Tuổi ngấp nghé yêu và vấn đề giáo dục giới tính
Theo ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT, TPHCM: "Giáo dục giới tính là vấn đề rất quan trọng đối với học sinh THCS và THPT.
Trong chương trình chính khóa, đặc biệt là ở môn sinh vật, vấn đề này có được đề cập nhưng chỉ ở mức độ rất cơ bản chứ không đi sâu, dù ở lứa tuổi này các em rất cần biết như thế nào là tình bạn, tình yêu, ranh giới giữa chúng và cách phòng vệ trước những tình huống nguy hiểm...".
Chuyện cũ vẫn... mới
Vấn đề đưa chương trình giáo dục giới tính (GDGT) cho học sinh (HS) vào chính khóa đã được nhắc đi nhắc lại hơn 20 năm qua, nhưng ngành giáo dục vẫn chưa có những "động thái" cần thiết để thực hiện yêu cầu trên. Theo số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam vẫn là một trong ba nước có tỷ lệ nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên cao nhất thế giới (240.000 - 300.000 ca/năm). Trong đó, trên 50% ca nạo phá thai tuổi vị thành niên có thai nhi đã hơn 13 tuần tuổi!
Mới đây, Ban Hôn nhân Gia đình của Báo Phụ Nữ đã tổ chức một đợt khảo sát trên 1.600 HS các trường THCS, THPT vùng ven, ngoại thành thuộc các Q.12, Gò Vấp, Hóc Môn và Củ Chi của TPHCM, vừa bằng phiếu trắc nghiệm vừa bằng phỏng vấn trực tiếp quanh những hiểu biết, quan niệm của các em về tâm sinh lý lứa tuổi; về lối sống, quan hệ tình bạn, tình yêu. Hơn 49,4% HS Trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (1.214 phiếu thăm dò) cho biết đã từng trao nụ hôn đầu đời cho bạn khác giới; 39/798 HS đã từng "quan hệ". Trong đó, một em lãnh hậu quả mang thai ngoài ý muốn.
Điều quan trọng là khi có những băn khoăn về sự thay đổi của cơ thể, về mối quan hệ với một người khác giới, các em muốn chia sẻ nhiều nhất là với bạn bè (46%), sau đó mới đến cha mẹ (14,3%). Có đến 59,6% các em không muốn nói với người lớn vì sợ người lớn sẽ cấm đoán hoặc la mắng. 22,7% cho rằng người lớn không có thời gian, 11% khẳng định người lớn không quan tâm đến vấn đề này. M. H. - nam sinh một trường THCS tại Q.Gò Vấp, TPHCM thành thật: "Mạng Internet đầy hình tươi mát, dạy đủ kiểu yêu đương, chúng em cũng đâm... bối rối, có bạn còn stress vì tưởng mình bị bệnh gì đó bất thường. Nhưng trước con mắt "vừa trang nghiêm, vừa đe dọa" của cha mẹ, thầy cô, chẳng bạn nào dám hỏi! Chúng em cần có những tiết ngoại khóa với thầy cô để xả những stress dạng này!".
"Khắc phục" cách nào?
Ngoài Thành Đoàn, với chức năng của một tổ chức đoàn thể trong việc giáo dục thế hệ trẻ đã làm tốt công việc trên qua nhiều biện pháp tuyên truyền, hiện nay đã có sự "chung tay" của nhiều đơn vị xã hội khác trong vấn đề này.
Chẳng hạn, Công ty TNHH truyền thông Ý Tưởng Việt, do bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - một cựu sinh viên Khoa Tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM làm giám đốc, đã vào cuộc một cách hăng hái bằng chương trìnhTiết học giới tính đang triển khai tại 15 trường ở TPHCM.
Cũng theo đuổi mục tiêu GDGT cho lứa tuổi HS, ông Trần Văn Kỳ Nam - Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn đầu tư giáo dục hệ thống Trường THPT Quốc Văn Sài Gòn cho biết, ông quyết định tài trợ 15 tiết học giới tính mẫu cho các trường THCS ở chín tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Long An, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đánh giá về các hoạt động này, cô Hoàng Thị Diễm Trang - Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) cho biết: "Trường chúng tôi rất vui khi được tham gia chương trình Tiết học giáo dục giới tính do Công ty Ý Tưởng Việt tổ chức. Đây là nội dung rất "nóng" nhưng cũng rất "nhạy cảm" khi trực tiếp truyền đạt cho các em. Tuy nhiên, tiết học đã diễn ra rất tự nhiên, thu hút với các phương pháp sinh động.Tôi tâm đắc nhất là phần hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm dành cho tuổi mới lớn. Tuy chỉ diễn ra vài mươi phút nhưng các em HS có thể sử dụng suốt đời. Tôi nghĩ, mô hình Tiết học giới tính cần được nhân rộng và tổ chức nhiều hơn vì thực tế các trường phổ thông rất "khát" dạng chuyên đề này".
Những việc làm trên có thể phần nào hỗ trợ đắc lực cho ngành giáo dục. Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT, TPHCM ghi nhận: "Tâm lý thay đổi theo lứa tuổi nên việc GDGT cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, với nhiều hình thức như lập phòng tư vấn để tư vấn trực tiếp, tổ chức nói chuyện chuyên đề... Thực tế, ở các trường, hằng năm đều có mời chuyên gia nói chuyện về những vấn đề trên, nhưng vẫn chưa thỏa mãn được yêu cầu của HS. Vì thế, càng có thêm nhiều tiết học GDGT thì càng quý, tất nhiên phải thiết thực. Tôi nghĩ, qua những tiết học này, HS sẽ được trang bị nhiều hơn về kỹ năng sống".