Từ giải thưởng Fields ngẫm về nền khoa học trong nước

(Dân trí) - “Khi ngành khoa học cơ bản “bơi” theo cơ chế thị trường thì việc nhân tài tìm mọi cách để ra nước ngoài học tập và nghiên cứu là điều dễ hiểu. Nếu chúng ta không có cơ chế thích hợp thì nền khoa học trong nước sẽ xuống cấp một cách nghiêm trọng”.

Đây là nhận định của GS.TS Nguyễn Hữu Dư - phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và là phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam.

Người Việt Nam đang rất đỗi tự hào về sự kiện GS Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields, song trong cái hơi men “ngất ngây” đó chẳng hẳn ít người đặt ra câu hỏi: Liệu nền khoa học cơ bản trong nước hiện nay ra sao? Sự thành công của GS Ngô Bảo Châu có phải xuất phát từ nền giáo dục trong nước?...

Trả lời báo chí về câu hỏi: Việc anh đoạt giải là thành tựu của nền giáo dục Pháp và Mỹ chứ không phải là nền giáo dục Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu thẳng thắn nhìn nhận: “Nên nói chính xác hơn, thành công của cá nhân tôi phụ thuộc nhiều vào môi trường nghiên cứu khoa học của Pháp và Mỹ. Nhiều tố chất toán học ở tôi đã được hình thành từ thời gian học phổ thông ở Việt Nam, vì vậy phủ nhận nền giáo dục Việt Nam ở đây là rất không công bằng”.

Có thể câu trả lời của GS Ngô Bảo Châu khiến nhiều người “hoài nghi” về nền giáo dục trong nước. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thực tế thì nhiều năm trở lại đây những người đam mê với môn khoa học nghiên cứu đều tìm cách ra đi, để rồi chỉ khi họ tiếp cận với nền giáo dục hiện đại mới có thể thành danh được.

Trước thực trạng này nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nhìn nhận: “Trong niềm tự hào về Ngô Bảo Châu, bỗng nhiên tôi ngậm ngùi thấy nhiều em chỉ có thể thành danh ở nước ngoài, chủ yếu tại các nước công nghiệp phát triển. Đương nhiên chúng ta không thể chạy đua với họ, nhất là về điều kiện vật chất song có nhiều chuyện ta có thể làm được ai cũng biết song không biết vì sao mãi không có sự thay đổi”.

Trước những trăn trở đó, chúng tôi - những phóng viên viết về giáo dục đã có một cuộc hành trình tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Vì sao nhân tài trong nước cứ lần lượt ra đi? Ngành khoa học cơ bản Việt Nam hiện nay đang ở mức độ như thế nào?...

Bài 1: Nguyên nhân của việc nhân tài ra đi

Như chúng ta đã biết, bắt đầu từ những năm 1960, Nghị quyết đại hội Đảng đều nói một câu rất là mạnh: “Khoa học kỹ thuật là then chốt”. Tuy nhiên trong cả quá trình dài thực hiện chúng ta vẫn chưa thể hiện được tất cả điều đó ra.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dư thì mặc dù là vậy nhưng trong thời kỳ bao cấp với sự giúp đỡ của khối Đông Âu cộng với sự chỉ đạo của các bậc thiên tài lãnh tụ như bác Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm… đã nhìn xa trông rộng nên đã tạo cho Việt Nam một nền khoa học cơ bản (KHCB) tương đối tốt. Mặc dù vào thời điểm đó so với các nước tiên tiến trên thế giới thì chúng ta chẳng thấm vào đầu nhưng ở góc độ khu vực thì đó là một thành quả được khẳng định.

Tuy nhiên khi thời kỳ bao cấp qua đi, cơ chế thị trường du nhập vào đất nước quá nhanh trong khi đó nhận thức chuyển biến của chúng ta chưa kịp. Đáng lẽ phải duy trì một nền khoa học cơ bản bằng những đầu tư và chính sách đặc biệt thì chúng ta gần như đã lãng quên và để KHCB cũng phải "bơi" với thị trường như tất cả với các ngành khác. Lợi thế của KHCB không phải là bơi trong một thị trường như vậy. Chính vì thế nó đã làm mai một một cách nhanh chóng.

Những đội ngũ KHCB được đào tạo từ thời hệ thống Đông Âu cũ thì ngày càng già và về hưu. Trong đó đội ngũ kế cận thì lại chưa đáp ứng được. Cũng may mắn trong thời gian đó chúng ta đã gửi được một số sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài và hiện tại họ đã quay trở lại song lực lượng thì không đông đảo như ngày xưa.

Nhiều nhà khoa học đều cho rằng, chúng ta đều nhận thức được là bất cứ một nền kinh tế xã hội nào thì KHCB đóng vai trò như một xương sống. Đấy là một đầu tư rất lâu mới ra được thành quả nhưng nó sẽ là một chỗ dựa vững chắc để phát triển bền vững nền kinh tế xã hội. Chính vì thế việc sao nhãng phát triển nền KHCB là một điều rất đáng tiếc. Những sự sao nhãng ấy chắc chắn còn để lại một quán tính về sự ảnh hưởng của nó và sẽ cần một thời gian dài mới có thể khôi phục lại được.

Có một thực tế là những năm gần đây, những học sinh giỏi, thậm chí là cả những em đạt huy chương vàng quốc tế về các môn học như Toán, Lý, Hóa… đều cũng không theo đuổi các ngành học KHCB. Điển hình là cách đây khoảng 2 năm có những em đạt huy chương vàng về Toán sau đó các em theo học các trường khối kinh tế… Đây là một điều đáng tiếc cho nền KHCB Việt Nam bởi cơ hội để những em này trở thành các chuyên gia đầu ngành rất là lớn.

Thiếu sự đầu tư cần thiết

KHCB tương đối khác với các ngành khoa học khác. Nó cần có những cái đầu ngành và những cái đầu ngành này sẽ như một cỗ máy động lực để kéo nền KHCB lên chứ chúng ta không thể lấy đám đông để thay thế.

Ví dụ, một ngành muốn phát triển mũi nhọn trước hết phải có một chuyên gia cực giỏi. Chuyên gia này phải được đào tạo một cách hết sức bài bản. Để đào tạo được một chuyên gia như vậy hết sức là tốn kém nhưng sau khi đào tạo được rồi thì việc sử dụng họ cũng tốn kém không kém.

Như chúng ta đã biết, khi một nhà khoa học ở Hàn Quốc nghiên cứu về nhân bản vô tính thì Chính phủ nước này đã có một chính sách đó là chữ kỹ của nhà nghiên cứu này có thể chi tiền mà không cần hỏi lý do gì. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta thì chưa có cơ chế như vậy. Một thực tế là những người đam mê với ngành KHCB muốn phát triển thì họ phải tìm cách ra đi. Đây là một điều hết sức bất lợi cho chúng ta. Trong khi đó, số còn lại ở trong nước thì không thể làm việc đúng đắn.

Trước thực trạng này, GS.TS Nguyễn Hữu Dư tâm sự: “Sinh viên ở các khoa cơ bản trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia HN đều phàn nàn rằng, khi ra trường họ còn nghèo hơn là lúc đang đi học”.

Nếu chúng ta tìm chịu khó tìm hiểu một chút thì chắc hẳn sẽ thấm thía lời của GS.TS Dư hơn. Khi đang đi học thì rõ ràng các em được gia đình chu cấp mà không cần phải suy nghĩ gì nhiều mà chỉ chú tâm vào việc học. Nhưng khi ra trường để kiếm được mức lương như hồi đi học được chu cấp thì họ phải làm đủ thứ. Với sự lăn lộn như vậy thì làm sao họ có thể chú tâm vào nghiên cứu khoa học được?

Đang buồn hơn là có những người buộc phải làm những công việc không phục vụ cho nghề nghiệp như đi dạy, gia sư... Đặc biệt là đối với những người tham gia vào công tác giảng dạy tại chức thì làm sao phát huy được khả năng nghiên cứu khoa học.

“Nếu không đi nước ngoài được thì những người này cần có một gia đình cực kì tốt để đảm bảo cho họ về cuộc sống. Nếu thiếu yếu tố này thì chắc chắn họ khó có thể chú tâm để nghiên cứu khoa học”, GS.TS Dư nhấn mạnh.

Những năm gần đây, trước thực trạng nền KHCB trong nước đang có dấu hiệu xuống cấp, Chính phủ đã có những sự đầu tư rất “mạnh tay” để đầu tư trang thiết bị nghiên cứu cho các trường ĐH trọng điểm. Tuy nhiên với một nền kinh tế còn nghèo nên những sự đầu tư này chẳng “thấm” vào đâu.
 
Vậy có giải pháp nào tối ưu để tháo gỡ hiện trạng nền KHCB trong nước? Chúng tôi sẽ tiếp tục mổ xẻ về vấn đề này trong bài kế tiếp "Giải pháp nào để cứu vãn nền KHCB?”.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm