Từ năm 2025, tuyển sinh đại học thay đổi, có nơi không xét điểm tốt nghiệp
(Dân trí) - Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học sẽ điều chỉnh khi học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển
Dù mới học lớp 11, Trường Trung học phổ thông (THPT) Hàn Thuyên, TPHCM, nhưng Anh Thư đã lo lắng và chuẩn bị hành trình cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm tới.
Nữ sinh chia sẻ lứa học sinh sinh năm 2008 sẽ dự thi tốt nghiệp THPT lần đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới về căn bản nên sẽ có nhiều bỡ ngỡ.
"Em mong muốn dự tuyển vào Trường Đại học Luật TPHCM và cũng chuẩn bị thêm cả phương án xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS. Song, em cũng băn khoăn liệu rằng tổ hợp xét tuyển có điều chỉnh nhiều hay không", Anh Thư chia sẻ.
Nhiều phụ huynh có con học lớp 11 cũng đã đến các ngày hội tư vấn tuyển sinh để lắng nghe, tìm hiểu thông tin cho kỳ thi năm tới.
Phụ huynh Nam thắc mắc: "Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ thế nào khi học sinh học tổ hợp môn khác nhau, có tổ hợp học, có tổ hợp không học. Liệu có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của năm trước để xét tuyển cho năm sau được hay không?".
Giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh, ThS Lê Văn Hiển - Phó trưởng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật TPHCM - cho biết việc đưa ra phương thức tuyển sinh sẽ do Hội đồng tuyển sinh của các trường quyết định và thông báo chính thức tới xã hội. Song, theo định hướng của Trường Đại học Luật TPHCM, phương thức tuyển sinh 2025 sẽ không khác nhiều so với 2024.
Điều cơ bản thay đổi là tổ hợp xét tuyển khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 có khác so với chương trình 2006.
"Các trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho phù hợp, ví dụ môn giáo dục công dân có trong chương trình 2006 nhưng ở chương trình 2018 là môn giáo dục kinh tế và pháp luật.
Nhà trường cũng đưa ra nhiều tổ hợp hơn theo chương trình mới bởi có em học môn này, có em học môn kia. Tuy nhiên, học sinh cũng không nên lo lắng bởi mọi điều chỉnh đều theo chương trình mới các em đã học", ông Hiển cho hay.
Về kỳ thi đánh giá năng lực, ThS Phùng Quán - chuyên gia tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM - cho biết đối với Kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 chắc chắn sẽ khác năm nay.
Năm nay, thí sinh sẽ thi 120 câu trong vòng 150 phút. Trong khi đó, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 gồm 3 phần tự chọn: Ngôn ngữ tiếng Anh - tiếng Việt, toán học - tư duy logic và đánh giá kiến thức chung ở các mảng sinh học, hóa học, giáo dục công dân...
"Học sinh sẽ tự chọn dựa vào chương trình học của các bạn theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018", ông Quán nói.
ThS Phùng Quán cũng cho hay theo quy định hiện hành các trường thành viên, Đại học Quốc gia TPHCM chỉ dùng kết quả thi năm tuyển sinh để xét tuyển. Dù vậy, hiện có một số cơ sở giáo dục cho phép thí sinh sử dụng lại kết quả kỳ thi năm trước để xét tuyển, do đó, học sinh, phụ huynh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của trường mình mong muốn để có thông tin chính xác.
Đến nay, Trường Đại học Nha Trang là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Theo đó, trường sẽ không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, thay vào đó xét kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo - cho hay, phương thức tuyển sinh được xây dựng dựa theo các môn học, học sinh cần thiết phải học ở THPT để xét tuyển vào các ngành đào tạo tương ứng.
Với phương thức xét kết quả học tập ở THPT, ở mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, điều kiện là thí sinh phải học một số môn nhất định ở bậc THPT theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.
Còn với phương thức kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, ở mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học.
Thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn
Từ năm 2025, kỳ thi sẽ thay đổi theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thí sinh thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn.
Hai môn lựa chọn được thí sinh chủ động chọn trong số 9 môn tự chọn gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Việc tổ chức thi sẽ trên toàn quốc theo hình thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với những thí sinh trượt tốt nghiệp trong kỳ thi năm 2024 sẽ được phép dự thi lại. Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.
Nội dung này sẽ được đưa vào điều khoản chuyển tiếp của Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ 2025.