TS tâm lý: "Nhiều bố mẹ bị ám ảnh về sự nghèo đói khi nuôi dạy con"
(Dân trí) - "Nhiều bố mẹ bị ám ảnh về sự nghèo đói nên tin rằng có nhiều tiền sẽ lo được cho con và bị sa lầy vào việc kiếm tiền, làm kinh tế".
Đó là chia sẻ của TS tâm lý Tô Nhi A tại buổi ra mắt sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" dành cho học sinh tiểu học và THCS do báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM.

Tác giả Hoàng Hương, một trong những tác giả của cuốn sách "Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường" giao lưu cùng học sinh (Ảnh: Hoài Nam).
Hai cuốn sách này như những cuốn cẩm nang dành cho học sinh, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, cung cấp những kỹ năng, các xử lý với bạo lực học đường được ghi nhận từ những tình huống trong thực tế.
Trước tình trạng bạo lực học đường nhức nhối, một người mẹ chia sẻ, cuộc sống bận rộn, chị không có nhiều thời gian để trò chuyện, nắm bắt tâm lý của con. Chưa kể, con còn né tránh, không chia sẻ với bố mẹ.
Trước câu hỏi "Làm sao có thời gian cho con?", "Làm sao để con chịu chia sẻ?" của phụ huynh, TS Tô Nhi A quay sang hỏi hàng trăm học sinh tiểu học ngồi giữa sân trường.
"Bao nhiêu bạn thích nói chuyện với ba mẹ?", hàng loạt cánh tay của học trò giơ lên.
Bà Tô Nhi A hỏi tiếp: "Mỗi lần nói chuyện, ba mẹ có hay cộc (cộc cằn, nhăn nhó) với mình không?". Hầu hết học sinh ngồi dưới sân trường giơ tay.

TS tâm lý Tô Nhi A (Ảnh: Dung Nam).
Chuyên gia tâm lý Tô Nhi A ước lượng, số trẻ bị bố mẹ nhăn nhó, cộc cằn khi giao tiếp phải gấp đôi số trẻ muốn trò chuyện với bố mẹ. Đó là điều phụ huynh cần nhìn nhận để xem lại cách giao tiếp của mình với con.
TS Tô Nhi A cho hay, nếu bố mẹ tiếp tục lấy lý do bận rộn thì câu chuyện đồng hành cùng con sẽ bị khép lại. Nếu phụ huynh thực tâm với vai trò làm cha, làm mẹ cần biết mình sẽ dành giá trị gì cho con?
Chuyên gia phân tích, bố mẹ ở thế hệ trước bị ám ảnh về sự nghèo đói nên tin rằng có nhiều tiền sẽ lo được cho con và nhiều người bị sa lầy vào việc kiếm tiền, làm kinh tế. Điều này không sai nhưng lại có thể gây cản trở cho hành trình làm cha mẹ.
"Mỗi ngày 24 giờ, chúng ta cần trả lời tôi ngủ mấy tiếng, ăn nghỉ mấy tiếng, kiếm tiền mấy tiếng và bao nhiêu thời gian dành cho con. Đây là vấn đề của mỗi người làm bố làm mẹ. Thay vì nói tôi không có thời gian cho con thì phải nói tôi bắt buộc phải dành cho con bao nhiêu thời gian", bà Tô Nhi A nhấn mạnh.

Hầu hết học trò tiểu học ở buổi giao lưu cho biết các em sở hữu điện thoại và các tài khoản mạng xã hội riêng (Ảnh: Hoài Nam).
Bà Tô Nhi A chia sẻ, trẻ không cần quá nhiều thời gian của bố mẹ nhưng cần sự đều đặn. Có thể mỗi ngày chỉ cần 10 phút để chia sẻ, lắng nghe con và cùng con giải quyết những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.
Tại buổi giao lưu, hàng loạt học trò tiểu học giơ tay cho biết các em đều sở hữu điện thoại riêng, tài khoản Facebook, TikTok riêng dù chưa đủ tuổi để sử dụng. Chưa kể, nhiều học sinh cho biết các em chơi các game trực tuyến bạo lực.
Nghiên cứu sinh ngành tâm lý Đào Lê Tâm An nhấn mạnh, thế giới mạng cũng đầy rẫy những nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực. Không giống với bạo lực truyền thống, bạo lực trực tuyến xảy ra bất cứ đâu và rất khó để phát hiện.

Ông Đào Lê Tâm An cảnh báo về tình trạng bạo lực trên mạng xã hội (Ảnh: Mỹ Nam).
Ông Đào Lê Tâm An đặt vấn đề, phụ huynh trao cho con quyền sử dụng điện thoại cũng giống như "con dao hai lưỡi", nhất là khi trẻ chưa được hướng dẫn kỹ trước khi sử dụng. Do đó, ba mẹ cần phải quan sát con sử dụng điện thoại, trao đổi, dặn dò con những tình huống cần báo cho người lớn để xử lý.