Thanh Hóa:
Trường xuống cấp nghiêm trọng, thầy trò chịu khổ
(Dân trí) -Được chuyển đổi từ khu hành chính cũ của một nông trường, sau nhiều năm sử dụng không được tu bổ, đến nay, Trường THCS Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đang xuống cấp nghiêm trọng. Giáo viên và học sinh đang phải chịu cảnh “nắng tới mặt, mưa tới đầu”.
Trường THCS Yên Mỹ thuộc xã Yên Mỹ là địa bàn cách xa trung tâm huyện Nông Cống. Đây là địa bàn nằm giáp ranh với hai huyện Tĩnh Gia và Như Thanh. Chính quyền địa phương mới được tách ra thành lập từ năm 2004, đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.
Được thừa hưởng cơ sở vật chất của nông trường quốc doanh Yên Mỹ (nay là Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ) từ những ngày đầu thành lập. Thầy trò Trường THCS Yên Mỹ phải dạy và học trong khu hành chính cũ của nông trường được xây dựng từ những năm 1970 của thế kỷ trước.
Sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng nhưng không được tu bổ khiến trường đang xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường. Thầy giáo Mai Xuân Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do được thừa hưởng từ một nông trường cũ nên đến nay trường đã có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường đã cố gắng khắc phục nhưng cũng không được là bao so với sự xuống cấp từng ngày”.
Thầy Hạnh cho biết thêm: “Hiện nhà trường có 6 lớp học nhưng chỉ có 4 lớp là đủ bàn ghế, số bàn ghế này đều là do nhà trường vận động hội cha mẹ học sinh (HS) đóng góp để mua. Với gần 170 HS nhưng do không đủ phòng học nên nhà trường phải chia ra ngày dạy 2 ca học sáng và chiều. Có những phòng học chật hẹp, lại không đủ ánh sáng phải thắp điện HS mới có thể học bài được”.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay nhiều hạng mục của trường đang xuống cấp nghiêm trọng. Không chỉ tường bị bong tróc, vôi vữa bong từng mảng, loang lổ, nhiều nơi do mưa dột bị ngấm ẩm ướt rêu mọc xanh ngay trong lớp học. Có nhiều đoạn tường bị rạn nứt lên đến hàng chục mét.
Lan can cầu thang từ tầng một lên tầng hai của trường được làm bằng thép do sử dụng quá lâu nên đến nay đang bị bong, gãy nhiều mối hàn, nhiều que thép chòi ra, khiến HS qua lại rất nguy hiểm. Nhiều phòng học của trường cả bàn ghế HS lẫn giáo viên (GV) đều dùng bằng loại bàn ghế cũ nát đã qua thời gian sử dụng lâu ngày nhưng HS của trường vẫn phải ngồi học.
Không chỉ tường, cầu thang bàn ghế mà hệ thống cửa của từng phòng học cũng đã bị hư hỏng nặng, nhà trường đã phải dùng từng miếng gỗ đóng ghép tạm bợ vào để che nắng che mưa. Nguy hiểm nhất là lan can tầng hai rất thô sơ, tạm bợ có thể bị sập đổ bất cứ lúc nào.
Phòng học đã thiếu, nhiều phòng bộ môn và chuyên dụng của nhà trường cũng bị thiếu hay không có như: phòng thư viện, phòng công tác bộ môn, phòng máy… Một số phòng công tác như Đoàn đội, hành chính, văn thư, kế toán của nhà trường phải dùng chung với khu vực phòng học của học sinh cũng đang bị xuống cấp.
Thầy Trần Văn Hiệu - GV của trường tâm sự: “Cơ sở vật chất cũ nay đang xuống cấp, thiếu nhiều vật dụng giảng dạy đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Nhiều GV chúng tôi phải cố gắng để khắc phục. Nhiều hôm đứng lớp giảng dạy trời mưa mà mái nhà dột ướt hết. Thương các em HS phải chịu cảnh khó khăn để học bài”.
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học, Trường THCS Yên Mỹ còn thiếu nhiều GV ở các môn học như: Vật lý, kỹ thuật công nghệ, nhạc, họa… Nhiều GV các bộ môn khác không phải chuyên môn của mình nhưng vẫn phải đảm nhiệm dạy học.
Một khó khăn nữa của Trường THCS Yên Mỹ đó là đa số cán bộ và GV của trường đều ở xa. Nhà trường hiện có 13 GV và cán bộ nhân viên. Nhiều GV có nhà cách xa trường hơn 20 km đi lại rất khó khăn, nhà trường lại không có nhà công vụ cho GV. Chính điều này đã gây khó khăn không nhỏl đến việc bám trường bám lớp để dạy học của một số GV.
Khó khăn chồng chất khó khăn thế nhưng, những năm qua công tác dạy và học của trường vẫn đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tỷ lệ GV giỏi cấp huyện, HS giỏi cấp huyện và cấp tỉnh ngày một tăng.
Thầy Hạnh vui mừng chia sẻ: “Dù nhà trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng những năm qua tỷ lệ HS giỏi cấp huyện của nhà trường tăng lên đáng kể. Năm học 2009 - 2010 chỉ có 3 HS đạt danh hiệu HS giỏi cấp huyện nhưng đến năm học vừa qua, nhà trường có 8 em đạt HS giỏi cấp huyện, 2 em đạt HS giỏi tỉnh. Có 1 GV đạt GV giỏi cấp huyện. Đây là niềm vui, niềm động viên lớn đối với toàn bộ thầy và trò trường chúng tôi”.
Thái Bá - Duy Tuyên