Trường tư thu phí giữ chỗ: "Nhận cọc trong giáo dục là không thể xảy ra"
(Dân trí) - Việc trường tư thu phí đặt cọc giữ chỗ của học sinh, dao động từ 3-5 triệu đồng, liệu có trái với quy định của pháp luật?
Gần đây, hệ thống liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội thông báo thu phí giữ chỗ năm học mới. Chi phí này áp dụng cho cả học sinh đang theo học và học sinh lần đầu ghi danh.
Theo đó, phụ huynh tất cả các khối (trừ khối học sinh cuối cấp - lớp 5, lớp 9) có nguyện vọng cho con học tiếp tại trường sẽ phải đóng phí giữ chỗ trước ngày 15/4/2023.
Đối với học sinh hệ cơ bản, mức phí là 3 triệu đồng, hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng. Sau khi vào năm học, khoản phí này sẽ được đối trừ vào các khoản thu đầu năm và không được hoàn lại với những học sinh không theo học tại trường.
Trường học đang tráo đổi định nghĩa về phí, lệ phí?
Liên quan đến vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nhận định: "Với khoản được gọi là "phí giữ chỗ" này thực chất nó là một khoản tiền đặt cọc cho một giao dịch sẽ được thực hiện trong tương lai được quy định tại Bộ luật Dân sự chứ không phải là một khoản phí.
Tuy nhiên, giáo dục không phải là một giao dịch thuần túy. Do đó theo Luật sư Long, việc nhận cọc trong giáo dục là điều không thể xảy ra.
Tại Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thì không có bất kỳ quy định nào về khoản "phí giữ chỗ" này. Các trường đã cố ý đặt tên cho một khoản thu với mục đích đặt cọc là khoản "phí giữ chỗ" để nhằm tráo đổi định nghĩa về phí, lệ phí".
Ông Long bày tỏ, mặc dù các trường ngoài công lập được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhưng lại là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần tuân theo sự điều chỉnh của Luật Giáo dục và các nghị định có liên quan cũng như chịu sự quản lý của các cơ quan chủ quan ngành giáo dục ở địa phương.
Tức là đối với việc hoạt động của các cơ sở này không chỉ với mục đích mang lại lợi nhuận mà nó còn có mục đích xã hội đối với sự phát triển nói chung của ngành giáo dục.
Hoạt động giáo dục của các trường tư thục được quyền mang về lợi nhuận, tuy nhiên lợi nhuận đấy phải phù hợp sau khi nhà trường thu những khoản phí hợp lý để đối trừ đi những chi phí cho hoạt động.
Như đã phân tích ở trên, khoản thu mang tên "phí giữ chỗ" kia thực chất không phải là khoản phí. Do đó, kể cả có sự thương lượng đàm phán với phụ huynh học sinh thì nhà trường cũng không thể thu khoản tiền trái quy định này.
Theo Luật sư Long, đối với việc thu trái quy định này các trường có thể bị xử lý vi phạm hành chính tại Điều 24 Nghị định 138/2013 về vi phạm quy định về học phí, lệ phí và các khoản thu khác.
Điều 24 Nghị định 138/2013 về vi phạm quy định về học phí, lệ phí và các khoản thu khác:
1. Vi phạm quy định về học phí, lệ phí bị xử phạt theo quy định tại Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không công khai thu, chi tài chính theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thu các khoản trái quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại; trường hợp không trả lại được thì nộp về ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.