Tuyển sinh 2007: Những ngành học “nóng”

Hiện không ít thí sinh đặt bút lựa chọn những ngành học đang “nóng”, những chuyên ngành được nhiều người quan tâm, trong đó có những chuyên ngành vừa mới được mở để chạy theo nhu cầu tức thời.

Đào tạo về chứng khoán sẽ sốt như trên “sàn”?

 

Bà Nguyễn Thị Quy, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương HN cho biết: Những năm trước, Đầu tư chứng khoán chỉ là một môn học của ngành Tài chính - Ngân hàng. Đến năm 2007 này, trường mới mở thêm chuyên ngành Đầu tư chứng khoán. Một trong những nguyên do của việc quyết định mở chuyên ngành mới này là sự sôi động của thị trường chứng khoán và nhu cầu nhân lực được đào tạo trình độ cao về chứng khoán trở nên bức thiết.

 

Hiện tại ĐH Ngoại thương HN cũng đang tổ chức nhiều lớp ngắn hạn (5-6 buổi) giảng dạy về kỹ năng đầu tư chứng khoán, cung cấp kiến thức sơ đẳng nhất về chứng khoán.

 

Theo Bà Quy, các lớp ngắn hạn chỉ để đáp ứng cho các học viên là công chúng tự do. Nó khác hẳn việc đào tạo chuyên ngành này trong trường ĐH. Nhu cầu nhân lực được đào tạo về chứng khoán ở các trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sĩ không chỉ bức thiết ở thời điểm này mà trong một khoảng thời gian dài nữa đây vẫn là ngành thu hút nhiều nhân lực. Không chỉ làm việc ở các công ty chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước mà các doanh nghiệp đang trong giai đoạn cổ phần hoá mạnh cũng rất cần những người được đào tạo bài bản về thị trường chứng khoán, đầu tư chứng khoán.

 

Tuy nhiên với trách nhiệm phải “đi tắt đón đầu”, việc đào tạo theo nhu cầu nhân lực chuyên ngành chứng khoán nói riêng và một số ngành khác nói chung không phải bây giờ cần mới mở mà phải dự báo và đào tạo từ ít nhất 5 năm trước.

 

Ông Phan Công Nghĩa, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: ĐH Kinh tế quốc dân đã mở chuyên ngành thị trường chứng khoán từ 5 năm trước, tuyển sinh được 4 khoá. Nhưng cũng như một số ngành của trường, ngành thị trường chứng khoá các năm trước rất ít người đăng ký học, để mở được chuyên ngành này phải “vận động” SV đăng ký, nhận những thí sinh trượt chuyên ngành khác sang.

 

Tình trạng không thể đào tạo được theo “ tầm nhìn xa” có ở nhiều trường, nên những cơn sốt ngành học thường chỉ xảy ra khi có nhu cầu tức thời của xã hội. Và không biết chừng bây giờ đổ xô mở ngành, tuyển sinh “ chứng khoán”, kết quả những năm tới sẽ lại bão hoà.

 

Một cán bộ tư vấn và thu nhận hồ sơ ĐKDT ở HN năm nay cho biết: “Chúng tôi phải trả lời nhiều câu hỏi của thí sinh và người nhà thí sinh về ngành chứng khoán. Đây là một trong những chuyên ngành dự báo có đông thí sinh đăng ký ở mùa tuyển sinh này”.

 

ĐH Ngoại thương HN dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu chuyên ngành Đầu tư chứng khoán.Theo bà Quy, cùng với một số trường sẽ mở chuyên ngành này, trong khoảng 4-5 năm tới, sẽ có khoảng 400- 500 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này. Với nhu cầu như hiện nay thì “cung” sẽ chưa thể vượt quá “cầu”. Nhưng cũng khó có thể nói trước. Vì những ngành được xem là “hot” khoảng 5-7 năm về trước như Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học bây giờ cũng đã bão hoà.

 

Tuy nhân lực chất lượng cao ở các ngành này vẫn thiếu, nhưng với tình trạng trường nào cũng mở, nhất là các trường mới thành lập, trường ngoài công lập, vì đó là ngành “thời thượng”, sẽ không thể có những sản phẩm tốt, thực sự đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Học một ngành làm việc được ở nhiều nơi

 

Các ngành thời thượng của các năm trước: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường... đã hạ nhiệt do bão hoà “đầu ra”. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành trên khó xin việc, hoặc phải học thêm mới tìm được việc làm. Thay thế vị trí số 1, khối ngành kinh tế lên ngôi.

 

Theo bà Nguyễn Thị Quy, có những ngành đào tạo liên tục vẫn cứ thiếu nhân lực nên thu hút nhiều người đăng ký học. Ví dụ như Kinh tế đối ngoại, Tài chính- Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán. Hơn nữa, một số ngành trong khối kinh tế có thể “học một ngành mà làm được ở nhiều nơi” không như các chuyên ngành hẹp khác.

 

Chính vì thế, khối ngành kinh tế lên ngôi và còn là những ngành hấp dẫn trong những năm tới. Năm 2006, ngành Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương có điểm chuẩn khối A là 26,5, ngành Kinh tế đối ngoại khối A của khoa Kinh tế ĐH QGHN cũng có điểm chuẩn là 25. ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Tài chính, điểm chuẩn của ngành Kế toán luôn vượt xa các ngành khác. Nhìn chung các ngành Tài chính Kế toán, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh…của các trường khối Kinh tế năm 2006 đều có điểm chuẩn cao.

 

Một hiệu trường trường THPT ở HN cho biết: Năm trước có đến 30% số HS lớp 12 của trường đăng ký vào các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, tài chính- Ngân hàng... Trong buổi tư vấn tại cho HS lớp 12 ở các trường khu vực HN, thông tin thu được là có khoảng trên 20% HS muốn được tư vấn về ngành Chứng khoán, 40% muốn biết thông tin về khối ngành kinh tế.

 

Nhiều thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT vào các ngành Kinh tế cho biết: Thông tin về các ngành khác ít quá, trong khi các ngành Kinh tế thì “dễ hiểu” hơn, có thể hình dung được sau này làm việc ở lĩnh vực nào. “Xin được việc làm” là tiêu chí số 1 để nhiều thí sinh năm nay chọn ngành học.

 

Nếu vài năm gần đây, ngành Báo chí bị “ùn tắc” ở đầu ra, thì chuyên ngành đào tạo PR (Quan hệ công chúng) lại được nhiều người quan tâm. Ngành PR của khối D cũng là ngành có đông thí sinh đề nghị được tư vấn giống như ngành chứng khoán.

 

Nếu tốt nghiệp báo chí, phần lớn sinh viên chỉ nhắm đến các cơ quan báo chí, thì PR có thể làm việc ở tất cả các lĩnh vực cần đến công tác quan hệ công chúng. PR là ngành trở nên quen thuộc trong vài năm nay, nhưng cung chưa đáp ứng được cầu. Nhiều công ty, tập đoàn kinh tế phải nhận cả người tốt nghiệp Báo chí, tốt nghiệp Ngoại ngữ làm công việc của PR nên ngành học này được thí sinh quan tâm cũng là lẽ đương nhiên.

 

Và với cách đào tạo hiện nay, những ngành đào tạo một nơi làm được nhiều lĩnh vực” sẽ còn là ngành hấp dẫn.

 

Theo Chu Hồng Vân

Giáo Dục Thời Đại