Tuyển sinh 2007: Sẽ có trên dưới 1 triệu hồ sơ ảo?

(Dân trí) - Năm 2006, số hồ sơ dự thi là khoảng 1,7 triệu bộ, nhưng có đến gần 800.000 hồ sơ ảo. Năm nay, số hồ sơ ảo được dự báo sẽ tăng hơn nhiều lần do kỳ thi tốt nghiệp THPT được siết chặt ở mức cao nhất, làm giảm đáng kể số thí sinh có cơ hội được dự thi vào ĐH mặc dù đã nộp hồ sơ dự thi.

Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của thí sinh năm nay sẽ vượt ngưỡng 1,7 triệu của năm ngoái. Lý do là số học sinh lớp 12 hàng năm đều tăng (mỗi năm tăng khoảng 5, 6 vạn học sinh), cộng với số thí sinh trượt ĐH, CĐ của năm trước dồn lại. Cùng đó, sự tác động trực tiếp và khá mạnh mẽ của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm naốnc thể sẽ khiến số hồ sơ ảo tăng cao hơn.

Khi siết chặt kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều này cũng giống như một sự “sơ tuyển” chất lượng cho kỳ thi tuyển sinh và giúp cho thí sinh dự thi ĐH, CĐ có được một mặt bằng chất lượng gần nhau hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì các trường đành phải chấp nhận bù lỗi hàng chục tỷ đồng vì hồ sơ ảo.

Đến thời điểm này, tính toán của các Sở GD-ĐT cho thấy hầu như ít có địa phương nào mà mỗi thí sinh chỉ nộp 1 bộ hồ sơ. 

 

Thí sinh Nam Định nộp 57.000 hồ sơ vào hơn 200 trường trên toàn quốc, trung bình 1 thí sinh nộp 3 hồ sơ. Hà Nội, Thanh Hoá trung bình mỗi thí sinh nộp 2 bộ hồ sơ…

 

Trừ một số lượng không đáng kể thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào cả 2 khối thì chỉ tính riêng ở khu vực phía Bắc, với trên 700 nghìn hồ sơ dự thi của thí sinh cũng đã có tới gần 400 nghìn là hồ sơ “ảo”. Đó là còn chưa kể tới số học sinh đã nộp hồ sơ dự thi ĐH rồi nhưng không thể dự thi vì trượt tốt nghiệp THPT.

Trong những năm trước, số học sinh lớp 12 dự thi vào ĐH, CĐ bị rơi rụng vì kỳ thi tốt nghiệp THPT đều không đáng kể vì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp này luôn trên 90%. Có những tỉnh như Nam Định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006, tỷ lệ đỗ gần như tuyệt đối với 99, 87%, Bắc Ninh: 99,61%, Thái Bình: 99,38%…

Cùng đó, theo ghi nhận bước đầu về tình hình nộp hồ sơ dự thi của thí sinh miền Bắc và miền Trung thì thí sinh năm nay không tự tin mấy về lực học của mình. Điều này được thể hiện qua sự lựa chọn của thí sinh là tập trung vào những trường ĐH có mức điểm chuẩn ngưỡng trên 15 điểm và “đổ” vào các trường CĐ và Dân lập. Cũng theo quy luật tuyển sinh của 5 năm thực hiện 3 chung thì những trường top giữa, CĐ và Dân lập lại cũng chính là những trường có số thí sinh “ảo” vào diện cao nhất.

Chẳng hạn như ở một số trường ĐH Thái Nguyên trong kỳ thi tuyển sinh 2006, số hồ sơ “ảo” gần 1,6 vạn bộ, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 1 cũng trên 1 vạn hồ sơ… Trong khi đó, ở những trường top trên như ĐH Bách khoa, với hơn 1 vạn thí sinh đăng ký dự thi đã có trên 7.500 thí sinh đến thi, “ảo” chỉ chiếm chưa đến 30%. ĐH Xây dựng có 9.323 thí sinh nộp hồ sơ và cũng có tới 6.079 đến dự thi…

Ngược lại với tình trạng hồ sơ “ảo” tăng cao ở bậc ĐH, năm nay, khối Trung cấp chuyên nghiệp, nhất là ở những trường TCCN thực hiện tuyển sinh vào thời điểm sau tháng 8 - (thời điểm học sinh bị trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp lần 2) sẽ “bội thu”. Xu hướng này còn được thể hiện qua sự quan tâm sôi nổi của thí sinh dành cho các trường TCCN. Đã từ rất nhiều năm qua, chưa có năm nào thí sinh lại quan tâm đến tình hình tuyển sinh của hơn 500 trường TCCN như năm nay.

Như vậy, tuy bậc ĐH có thể phải chịu “thiệt” vì nhiều hồ sơ ảo nhưng sự quyết tâm và các giải pháp thắt chặt kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ vừa đề ra sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Có thể coi đó như một “mũi tên trúng hai đích”: Không những ngành giáo dục sẽ cấp được những tấm bằng thực chất mà còn thực hiện được rất tốt công tác phân luồng.

M.M