Từ vụ nam sinh tự tử do bị tung clip: Có thể khởi tố vụ án để răn đe?
Đối với những đối tượng lì lợm, liên tục tái diễn hành vi đánh bạn, làm nhục bạn thì phải giáo dục các em về mặt pháp luật, có thể truy tố hình sự.
Những ngày qua, dư luận lấy làm tiếc trước thông tin nam sinh Bùi Quang Huy (sinh năm 2001) học sinh lớp 8A, trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái, tự tử sau khi clip em bị nhóm thanh niên bắt quỳ gối, hành hung bằng tuýp sắt lan truyền trên mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên thường vụ Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Chánh thanh tra Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, đối với những sự việc nghiêm trọng như vậy, cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để răn đe, nếu xét thấy những người đánh bạn đã đủ 16 tuổi.
Làm sao để trẻ không hành động dại dột?
Bà Ninh Thị Hồng cho rằng trước hết, việc ngăn ngừa tình trạng học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng là hết sức quan trọng, vì trẻ bị đánh sẽ rất tổn hại đến suy nghĩ và hành vi khác của các em.
Tuy nhiên, khi sự việc xảy ra, việc đầu tiên là người thân, nhất là cha mẹ, thầy cô và bạn bè của nạn nhân phải rất chú ý để có sự quan tâm đúng mức về mặt tinh thần, giúp cho em hiểu hành vi của những bạn đánh mình là xấu, đáng lên án. Tất cả mọi người rất cảm thông, chia sẻ với em, giúp nạn nhân vượt qua khủng hoảng.
Những việc đó giúp em suy nghĩ lại, bởi có thể trong suy nghĩ của nạn nhân cho rằng mình có lỗi gì đó hoặc mọi người sẽ cười chê mình. Do đó, người thân phải tâm sự, động viên, cũng như cắt cử nhau ở bên cạnh, lắng nghe em nói, theo dõi những biểu hiện tâm lý và hành vi của em.
Bố mẹ nên quan tâm, chăm sóc con mình hơn, để em đó không bị mặc cảm và nghĩ đến những điều dại dột. Cần phân tích cho em thấy những việc đó đã qua rồi, những bạn đánh em sẽ bị xử lý và em đang được bảo vệ, không nên sợ hãi.
Có thể khởi tố để răn đe
Về hình thức xử lý như hiện nay là cho thôi học hoặc cảnh cáo những em đánh bạn đã hiệu quả hay chưa? Theo bà Ninh Thị Hồng, chính sách pháp luật của Việt Nam cho thấy các em vẫn là đối tượng cần được bảo vệ. Các em còn non nớt về trí tuệ, nên có những hành vi không hiểu hết được tác hại. Người lớn phải giải thích, răn đe, giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội. Hành động trừng trị trước pháp luật chỉ dành cho những người đã trưởng thành.
“Tôi đồng tình với quan điểm này, nhưng giáo dục trẻ em không phải đối tượng nào cũng giống nhau. Có những em bé ngoan, chỉ bột phát lần đầu thì có thể dùng biện pháp cảnh cáo. Nếu thấy em hối hận thì việc giáo dục đó là đúng. Còn việc cho thôi học tôi thấy không nên. Vì để một em nhỏ ra khỏi môi trường giáo dục là không tốt, mà chúng ta phải đưa em trở lại môi trường học tập, nhưng phải nghiêm khắc, cho mọi người thấy hành vi của em đó là sai, cần phải lên án” – bà Ninh Thị Hồng nói.
Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia Ninh Thị Hồng, đối với những đối tượng lì lợm, đã vi phạm nhiều lần, cảnh cáo cũng không được, liên tục tái diễn thì phải giáo dục các em về mặt pháp luật, có thể truy tố hình sự. Công an hoặc những anh chị làm pháp luật có thể gặp gỡ và phân tích cho các em biết với hành vi đó có thể bị truy tố theo điều 121 Bộ luật Hình sự về Tội làm nhục người khác.
Theo đó, cần nêu rõ luật quy định người nào vi phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu đánh bạn gãy tay, chân hoặc gây thương tích nặng thì có thể bị truy tố theo điều 104 về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Bên cạnh đó là điều 122 về tội Vu khống.
Chúng ta phải cho các em hiểu nếu đủ 16 tuổi thì các em có thể bị truy tố. Qua đó, để các em biết với hành hành vi như thế, không những bị cảnh cáo ở trường, bị phạt hành chính, bắt bố mẹ đến nộp tiền phạt cảnh cáo ở địa bàn dân cư để mọi người biết em là một người không tốt, mà pháp luật hình sự cũng phải xử lý em.
Tuy nhiên cần điều tra, xem xét cân nhắc. Chưa chắc đã khởi tố, bắt giam em đó nhưng để thấy tính nghiêm minh của pháp luật và để các em biết những hành vi này trong pháp luật hình sự đã được quy định. Ngay cả thầy cô giáo, các bậc cha mẹ cũng nên trang bị kiến thức pháp luật về vấn đề này.
Một hình thức giáo dục cũng rất hữu hiệu đó là thậm chí đưa các em đến nơi giam giữ của ngành công an để các em được tận mắt chứng kiến, thấy sợ. Trước đây, ông Nguyễn Bá Thanh khi còn sống đã có cuộc gặp gỡ với các trẻ em hư ở TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Bá Thanh nói nếu các em vẫn cứ vi phạm thì sẽ phải vào trại giam, đi tù. Ông Thanh cũng cho các cháu đi xem để biết trại giam như thế nào, đi tù ra sao, chứ không tô màu hồng lên mãi được.
Cách nào giúp các em tránh mặt trái của mạng xã hội?
Có thể thấy điểm chung của sự việc là do các em mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook, sau đó bí mật hẹn hò để “xử lý” đối phương. Do đó vấn đề đặt ra là quản lý các em khỏi mặt trái của mạng xã hội như thế nào? Bà Ninh Thị Hồng chia sẻ, đầu tiên phải là trách nhiệm của gia đình. Ở nhà, các bậc phụ huynh phải quản lý con cái, hạn chế các em lên mạng khi không có người kiểm soát.
Khi các em vào mạng cần phải hướng dẫn con tiếp cận những thông tin hữu ích. Kết bạn trên mạng xã hội là thêm bạn tốt và sự hiểu biết; không phải dùng mạng để đưa những hình ảnh, thông tin không tốt hoặc chê bai, bôi nhọ các bạn khác. Cha mẹ nếu trang bị điện thoại cho con, thì chỉ để nghe gọi khi cần thiết. Bởi ở lứa tuổi các em có những thứ chưa thể nhận biết được đúng sai.
“Ở trường, các thầy cô cũng phải giáo dục các em. Tôi thấy một số trường học ở Hà Nội rất nghiêm khắc, cấm học sinh lớp 5, lớp 6 mang điện thoại đến lớp. Nếu có, cô giáo tịch thu ngay. Do đó, các em cũng rất có ý thức là khi đi học không được mang theo” - bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.
Theo Lại Thìn
VOV