"Từ năm 2023, không còn chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm"

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, từ năm sau, sẽ không còn chuyện điểm chuẩn tuyển sinh cao hơn 30 điểm (các môn không nhân hệ số) để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Sẽ điều chỉnh trong việc cộng điểm ưu tiên

Trao đổi với Dân trí trong buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT dẫn lại câu chuyện những năm trước đây có thí sinh đạt 30 điểm - số điểm tuyệt đối cho một tổ hợp xét tuyển (không môn nào nhân hệ số) vẫn không đỗ được vào ngành hot.

Lý do bởi điểm chuẩn ngành này rất cao, nhiều thí sinh được cộng điểm ưu tiên đã đạt trên 30 điểm và trúng tuyển. "Đây là câu chuyện chúng ta đang phải giải quyết bằng những chính sách cụ thể", PGS Thủy nhấn mạnh.

Từ năm 2023, không còn chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm - 1
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT (chính giữa) tại buổi tọa đàm trực tuyến tư vấn tuyển sinh đại học cao đẳng 2022 do báo Dân trí tổ chức - Ảnh: Mạnh Quân.

Theo bà Thủy, từ kỳ tuyển sinh năm sau (tức năm 2023) sẽ có sự điều chỉnh trong việc cộng điểm ưu tiên. Cụ thể, với những thí sinh đã đạt điểm rất cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mức độ cộng điểm ưu tiên (như ưu tiên về đối tượng, ưu tiên về khu vực) sẽ giảm dần, giảm tuyến tính; sao cho những em đã đạt 30 điểm không cần cộng điểm ưu tiên nữa.

"Tôi tin rằng những bạn đã đạt thành tích cao như vậy, chắc chắn cũng không muốn mình trúng tuyển vào đâu đó mà phải có sự ưu tiên hơn những người khác. Chính vì thế, cũng sẽ không có chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm nữa, đảm bảo quyền lợi công bằng hơn cho các em. Sự điều chỉnh này cũng sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học, tiếp cận vào những trường đại học tốt nhất của Việt Nam cho tất cả thí sinh.", PGS Thủy nhấn mạnh.

"Chúng tôi tin rằng các trường đại học cũng sẽ ủng hộ, bởi chúng ta cũng mong có các thí sinh phù hợp với yêu cầu đầu vào có thể là rất cao, đáp ứng được chuẩn mực cao của Việt Nam và thế giới. Lúc đó, chúng ta mới đẩy mạnh được tốc độ phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, ngang tầm với khu vực và thế giới", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho hay.

Trước đó, quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, năm 2022, mức điểm cộng ưu tiên vẫn được tính như sau:

Về ưu tiên theo khu vực, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên. Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Về ưu tiên theo đối tượng chính sách, mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ƯT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng ƯT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm. Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.

Tuy nhiên, quy chế cũng nhấn mạnh, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định.

Như vậy, nếu một thí sinh đạt 30 điểm, điểm ưu tiên của em sẽ là 0 điểm (dù có thuộc đối tượng hoặc khu vực ưu tiên).

Từ năm 2023, không còn chuyện điểm chuẩn cao hơn 30 điểm - 2
PGS Thủy khẳng định, việc điều chỉnh cộng điểm ưu tiên sẽ đảm bảo công bằng trong tiếp cận với giáo dục đại học cho tất cả thí sinh - Ảnh: Mạnh Quân.

Tiến tới xét tuyển đại học quanh năm

Về vấn đề "đề thi tốt nghiệp THPT chưa đáp ứng được việc phân loại thí sinh một cách rõ rệt, phục vụ yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học top đầu", bà Thủy chia sẻ, tiếp cận giáo dục đại học ở Việt Nam đang còn ở mức rất thấp so với khu vực và thế giới.

Hiện tỷ lệ sinh viên đang học đại học ở Việt Nam so với tổng số người trẻ ở độ tuổi này thấp hơn so với các nước khoảng 15-17 năm. Bởi vậy, chúng ta cần nâng cao dân trí bằng cách tăng cường giáo dục đại học. "Chúng ta đừng nghĩ rằng đang "thừa thầy thiếu thợ". Thực tế là chúng ta đang thiếu cả "thầy" và "thợ", PGS Thủy nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, hệ thống giáo dục đại học có phân tầng nhất định theo top đầu, top giữa, top dưới. Việc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học ở mức trung bình; thuận lợi và tiết kiệm cho công tác tuyển sinh. Với các trường đại học top đầu, việc lựa chọn nhân tài cần những kỳ thi đánh giá năng lực riêng, đảm bảo các bạn theo học tốt nhất ở những ngành tiên tiến.

"Chúng ta cần cái nhìn công bằng để thấy giá trị của kỳ thi tốt nghiệp THPT là có, không chỉ phục vụ cho việc tốt nghiệp mà đang hỗ trợ các trường đại học trong tuyển sinh", PGS Thủy nói.

PGS Thủy cũng khẳng định, hệ thống tuyển sinh của Việt Nam đang đi theo đúng xu hướng phát triển của thế giới. Dần dần, khi có những kỳ thi chuẩn hóa quanh năm, thí sinh có thể dùng kết quả đó để ứng tuyển vào đại học quanh năm, không giới hạn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm