Tư vấn tuyển sinh 2019: Những ngành học thí sinh nên lựa chọn

(Dân trí) - Đó là các ngành Khoa học Vật liệu, Công nghệ hạt nhân, Khí tượng - Thủy văn - Hải dương, Công nghệ biển,  Khoa học đất… là những ngành học mũi nhọn, nhà nước đang đầu tư, thí sinh nên lựa chọn.

Tư vấn tuyển sinh 2019: Những ngành học thí sinh nên lựa chọn - 1

Nhiều ngành học tự nhiên phát triển bền vững trong tương lai, cơ hội nghề nghiệp lớn, thí sinh nên cân nhắc lựa chọn.

 

Ngành Khoa học Vật liệu

Mục tiêu đào tạo: Đáp ứng sự phát triển của khoa học vật liệu mới, trong đó có khoa học và công nghệ nano được nhà nước xác định là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của đất nước.

Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học vật liệu trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về vật lý, toán học, tin học, hoá học, khoa học và công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn).

Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser... những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học.

 Đặc biệt là sinh viên ngành này, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,…

Ngành Công nghệ hạt nhân

Mục tiêu đào tạo: Công nghệ hạt nhân là ngành đào tạo rất cần thiết phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển ngành điện hạt nhân hiện nay. Nhu cầu của đất nước về nhân lực liên quan đến công nghệ hạt nhân là rất lớn.

Sinh viên trang bị những kiến thức về công nghệ hạt nhân cơ bản, hiện đại và cập nhật các tiến bộ của công nghệ và vật lí hạt nhân trên thế giới, được tham quan và thực tập thực tế tại các cơ sở hạt nhân trong nước.

Triển vọng nghề nghiệp: Đủ năng lực làm việc trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân như ngành năng lượng hạt nhân để phục vụ nhu cầu điện hạt nhân trong tương lai của đất nước, các ngành khoa học và kĩ thuật hạt nhân cơ bản và ứng dụng; các ngành kinh tế thuộc các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp; y học xạ trị, khảo cổ học, địa chất thuỷ văn. Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước.

Ngành Khí tượng - Thủy văn - Hải dương

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Đồng thời, sinh viên còn được trang bị kiến thức khá đầy đủ về toán học, vật lý và tin học, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về kỹ năng lập trình, xử lý tính toán trên máy tính.

Hiện nay, với sự phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu về nghiên cứu và nhân lực ngành khí tượng, thủy văn, hải dương đang đứng trước những cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế. Vấn đề Biến đổi khí hậu và ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu đã được Chính phủ thông qua và duyệt triển khai với ngân sách lớn nhằm cải tạo điều kiện làm việc và đầu tư nghiên cứu.

Vấn đề Phòng chống thiên tai bão lụt là vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng  quan tâm và đầu tư lớn. Ngoài ra còn có các Chương trình Nước sạch nông thôn và Quy hoạch tài nguyên nước và Kiểm soát môi trường  và Năng lượng sạch ( Thủy điện, Phong điện,,,, ). Đó là cơ hội và thách thức đối với ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên các ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải dương có nhiều cơ hội làm việc tại các Cơ quan trung ương và địa phương, như Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Cao không Trung ương, Trung tâm Tư liệu Khí tượng Thủy văn, Các Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực), Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, các Trường Đại học và Cao đẳng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Quy hoạch thủy lợi, Các công ty khảo sát điện, Viện thiết kế Bộ Giao thông vận tải, Viện Hải dương học, Viện nghiên cứu Hải sản…

Ngành Công nghệ biển

Công nghệ biển là lĩnh vực ứng dụng các kiến thức khoa học về môi trường biển và những nguyên lý công nghệ: kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật, v.v... trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển và ven bờ.

Việt Nam có 28 tỉnh và thành phố tiếp giáp với biển với nhiều công trình, dự án liên quan đến biển, đến cửa sông, nhiều đô thị, khu công nghiệp, công trình, làng nghề ven biển, các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch biển, giao thông vận tải thủy... cùng các hoạt động kinh tế-xã hội khác liên quan đến biển đang diễn ra hết sức sôi động.

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. kiến thức cơ bản về toán, vật lý, hóa học, tin học, các văn bản pháp quy, chính sách, kiến thức chủ yếu về khoa học biển, những nguyên lý công nghệ - kỹ thuật xây dựng, cơ kỹ thuật, điện kỹ thuật,...

Trong phân tích, thiết kế, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống hoạt động trong môi trường biển, các kỹ năng làm việc với tư cách nhà chuyên môn tư vấn, phân tích, quy hoạch, xây dựng, khai thác và quản lý các hệ thống công trình, cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật liên quan đến môi trường biển, đủ kiến thức để tự hoàn thiện hoặc được tiếp tục đào tạo thành chuyên gia bậc cao trong lĩnh vực khoa học và công nghệ biển.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực triển khai nghiên cứu khoa học bao gồm các khoa học cơ bản của hải dương học và công nghệ biển cũng như các khoa học ứng dụng của công nghệ biển trong các ngành công nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp, giao thông vận tải, bảo vệ môi trường biển v.v...

Có thể làm việc trực tiếp như một chuyên gia tư vấn, thiết kế, giám sát và quản lý trong từng lĩnh vực khoa học và công nghệ biển theo các chuyên ngành đào tạo: công nghệ bờ biển, công nghệ biển khơi, công nghệ môi trường biển, v.v... thuộc các lĩnh vực kinh tế xã hội, môi trường, đảm bảo anh toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển;

Các Cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, tư vấn, thiết kế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước …

Ngành Khoa học đất

Mục tiêu đào tạo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản hiện đại và thực tế ở Việt Nam, kiến thức cơ sở về địa chất, khoáng vật, phân tích các đối tượng đất, nước, phân bón, thực vật. những kỹ năng thông qua nghiên cứu khoa học và thực tập thiên nhiên, phân tích và nhận biết các mối quan hệ trong các quá trình hình thành đất, các loại đất ngoài thực địa và phương pháp đánh giá, tổng hợp các số liệu phân tích.

Lý giải mối quan hệ biện chứng giữa các quá trình trong đất - nước - phân bón và cây trồng. Kiến thức chuyên sâu về Khoa học đất và môi trường đất theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên cho sự phát triển nông lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái học và phát triển bền vững; quy hoạch sử dụng đất đai, đánh giá tác động của các quá trình sử dụng đến tài nguyên và môi trường đất.

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp có đủ năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc làm công tác quản lý ở các trường đại học, cao đẳng, các viện và trung tâm nghiên cứu, các bộ, ngành, các sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sở Tài nguyên và Môi trường, sở Khoa học và Công nghệ;

Trực tiếp lập các dự án về quản lý và sử dụng đất, đề xuất các biện pháp cải tạo và đánh giá tác động của các hoạt động sản xuất đến môi trường đất-nước, đến các hệ thống nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới và quy hoạch môi trường đất hoặc trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp, phát triển nông thôn và quản lý tài nguyên đất, nước.

Hồng Hạnh(tổng hợp)