị lấy môn văn xét tuyển sinh thì nay lại đến Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, Trường ĐH Vinh… lấy môn văn làm phương án tuyển sinh cho một số ngành vốn thuộc khoa học tự nhiên. Vẫn biết rằng môn văn đối với một số ngành nghề là cần thiết như quản trị khách sạn, quản trị nhân lực, marketing, bất động sản nhưng thay đổi thì cần phải có lộ trình.

Quá nhiều sự thay đổi trong một kỳ thi sẽ làm mọi việc rối lên. Trong lúc các học sinh và phụ huynh chưa hết lo lắng này thì lo lắng khác lại tới, gây bất an. Rất nhiều phụ huynh phải hằng đêm lên mạng để tìm kiếm thông tin về sự thay đổi tuyển sinh cho con em mình nhưng vẫn chưa yên tâm và phải luôn thấp thỏm: Các trường công bố như vậy liệu đã chắc chắn chưa? Khi phương án trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thay đổi hay không?

Vừa qua, Trường  ĐH Y Dược TP HCM thống nhất nguyên tắc tạo cơ hội tối đa cho thí sinh. Theo đó, trong những năm tới, nhà trường sẽ thay đổi tổ hợp môn thi để xét tuyển vào trường và đòi hỏi sinh viên phải học lực khá trở lên. Còn trước mắt, nhà trường vẫn tuân thủ nguyên tắc xét vào ĐH theo khối và chưa xét tuyển môn ngoại ngữ năm nay vì cần phải có lộ trình. Quyết định này của Trường ĐH Y Dược TP HCM được cho là thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của học sinh, có cái nhìn toàn cục để đưa ra phương án hợp lý. Rất mong các trường có cái nhìn thấu đáo như vậy để tránh thiệt thòi cho thí sinh trong thời điểm đổi mới tuyển sinh đang có quá nhiều bất cập. 

Phù phép học bạ?

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới thay đổi phương án tuyển sinh trong năm nay, vậy việc các trường bắt buộc tiêu chuẩn của thí sinh trong cả 3 năm học THPT đều phải có trung bình môn từ 6.5 trở lên - hoặc tổng 3 môn toán, lý, hóa không dưới 20 - có hợp lý không? Để tránh thiệt thòi cho thí sinh và việc đổi mới không gây xáo trộn, nên chăng chỉ quy định những tiêu chuẩn này trong năm lớp 12 mà thôi nhằm tạo cho các em sự công bằng? Trong tương lai, liệu có xảy ra tình trạng nhằm thu hút học sinh, các trường sẽ thêm phương án cộng điểm cho các em có kết quả học tập khá, giỏi? Ngoài ra, các trường THPT có thể sẽ chấm điểm thoáng hơn, làm “đẹp” học bạ, tạo đà cho căn bệnh thành tích phát triển.

 

Theo Hoàng Thị Thu Hiền

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM

Người Lao Động