Từ câu chuyện 45/45 học sinh không biết sửa xe đạp

Tôi xin kể với bạn đọc một câu chuyện như thế này: Có một người mẹ đã hỏi đứa con nhỏ 8 tuổi của mình: điều quý giá nhất của con là gì? Cháu bé không trả lời và hỏi lại mẹ bằng một câu hỏi: Điều quý giá nhất của mẹ là gì?

Người mẹ trả lời rất nhanh: Điều quý giá nhất của mẹ chính là con. Con là tài sản quý giá nhất của mẹ. Rồi người mẹ lại hỏi lại đứa trẻ câu hỏi đã hỏi: Con hãy nói điều quý giá nhất của mình đi? Người mẹ hy vọng một câu trả lời tương tự như câu trả lời của mình. Nhưng đứa trẻ 8 tuổi ấy đã nói rằng: Điều quý giá nhất của con là Picachu (một trò chơi phỏng theo một nhân vật trong phim hoạt hình) mà cậu bé vẫn chơi hàng ngày…

Lại có một thống kê như thế này: Một nghiên cứu gần đây với 2.200 bà mẹ trên thế giới cho thấy:  44% trẻ 2-3 tuổi biết chơi game máy tính trong khi 43% có thể đi xe đạp. 22% trẻ 4-5 tuổi có thể sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh, trong khi chỉ 14% trẻ biết buộc dây giày. 25% trẻ nhỏ biết mở một trang web trong khi chỉ 20% biết bơi.

Mới đây một thầy giáo dạy toán ở Hà Tĩnh - thầy Trần Đình Trợ - Giáo viên trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã làm một cuộc khảo sát nhỏ về kỹ năng sống trong số 45 em là học sinh phổ thông và đưa ra một kết quả khá bất ngờ: Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó, có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ Nhà nước. Khảo sát này đã nhận được hơn 9000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Và thông điệp người thầy này muốn gửi tới các học sinh, phụ huynh và toàn xã hội rằng chúng ta đang chỉ bắt con học mà quên việc dạy kỹ năng sống và nền giáo dục của chúng ta đã đi lệch hướng quá xa rồi.

Nêu các câu chuyện trên để có thể thấy hiện nay, chúng ta đang đào tạo con cái mình bằng cách cấp tập nhồi nhét các kiến thức để lấy thành tích mà không cho chúng các kỹ năng sống cơ bản, không dạy trẻ cung cách ứng xử, giao tiếp, quan tâm đến những người xung quanh... Câu hỏi mà các bậc phụ huynh thường hỏi khi đón con là hôm nay con được điểm mấy, chứ không phải hôm nay con học được cái gì? Nhiều bậc cha mẹ còn gây áp lực cho trẻ bằng các thành tích học tập. Thậm chí công khai chuyện đưa phong bì cho các thầy cô giáo trong các dịp lễ, Tết để lấy điểm cao cho con. Khiến trẻ học theo thói xấu của cha mẹ, sinh ra thói dối trá, thực dụng. Còn ở nhà, chỉ chăm chăm bắt con học nên đã làm thay con tất cả các việc khác, kể cả việc tự chăm lo cho bản thân. Rồi sau đó lại bỏ tiền để đưa con đến các trung tâm dạy kỹ năng sống để cho trẻ học những thứ mà đáng ra trẻ phải được học từ bé và ngay từ trong chính gia đình của mình.

TS Vũ Lan Hương, chuyên gia nghiên cứu trẻ em Bộ GD-ĐT  trong một chương trình tư vấn cho trẻ vào lớp 1 tổ chức tại TPHCM cũng đã đưa ra khẳng định rất nhiều bố mẹ đang “bóp nghẹt” các kỹ năng sống cơ bản của con bởi cách yêu thương sai lầm: làm hộ con, can thiệp vượt quá nhu cầu lẫn mong muốn của con. Chúng ta đang có lớp thế hệ trẻ không biết làm gì, được bố mẹ lẽo đẽo chạy theo phục vụ mọi lúc mọi nơi. Nhiều học trò sau khi rời trường học lại vùi đầu vào sách vở hoặc ôm lấy iPad, cơm bưng nước uống đến… tận miệng. Chỉ cần chìa chân là bố mẹ, hoặc người giúp việc có mặt để đi giày dép hộ. Chìa cánh tay là có người đến cởi áo…

Và thêm một câu chuyện nữa: Khi con tôi vào học lớp 1. Tôi có đến gặp một thầy giáo già muốn thầy tư vấn cho một số kỹ năng dạy trẻ khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của tri thức. Nhưng thầy đã nói với tôi rằng: Con em đã biết tự vệ sinh sau khi đi vệ sinh chưa. Hãy học cái đó trước đi đã. Lúc đó tôi mới giật mình, con tôi đã đánh vần bập bẹ và cũng viết được vài chữ cái nghuệch ngoạc nhưng quả thật không biết tự vệ sinh vì tôi vẫn làm thay cho nó. Thầy giáo còn nói thêm: Thay vì chỉ dạy trẻ biết đến thành công thì phải dạy chúng cả việc học thất bại.

Kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình SGK cũng đã đi đến một kết luận: Nền giáo dục của chúng ta hiện nay thiên về dạy chữ mà không quan tâm đến dạy người. Mà dạy người thực chất là dạy đạo đức làm người và kỹ năng sống. 

Có lẽ chính vì nhìn nhận ra tồn tại của nền giáo dục nên chúng ta đang đổi mới giáo dục để làm sao không để cho ra đời: những đứa trẻ không biết làm gì mà chỉ biết dối trá và thực dụng.
 
Theo Thanh Lê
An Ninh Thủ Đô
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm