Tư duy logic và giải quyết vấn đề có cần thiết ở một du học sinh? (Kỳ 1)
Nếu bạn hỏi một du học sinh “cậu thu được gì từ việc du học?”, câu trả lời chắc chắn sẽ là: sinh sống xa nhà khá giúp sinh viên trưởng thành và dạn dày thêm.
Vậy sinh sống xa nhà có cần thiết với tất cả các sinh viên không? Và điều gì xảy ra với bao bạn sinh viên đi học đại học hay du học sống ở nhà?
Self-assessment
Bản thân tôi đã đi du học xa nhà. Và giống như hầu hết các bạn đi học xa nhà khác, tôi so sánh. Bạn tôi người Sơn La bảo “lần đầu tiên tao xuống Hà Nội học Đại học, tao không dám qua đường”. Cũng phải, người gì mà lắm, xe chạy như mắc cửi – người mới đến phải biết là qua đường ở Hà Nội là tự tạo một làn riêng cho mình đi. Nếu ai ở Hà Nội mà cười những người ở nơi khác đến vì điều gì đó họ không biết, người ấy có lẽ chưa từng đi du lịch xa.
Họ có thể cười bạn tôi vì Sơn La đường vắng, người ít, đi chậm và phố nhỏ. Nhưng so với các nước phương Tây, mạng lưới đường cao tốc chằng chịt, đường 8 – 10 làn, xe chạy tốc độ trung bình 100km/h, kẹt xe có thể lên đến 1 tiếng đồng hồ trên đường cao tốc và ô tô chạy nối đuôi nhau như rồng rắn…thì… Tôi chưa bao giờ quên cảm giác lần đầu nhìn thấy cái xa lộ đó. Và tôi thật sự không biết so như thế thì ai sẽ cười ai.
Tự định đoạt – bài học thứ nhất
Đôi khi ý nghĩ về những năm tháng “nằm gai nếm mật” ở xứ người, tôi rùng mình vì biết bao nhiêu điều mình học được. Những cái tôi đánh đổi để học được những bài học ấy có lúc là đáng, có lúc là uổng phí, nhiều lúc là quá khôi hài và vài lần là ra nước mắt. Tôi lật đi lật lại chúng trong đầu mình, tự hỏi, nếu được làm lại lần nữa, mình có làm như vậy không? Có nên bước những bước đó không hay nên làm khác. Vì mỗi quyết định đều đưa bạn đến một điểm khác nhau trong đời.
Các nghiên cứu cho thấy, một người bình thường ra khoảng 612 quyết định trong một ngày. Như vậy là trung bình một tuần bạn ra 4.900 và một năm là 254.800 quyết định. Chúng gối lên nhau như ngói trên nóc nhà và một lựa chọn đúng hoặc sai cũng có thể thay đổi đời bạn hoàn toàn – sự khác biệt giữa nhà lành và nhà dột.
Tiết kiệm thời gian hay tiền bạc
Quyết định đầu tiên mà tôi phải ra là lựa chọn giữa thời gian hay tiền bạc. Tôi mới đặt chân đến Mỹ. Hầu như không quen ai, không biết đường đi lối ngõ, không biết ở đâu có gì. Vậy phải chấp nhận ở đắt để ở gần trường. Đắt là $3.500/5 tháng tức là đến $700/tháng. Thế rẻ là bao nhiêu? Rẻ là $300/tháng. Tôi tìm được ở đại lộ City Line Avenue, một căn nhà với giá đó có 4 phòng ngủ, chia sẻ với 3 người khác.
Xa nghĩa là gì?
Quyết định đầu tiên về chỗ ở của tôi của năm thứ nhất Đại học có lẽ đã ảnh hưởng lớn đến 254.799 quyết định còn lại của năm. Khi nói về ‘tương đối’ xa, tôi hình dung đi từ nhà tôi đến phố Kim Mã và mất khoảng thời gian là 30 phút nếu đường đông.
Là một FOB (sinh viên Châu Á ở Mỹ gọi những bạn sinh viên quốc tế là FOB- hơi trêu chọc), bạn không thể hình dung được về các khái niệm một cách hoàn hảo: khoảng cách, thời gian, không gian, chi phí và cảm xúc. Hiểu theo khái niệm ‘local’, tôi rất ‘fobbish’ (một tính từ được tạo ra từ FOB). /Kết quả là từ chỗ thuê nhà ở City Line Avenue, tôi phải đi bộ 15’ để đến nơi trường đón học sinh bằng ‘shuttle’, xe chạy 40’ nữa trên đường cao tốc và một ngày tôi bỏ đi 2 tiếng đồng hồ chỉ đi trên đường – không khác mấy một bạn ở nhà ở Hà Đông đi học thêm ở phố cổ Hà Nội. Vậy là một năm tôi mất khoảng 700 giờ để đi lại. 4 năm như vậy tôi sẽ nhìn khoảng 4 tháng tuổi xuân trôi đi trên xe shuttle.
Nhẩm tính như vậy. Cộng thêm sự bất tiện khi 30’ đến 1h đồng hồ mới có 1 chuyến xe. Chi phí ăn uống cũng tăng do tôi không thể về nhà để ăn cơm mình nấu được. Chưa kể những bất tiện khác như một ngày tôi chỉ được quyền đến trường 1 lần. Năm thứ hai, tôi lựa chọn thời gian.
Gần nghĩa là gì?
Quyết định thứ 254.801 của tôi là chuyển đến gần trường. Gần để không mất 2 tiếng đi lại nữa. Đủ gần để đi bộ hoặc đạp xe – sau 1 năm học tôi có quen vài người bạn Trung Quốc trong trường sẵn sàng để lại cho tôi một cái xe đẹp cà tàng giá rẻ. Gần, nhưng lại phải đủ xa để tiền trọ không làm ngân hàng nào phá sản.
Tôi mới chỉ đi thuê nhà ở Việt Nam cùng bạn nên không rõ về giá cả trong nước. Nhưng ở Philadelphia, bất động sản và nhiều trường Đại học phát triển mạnh thời điểm tôi đi học và càng gần trường, sự tiện lợi càng nhích về ‘infinity’. Thư viện ở trường. Phòng máy tính ở trường. Nơi tôi làm thuê cũng trong trường. Hiệu sách. Trường. Phòng quản lý sinh viên quốc tế. Trường. Trụ sở hội sinh viên. Trường. Sân đá bóng. Trường.
Tôi biết điều này, bạn biết điều này. Những ‘property owner’ và ‘real estate developer’ xung quanh trường biết điều này. Và họ dùng nó triệt để. Thuê nhà ở gần trường có thể lên đến $600 thậm chí $700 – đôi khi cao hơn cả trong ký túc xá. Và sự thoải mái số tiền đó mua về, nói như bạn bè trong nước của tôi, là một phòng 2 người ngủ thì có một người thòi chân ra ngoài.
Vậy là tôi chọn giữ chân mình ở trong phòng và đạp xe 20’ hoặc đi bộ 35’ hoặc tàu điện ngầm 5’ để đến trường. Đi tàu điện ngầm mất $1.75/lượt và chạy 10’ một. Đã xuất hiện những yếu tố tiền bạc mới nhưng rõ ràng tôi có khôn ra và nắm tình hình một tí xíu – ‘less fobbish’ hơn trước đây.
Sau này khi nhìn lại, nhiều lúc tôi ước đã không phải lọ mọ một mình vất vả ở xứ người không ai giúp đỡ. Tôi đã ước giá gì mình đã tìm hiểu kỹ hơn, đã tìm đến một công ty tư vấn du học kinh nghiệm, chuyên nghiệp. Ở đó, có lẽ tôi đã có thể biết tất cả những gì cần biết, hỏi tất cả những gì cần hỏi trước khi chân chạm đến ‘US of A’.
Welcome to campus housing
‘Welcome to Fairmount Avenue!’ là câu đầu tiên ông chủ nhà chào đón tôi đến ở. Từ City Line Avenue chuyển đến Fairmount Avenue là chuyển từ Sơn Tây về bến xe nước ngầm, cuộc sống hàng ngày thay đổi hơn trí tưởng tượng của tôi vẽ ra được. Và khi đặt vali xuống phòng ở gác 2, tôi biết có lẽ sẽ có vài lần vấp ngã khác đang chờ mình ngay ngoài thềm nhà.
Các bạn muốn trao đổi thêm/ chia sẻ, xin đừng ngần ngại liên hệ với tôi tại đây
Đức Kiên
Ban thông tin du hoc- việc làm Đức Anh A&T, ducanhduhoc.com Hotline: 09887 09698