Trường tư lèo tèo hồ sơ đăng ký xét tuyển
(Dân trí) - Trong khi nhiều trường đại học công lập năm nay bội thu hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 thì nhiều trường đại học ngoài công lập đến thời điểm này chỉ nhận được lèo tèo vài chục bộ hồ sơ.
Trường ĐH Chu Văn An, tính đến ngày 6/9 mới nhận được khoảng gần 50 bộ hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu của trường là 1.000.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Dương Phan Cường - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cho biết: “Với tình hình nhận hồ sơ này, chúng tôi cũng dao động lắm, không biết năm nay có tuyển đủ được chỉ tiêu hay không”.
Về lý do vì sao thí sinh nộp hồ sơ ít, ông Cường chia sẻ: "Bởi trường nằm ở địa phận tỉnh Hưng Yên, trong khi đó, tâm lý phụ huynh và học sinh cho con đi học đại học là phải lên Hà Nội, có cơ hội đi làm thêm và ra trường ở lại làm việc. Vì vậy, trường nằm ở địa phận tỉnh khó tuyển sinh. Tuy nhiên, vì sự nghiệp giáo dục nên trường tôi cũng không thể cố tuyển sinh bằng mọi giá. Trường sẽ thông tin tuyển sinh NV2, NV3".
Được biết, trường ĐH Chu Văn An hiện nay có 1.000 sinh viên và khoảng 250 cán bộ, nhân viên, giảng viên, giảng viên thỉnh giảng. Trường có trụ sở đáp ứng khoảng 6.000 sinh viên.
Tương tự, Trường ĐH Lương Thế Vinh năm nay cũng tuyển 1.000 chỉ tiêu, hiện nay trường mới nhận được rất ít hồ sơ. Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thời gian xét tuyển của trường kéo dài tới ngày 31/10. Thời điểm này, thí sinh xét tuyển đang lựa chọn, cân nhắc ở các trường công lập, sau đó mới lựa chọn tới các trường dân lập. Với thời gian xét tuyển kéo dài như vậy nên hy vọng trường năm nay tuyển được nhiều hơn năm trước - ông Hùng mong muốn.
Theo ông Hùng, hiện Trường ĐH Lương Thế Vinh có 10 ngành học đại học và 6 ngành học cao đẳng tức là có 10 nghề sau này các em theo ngành nào là chọn nghề đó. Các em đăng ký học ngành nào sẽ được đáp ứng ngành đó. Tôi đã có lời khuyên các em nên chọn các ngành học mà yêu cầu xã hội 4 năm sau vẫn còn cần, những nghề mà sau khi ra trường không thích đi làm ở công ty nọ, cơ quan kia thì vẫn có thể làm chủ được công việc của mình như mở công ty, mở của hàng phục vụ nhu cầu xã hội, nhưng quan trọng hơn cả là chọn nghề mà mình ưa thích, phù hợp với khả năng.
Còn Trường ĐH Dân lập Phương Đông, đến thời điểm này trường nhận được 2.700 bộ hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu của trường là 2.300. Hạn nộp hồ sơ của trường là ngày 10/9.
Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tính đến chiều ngày 6/9, lượng hồ sơ nộp nhiều nhất là ngành Kiến trúc, còn khối B của trường hiện nay lượng hồ sơ vẫn thiếu so chỉ tiêu. Theo kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, trong tổng số lượng hồ sơ gửi đến trường sẽ có khoảng 30 - 40% là hồ sơ ảo (Năm 2012, số lượng hồ sơ gửi tới trường đã có tới 50% hồ sơ ảo).
Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập khác, số lượng hồ sơ nhận được hiện nay cũng rất ít, chỉ vài chục bộ đến vài trăm bộ, chưa đủ 50% chỉ tiêu… Hầu hết các trường đều thông báo xét tuyển NV3 vào kéo dài thời gian xét tuyển đến hết ngày 31/10.
Ngày 10/9, là kết thúc đợt I xét tuyển của các trường ĐH, CĐ. Ở các trường công năm nay số lượng hồ sơ nhận được tăng gấp 3 đến 10 lần so với chỉ tiêu như ĐH Kinh tế kỹ thuật và công nghiệp, ĐH Lao động & Xã hội, ĐH Công đoàn, ĐH ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, Học viện Ngân hàng, ĐH Điện lực, ĐH Công nghiệp Hà Nội… Theo nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng bổ sung là lấy điểm từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu. Do vậy, nhiều thí sinh điểm cao sẽ có khả năng không đỗ nguyện vọng đăng ký. Thí sinh nên cân nhắc lựa chọn đăng ký vào những trường, ngành có điểm điều kiện (mức điểm tối đa nhận hồ sơ) thấp hơn điểm thi của thí sinh và khoảng cách càng lớn thì sẽ có nhiều hơn cơ hội trúng tuyển.
Bộ GD-ĐT quy định, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt khác nhau, thời gian mỗi đợt xét tuyển là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng bổ sung, hoặc không được tuyển vào trường, ngành đã đăng ký nguyện vọng bổ sung thì được quyền rút hồ sơ (trong đó có giấy chứng nhận kết quả thi) để nộp vào trường, ngành khác.
Hồng Hạnh