Tự chủ dạy nghề vẫn “rụt rè”

Dù chủ trương tự chủ tài chính trong các trường nghề được đưa ra cách đây tròn 10 năm (năm 2006), nhưng đến nay chưa có trường dạy nghề nào chính thức tự chủ, mà chỉ dừng ở việc thực hiện thí điểm.

Cơ chế đã có

Cơ chế tự chủ các cơ sở dạy nghề được triển khai theo Nghị định số 43/2006/NĐ - CP, theo hướng phân quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Đây được coi là một bước “cởi mở” cho các cơ sở dạy nghề, nhằm nâng cao chất lượng, khẳng định vị trí của mình trong hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, thay vì tận dụng cơ hội này, các trường dạy nghề vẫn “co cụm” trong cách hoạt động lâu nay, chỉ “rụt rè” tự chủ trong từng khâu. “Các đơn vị dạy nghề công lập vẫn chưa chủ động triển khai tự chủ, mà chỉ áp theo hình thức khoán chi tới từng đơn vị thành viên”, ông Dương Đức Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết.

Nhiều trường dạy nghề vẫn loay hoay để tự chủ.
Nhiều trường dạy nghề vẫn loay hoay để tự chủ.

Theo ông Dương Đức Lân, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc các cơ sở dạy nghề “ngại” tự chủ.“Việc tự chủ nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy nghề, nhưng thực tế khi triển khai, việc áp dụng khung học phí mang tính “cào bằng” chung cho tất cả các cơ sở dạy nghề công lập, không phân biệt ngành nghề; dẫn tới sự đầu tư hạn chế, nhỏ lẻ, dàn trải, chưa thực sự tạo hiệu quả nâng cao chất lượng đào tạo một cách thỏa đáng. Bên cạnh đó, học phí đưa ra thấp hơn chi phí cần thiết cung cấp dịch vụ, dẫn đến Nhà nước hỗ trợ qua giá đối với tất cả các đối tượng sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, không phân biệt đối tượng giàu, nghèo, có mức thu nhập khác nhau. Điều này dẫn tới tình trạng chất lượng dạy nghề chưa được cải thiện”, ông Dương Đức Lân phân tích.

Từ thực tế này, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 1/7/2015, đã quy định về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tự chủ từ nội dung giảng dạy cũng như tổ chức nhân sự, tài chính và tài sản... . Tổng cục Dạy nghề chỉ đặt hàng đầu ra và khung tiêu chí ngành nghề để làm căn cứ hậu kiểm khi công nhận bằng cấp cho các trường.

“Để khuyến khích các đơn vị triển khai hiệu quả cơ chế tự chủ, Tổng cục Dạy nghề xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó hướng dẫn triển khai cơ chế, chính sách để thu hút đội ngũ nhân lực có tay nghề và doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ công khai minh bạch ngành nghề mà xã hội cần nhưng ít người theo học, trên cơ sở “đấu thầu” để từ đó lựa chọn các trường đào tạo nghề có chất lượng. Do đó, các trường không tự đổi mới nội dung chương trình giảng dạy cũng như xây dựng cơ chế tự chủ hợp lý sẽ bị đào thải”, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục dạy nghề cho biết.

Cần sớm nhân rộng

Tổng cục Dạy nghề đang lựa chọn 4 trường để làm thí điểm về cơ chế tự chủ gồm Trường kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng nghề Lilama2, Cao đẳng nghề Quy Nhơn, Cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh; trước hết là tự chủ về tài chính. “Việc tự chủ toàn diện đồng nghĩa với việc Nhà nước không cấp kinh phí. Tuy nhiên, việc tự chủ sẽ thực hiện theo lộ trình. Trước hết là các trường tự chủ về chi thường xuyên, lương cán bộ nhân viên, nguyên vật liệu và giảng dạy hàng ngày. Để làm được điều này, các trường phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Còn chi đầu tư về máy móc nhà xưởng thì Nhà nước vẫn sẽ triển khai theo những chương trình nhất định. Tuy nhiên, từ sự đầu tư này, các trường nghề tạo ra sản phẩm đáp ứng thị trường và từ đó có thể thu học phí để trang trải để có cơ sở tự chủ”, ông Dương Đức Lân cho biết.

Hiện cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, trong đó có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác (cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp...) tham gia dạy nghề. Tuy nhiên có thực tế trong giai đoạn 2011 - 2015, số tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề là hơn 1,1 triệu người, chỉ đạt 53,4% so với mục tiêu. Nhiều trường không tuyển sinh được học sinh và đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.

Từ thực tế từ việc tự chủ thí điểm của trường cao đẳng nghề công nghệ Hà Tĩnh cho thấy, trường đổi mới nội dung giảng dạy, đào tạo nghề gắn với kỹ năng mềm, kết nối với doanh nghiệp đang vượt chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2015. Bên cạnh đó, trường xây dựng cơ chế tự chủ tới từng khoa, liên kết với doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn. Nhà trường đã tự chủ kinh phí thường xuyên. Hiện trường được lựa chọn là 1 trong 45 trường đầu tư trọng điểm thành trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 với 7 nghề trọng điểm.

“Từ thực tế thí điểm tự chủ tại một số trường nghề, Tổng cục Dạy nghề đã làm xong đề án và trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thí điểm khả năng tự chủ các trường nghề theo các mức khác nhau. Hiện Tổng cục Dạy nghề đang lấy ý kiến ban ngành, địa phương góp ý về tự chủ trong dạy nghề và trên cơ sở đó sẽ triển khai nhân rộng. Từ thực tế cho thấy việc tự chủ trong các trường nghề sẽ khó hơn các trường đại học vì đi học nghề phần lớn là những người có điều kiện kinh tế khó khăn. Do đó, việc triển khai việc tự chủ trong các trường nghề cũng sẽ khó khăn do đóng góp của học viên hạn chế”, ông Cao Văn Sâm cho biết.

Theo Baotintuc.vn

http://baotintuc.vn/xa-hoi/tu-chu-day-nghe-van-rut-re-20160318212226176.htm