TTHTCĐ - Nâng cao đời sống cho người Mường

(Dân trí) - Xã Xuân Phong, Cao Phong - Hòa Bình nằm trên địa hình núi cao, rừng rậm, việc đi lại khó khăn là một trở ngại lớn cho sự phát triển ở đây. Tuy khó khăn là vậy nhưng xã đã thành lập được trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và hoạt động rất hiệu quả.

Xã có tổng diện tích là 3.111ha, nhưng diện tích trồng chỉ có 382 ha, còn lại là rừng khoanh nuôi, rừng tái sinh và rừng nguyên sinh, thậm chí có xóm nằm ở độ cao gần 1.000m, đến trung tâm xã phải đi bộ 8km và qua 9 con suối. Cách đây 10 năm tỷ lệ đói nghèo còn đến 40%, trong tổng số hơn 600 hộ và gần 3.000 người (người Mường chiếm đến 98%).

 

Trò chuyện với chúng tôi, anh Bùi Thanh Phòng - Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban quản lý TTHTCĐ cho biết: "TTHTCĐ mới hoạt động được 1 năm nhưng đã có những kết quả đáng kể. Các lớp học chuyên đề chuyển giao khoa học kỹ thuật ở đây đều được triển khai ở cả 12 xóm trong xã. Thông qua các lớp học này, người dân đã được mở mang kiến thức kỹ thuật trồng trọt giống lúa mới, kỹ thuật trồng ngô, trồng sắn, cây dong giềng năng suất cao, kỹ thuật chăn nuôi lợn, bò, dê, ong..."

 

Được biết, cũng tại TTHTCĐ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đã liên kết, phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hàng trăm bà con về kỹ thuật nuôi trồng cây, con và cây giống mới. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều chị em phụ nữ đã biết làm kinh tế gia đình ngày càng khá, đời sống được cải thiện đáng kể. Điển hình như chị Đính, chị Nhạn, chị Hương (xóm Rú 1), chị Nhiên, chị Huyền, chị Biên (xóm Rú 2), chị Lĩnh, chị Hiền (xóm Nhõi 1), chị Dọt (xóm Nhõi 2). Ngoài những cá nhân điển hình trên, có nhiều tổ, nhóm phụ nữ giúp nhau làm kinh tế và giải quyết những khó khăn về gia đình cùng nuôi dạy con cái.

 

Chị Bùi Thị Dư (dân tộc Mường) - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: "Từ khi có TTHTCĐ, các lớp học được mở ra, tạo mọi điều kiện cho chị em phụ nữ tham gia học tập và sinh hoạt tập thể. Khi học chuyên đề về bình đẳng giới, cả chi hội mừng vì dân bản đã nhận ra được điều hay lẽ phải, vợ chồng bình đẳng. Trước đây chị em phụ nữ ở đây rất khổ, chồng thì thường đi uống rượu, hát xướng, vợ thì quanh năm lo lắng ruộng đồng. Ngoài ra, chị em còn được rèn luyện thêm về kỹ năng đọc, viết, ghi chép, báo cáo thông qua các bài kỹ năng về sản xuất, chăn nuôi".

 

TTHTCĐ Xuân Phong còn là nơi tập trung để bà con trong xã hoạt động văn hóa, thể thao. Từ đây, bản sắc văn hóa dân tộc Mường được khôi phục, hàng chục đội cồng chiêng của các bản Mường được sống lại trong những ngày mừng công sau một năm thành lập trung tâm.

 

Mô hình TTHTCĐ đã có tác dụng thực sự trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân tộc Mường, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ đói nghèo ở Xuân Phong hiện chỉ còn lại 14%.            

 

ThS Đào Duy Thụ

(TT KH Kiên Giang)